Vì đâu nên nỗi?

Mưa to đường đô thị ngập không phải chỉ chuyện riêng của Hà Nội mà là mẫu số chung của hầu hết đô thị lớn, nhỏ trên thế giới. Tuy nhiên, có những khu đô thị mới trên địa bàn Thành phố đã đưa vào sử dụng, nhưng mưa xuống nước ngập lênh láng, song khi mưa tạnh cả tuần, thậm chí cả tháng, nước vẫn chưa rút hết thì quả là vấn đề đáng bàn.

Chuẩn châu Âu vẫn lo ngập

Sáng ngày 18/7, hàng loạt tuyến đường, nhất là khu vực phía Tây Hà Nội ngập úng nghiêm trọng. Phố Vũ Trọng Phụng, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tuân, Vương Thừa Vũ quận Thanh Xuân ngập sâu 30 cm; phố Nguyễn Khuyến, Trường Chinh, Phạm Ngọc Thạch quận Đống Đa nước ngập sâu cả mét, đường Dương Đình Nghệ quận Cầu Giấy nước ngập quá nửa bánh xe buýt… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội là do cường độ mưa vượt quá 50mm/2h nên đã xảy ra úng ngập tại nhiều khu vực.

Cảnh ngập mênh mông tại khu vực An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh Dân trí

Tuy nhiên, điều đáng nói là không chỉ các tuyến đường, nhiều khu đô thị mới từng được quảng cáo với chuẩn châu Âu như: Khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông) cũng bị ngập sâu vài chục cen- ti- mét (cm), có chỗ ngập đến 60 cm, khiến hàng loạt phương tiện bị chết máy giữa đường, giao thông tê liệt. Anh Trung, người dân tại khu đô thị này than thở, sáng 18/7 anh phải xin nghỉ làm vì toàn bộ các tuyến đường xung quanh đều ngập sâu, không thể đi lại được.

Cùng chung cảnh ngộ là Khu đô thị Văn Quán nằm sát trục đường chính Trần Phú, dù có hai hồ nước điều hòa khá rộng nhưng tình cảnh hễ mưa là ngập cũng diễn ra thường xuyên. Chị Đỗ Mai Anh người dân sinh sống trong khu nhà CT2 khu đô thị này cho biết, hễ mưa to một chút là hầu hết các tuyến đường gom của khu đô thị như đường 19.5, đường Nguyễn Khuyến… thường xuyên bị ngập. “Mưa nhỏ thì nước chỉ xâm sấp mặt đường nhưng hễ cứ mưa lớn thì ngập rất sâu và nước rút chậm, có thời điểm cả hai hồ điều hòa của khu đô thị cũng xảy ra tình trạng nước tràn bờ” – chị Mai Anh cho hay.

Những khu này có thể nói là còn nhẹ, theo khảo sát của PV, các khu đô thị nằm dọc trục Đại lộ Thăng Long tình trạng ngập úng còn nghiêm trọng hơn. Cụ thể là các khu đô thị: An Khánh (Hoài Đức); Văn Phú (quận Hà Đông); khu Resco (Cổ Nhuế- Hà Đông)… đều đang trở thành nỗi ám ảnh về tình trạng ngập lụt. Đặc biệt, khu Dương Nội (Hà Đông) từng có thời điểm mưa đã dứt nhưng nhiều ngày sau nước vẫn chưa rút. Đặc biệt, có mặt tại khu đô thị An Khánh những ngày này mới thấy hết nỗi khổ của cư dân và sự bất cập trong công tác quy hoach, quản lý xây dựng.

Nguyên nhân vì đâu?

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng này vẫn không nằm ngoài câu chuyện cốt nền. “Do cốt nền thấp nên nước dồn về nhiều hơn, ngoài ra diện tích bê tông hóa gia tăng, diện tích thảm cỏ, cây xanh thì bị thu nhỏ lại, nước không ngấm và thoát kịp nên bị ngập là chuyện đương nhiên” - PGS.TS Nguyễn Văn Hùng nói.

Ở một khía cạnh khác, PGS. TS Nguyễn Văn Hùng cho rằng, khu vực phía Tây của Thành phố vốn là khu vực trũng, nơi đây trước kia có nhiều ao hồ, đầm lầy, đến nay trong quá trình đô thị hóa, chúng ta đã cải tạo thành các khu đô thị. Quá trình bê tông hóa, đô thị hóa dẫn đến tình trạng làm giảm đi độ ngấm của đất gây ảnh hưởng đến độ thoát nước, trong khi đó, hệ thống thoát nước cũ kĩ, đa phần vẫn sử dụng các đường ống cũ, chưa được đồng bộ làm giảm thiểu đi khả năng thoát nước.

