Vết gợn trong báo cáo việc làm tháng 3 của Mỹ

Báo cáo việc làm “tích cực” trong tháng 3 cho thấy bước nhảy vọt của tiền lương và hoạt động tuyển dụng, nhưng đâu đó vẫn còn dấu hiệu của sự giảm tốc trong tăng trưởng việc làm tại Mỹ.

Trong tháng 3, các công ty đã tạo ra nhiều hơn con số dự báo 215.000 việc làm mới và thu nhập trung bình/giờ cũng tăng 0,3% so với tháng 2. Tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ từ 4,9% lên 5% do có thêm nhiều người tham gia vào lực lượng lao động.

Tuy nhiên, vẫn còn 1 chỉ số về tuyển dụng vẫn tiếp tục thụt lùi. Ông John Canally – chiến lược gia tại LPL Financial – cho biết trong 3 tháng nay, lượng việc làm tạm thời đang ở mức yếu và chỉ có 4.000 công việc ngắn hạn được tạo ra trong tháng 3, thấp hơn nhiều so với con số 10.000 việc làm tạm thời được ra ra trong cùng kỳ năm trước. Đáng ngạc nhiên khi chỉ số quan trọng này đã giảm hơn 55.000 đơn vị trong tháng 1 và 2.

Việc làm tạm thời được các nhà kinh tế theo dõi chặt chẽ khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau giai đoạn suy thoái bởi sự tăng trưởng của thị trường việc làm ngắn hạn là dấu hiệu ban đầu cho thấy những nhà tuyển dụng đang hướng tới những việc làm dài hạn.

Mặc dù nền kinh tế Mỹ cho thấy dấu hiện giảm tốc khi được dự báo chỉ tăng trưởng chưa đầy 1%, nhưng báo cáo việc làm lại cho thấy sự hồi sinh của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Những số liệu của báo cáo việc làm tháng 3 cho thấy tiền lương đã tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập trung bình sau khi giảm 2% trong tháng 2 đã tăng 7% trong tháng 3.

Vấn đề tiền lương cũng được theo dõi chặt chẽ bởi nó sẽ đưa ra những dấu hiệu sớm về lạm phát. Nếu lạm phát vẫn tiếp tục duy trì ở dưới mức kỳ vọng như hiện nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ không thể tiếp tục tăng lãi suất.

Theo thông tin từ RBS, sau khi báo cáo việc làm tháng 3 được công bố, tỷ lệ người dự báo FED sẽ nâng lãi suất trong tháng 9 tăng từ 46% lên 54% và tháng 12 tăng từ 72% lên 78%.

Các nhà phân tích cho rằng bất kể thị trường trái phiếu phản ứng ra sao, báo cáo việc làm tích cực này cũng chưa thể làm quyết định giảm số lần nâng lãi suất trong năm 2016 từ 4 xuống 2 lần vừa được FED đưa ra trong cuộc họp ngày 15-16/3.

Cứ tăng là tốt?

Một mảng của báo cáo việc cũng cho thấy tỷ lệ lực lượng lao động có tăng trưởng. Tỷ lệ này tăng nhẹ từ 62,9% lên 63%. Nên nhớ rằng trước cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008, lực lượng lao động Mỹ chiếm 66% dân số nước này và chỉ số này đang liên tục tăng trong vài tháng qua, làm dấy lên những lo ngại về dấu hiệu lịch sử sẽ lập lại.

Trong tháng 3, lĩnh vực bán lẻ tạo ra 48.000 việc làm, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và xây dựng cùng tuyển thêm 37.000 nhân sự. Ngược lại, số lượng việc làm trong ngành sản xuất đã giảm 29.000 việc làm.

Ông Joseph LaVorgna – nhà kinh tế trưởng Mỹ của Deutsche Bank – cho rằng nhìn tổng thể, những con số này rất ấn tượng nhưng việc mất đi nhiều việc làm trong ngành sản xuất lại không tốt chút nào.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/vet-gon-trong-bao-cao-viec-lam-thang-3-cua-my-20160402122346744p4c145.news