Vết bỏng hoại tử, bốc mùi hôi thối vì đắp lá tự chữa

Nhiều trường hợp trẻ bị bỏng, nhập viện trong tình trạng bốc mùi vì da thịt hoại tử do người thân chữa bằng cách đắp thuốc lá, bôi mực lên da, thậm chí là bôi nước mắm.

Hoại tử do đắp lá trị bỏng

Hoại tử do đắp lá trị bỏng

Mới đây nhất, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Hà Nội tiếp nhận một bệnh nhi 4 tuổi, trú tại Mỹ Đức, Hà Nội sốt cao, da tái nhợt và cơ thể bốc mùi khó chịu.

Theo lời kể của gia đình, cháu bé bị bỏng nước sôi trước đó 9 ngày và vết bỏng vùng lưng, chân đang có dấu hiệu hoại tử.

Người thân của bé cho biết do hoàn cảnh bố mẹ đi làm ăn xa trong miền Nam, cháu sống cùng ông bà nên thay vì đi viện điều trị, ông bà đã tự ý lấy lá đắp lên vết bỏng chữa cho cháu. Đến ngày 22/11, khi thấy cháu đi ngoài phân đen, da tái nhợt, sốt cao gia đình mới cho đi viện cấp cứu.

BS. Đỗ Hữu Nghị - Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết: “Cháu bé bị bỏng phần nửa dưới lưng, mông phải, đùi, cẳng chân phải. Vùng da đắp lá đã có dấu hiệu biến chứng viêm, loét, hoại tử.

Do bệnh nhân nhập viện muộn nên các bác sĩ cấp cứu chỉ tiến hành sơ cứu ban đầu, cho dùng hạ sốt, truyền dịch, bù nước điện giải; sau đó chuyển đến cơ sở chuyên khoa bỏng để điều trị”.

Đây là một trong nhiều trường hợp bị biến chứng do điều trị bỏng sai cách của gia đình.

Trường hợp của bé Vũ Gia B. 15 tuổi trú tại Đông Hưng, Thái Bình cũng bị hoại tử chân vì vết bỏng đắp lá. Theo chị Hà mẹ của bé là cách đây 10 ngày cháu bị phích nước sôi đổ vào chân khiến toàn bộ da vùng đùi non chân trái bị bỏng nặng.

Khi con bị bỏng, gia đình chị không cho đi viện mà mua kem trị bỏng về bôi cho con đồng thời đi mua thuốc lá về đắp với hi vọng khỏi bỏng. Sau 2 ngày đắp lá vết bỏng cứ chảy dịch. Chị lại được thầy lang khuyên ra dịch là đang hết vết bẩn nên cứ chịu khó đắp. Đến ngày thứ 5 cháu bị sốt cao kèm theo co giật gia đình cho cháu đi bệnh viện Nhi Thái Bình khám. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị sốc nhiễm khuẩn do hoại tử vết bỏng và chuyển cháu lên bệnh viện chuyên khoa Bỏng điều trị.

Sau 5 ngày điều trị ở viện, sức khỏe cháu đã tốt hơn nhưng vết bỏng hoại tử phải cắt bỏ và phẫu thuật ghép da trong hai ngày tới. Chị Hà kể trường hợp con chị bị như thế do cả nhà nghĩ đắp lá bỏng và uống thuốc mát sẽ khỏi, ai dè thành ra hại con.

Bác sĩ Nghị khuyến cáo khi bị bỏng tuyệt đối không tự ý đắp lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc để chữa bỏng là điều phản khoa học.

Khi bị bỏng, trước mắt phải dội nước lạnh sạch vào, không dội nước đá và dù bất cứ trường hợp nào vết bỏng cần phải được làm sạch và vô trùng tối đa chỗ tổn thương bỏng nên việc đắp lá rất dễ gây nhiễm trùng.

Ngoài nhiễm trùng tại chỗ còn có biến chứng sốc do đau, sốc do mất dịch, rối loạn nước điện giải, thậm chí nặng có thể dẫn đến tử vong.

Sơ cứu người bị bỏng việc đầu tiên là phải làm mát vết bỏng bởi như vậy sẽ giúp đỡ phù nề do da được hạ nhiệt, giảm độ sâu của bỏng. Chú ý không chườm đá lạnh lên vết bỏng. Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để để được sơ cứu và điều trị kịp thời.

Những thói quen trong dân gian không giúp ích cấp cứu bỏng nhiệt tốt mà còn làm tình trạng nặng hơn, ví dụ như bôi kem đánh răng, mỡ trăn hay dội nước đá lên tổn thương bỏng.

Khánh Ngọc

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vet-bong-hoai-tu-boc-mui-hoi-thoi-vi-dap-la-tu-chua-post214433.info