Và do đó, điều quan trọng để không xảy ra những nghịch cảnh như hiện tại đã đến lúc các cơ quan chức năng phải ngồi lại với nhau xem những khu đô thị đang triển khai quy hoạch hạ tầng đi kèm, trong đó có khâu thoát nước đã đảm đương được chưa? Kiên quyết nói không với những khu đô thị mà chủ đầu tư làm ăn theo kiểu ăn xổi dẫn đến vấn nạn “ngập nhanh , rút chậm”!

Chuyên gia Nguyễn Văn Hùng nhận định là thế, song theo quan điểm của một số chuyên gia khác và quan điểm của chúng tôi, sở dĩ xảy ra tình trạng “mưa ngập sâu, nước rút lâu” là do lỗi hệ thống giữa các khâu quy hoạch, quản lý quy hoạch và quản lý xây dựng. Với doanh nghiệp, bản chất của họ là kinh doanh. Khi họ lập dự án, nhà quản lý cấp phép là họ tiến hành xây dựng. Còn với nhà quản lý, cụ thể là các cơ quan hữu quan như Sở Kế hoạch- Đầu tư; Sở Quy hoạch; Sở Xây dựng; Sở Giao thông- Vận tải; Sở Tài nguyên - Môi trường phải có nhiệm vụ ngồi lại với nhau để hoạch định chính sách về quy hoạch hạ tầng đô thị, trong đó có vấn đề giao thông, trường học, đặc biệt là hệ thống thoát nước trên bản quy hoạch Chung đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua, Thành phố quy hoạch chi tiết phân khu đô thị.

Cụ thể, ở các nước dựa trên bản quy hoạch tổng thể, các cơ quan chức năng ngồi lại với nhau để tiến hành quy hoạch chi tiết. Ví dụ khu A của thành phố B sẽ là địa điểm xây dựng một khu đô thị cỡ 3 ha với quy mô dân số 10.000 dân. Khi đó, cơ quan quản lý về giao thông phải có trách nhiệm quy hoạch chi tiết và quản lý về giao thông; cơ quan quy hoạch và xây dựng phải có trách nhiệm quy hoạch về hệ thống cấp thoát nước… Khi và chỉ khi các kết cấu hạ tầng đường, điện, thoát nước… hoàn chỉnh mới cho phép nhà đầu tư tiến hành xây dựng đô thị, các khu chung cư. Còn ở ta, thường làm ngược lại. Đa số những khu đô thị mới, đặc biệt là khu đô thị thị phía Tây hệ thống thoát nước đồng bộ vẫn dựa hệ thống tưới tiêu nông nghiệp cũ (trong khi dự án cấp thoát nước giai đoạn 2 do Ngân hàng Thế giới tài trợ mới đang triển khai các quận nội đô). Vì thế, cứ mưa là ngập!

Giải pháp nào?

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Hùng, để sớm khắc phục tình trạng ngập nhanh, rút chậm như hiện tại ở một số khu đô thị, trước mắt cần quy hoạch hệ thống tiểu cảnh, vườn hoa để tăng độ ngấm cho đất. Còn về lâu về dài cần có những giải pháp tổng thể và đồng bộ. “Về nguyên tắc nước chảy chỗ trũng, nhưng nếu chỉ chờ cải tạo đường ống to rồi đổ dồn hết về sông Nhuệ, sông Lừ để tăng khả năng tiêu thoát thì rồi cũng sẽ tắc lại. Do đó, cần giải quyết tổng thể, có quy hoạch chung rõ ràng, nếu chỉ giải quyết từng địa điểm, từng khu đô thị thì sẽ không bao giờ giải quyết dứt điểm được” – PGS. TS Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Cùng quan điểm về vấn đề này, nhiều chuyên gia trong ngành cũng nhất trí rằng, để xảy ra tình trạng ngập nặng một phần cũng là do các chủ đầu tư chỉ lo bán nhà mà không đồng bộ hệ thống hạ tầng kèm theo. Ngoài ra, quy hoạch xây dựng đô thị manh mún, không đồng nhất với quy hoạch tổng thể dẫn đến mâu thuẫn trong tiêu thoát nước giữa các tiểu khu ngay trong chính từng khu đô thị.

Và do đó, điều quan trọng để không xảy ra những nghịch cảnh như hiện tại đã đến lúc các cơ quan chức năng phải ngồi lại với nhau xem những khu đô thị đang triển khai quy hoạch hạ tầng đi kèm, trong đó có khâu thoát nước đã đảm đương được chưa? Kiên quyết nói không với những khu đô thị mà chủ đầu tư làm ăn theo kiểu ăn xổi dẫn đến vấn nạn “ngập nhanh , rút chậm”!

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/vi-dau-nen-noi-56679-56679.html