VEPR: Dự báo tăng trưởng GDP cả năm chỉ đạt 6,0%

Dù Chính phủ đã hạ mục tiêu tăng trưởng trong năm nay từ 6,7% xuống 6,3-5,5%, tuy nhiên Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế 6% hoặc thấp hơn trong năm 2016. Lạm phát từ nay đến cuối năm là không thể tránh khỏi và hoàn toàn có khả năng chạm mức mục tiêu 5% mà Quốc hội đặt ra.

Phục hồi nhẹ so với nửa đầu năm

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô của VEPR công bố sáng 11.10, bước sang quý III/2016, kinh tế VN đã có những cải thiện đáng kể so với nửa đầu năm, GDP đạt mức tăng 6,4%, giúp tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 5,93%.

Theo Tổng cục Thống kê, nông nghiệp suy giảm kết hợp với khó khăn trong trong ngành công nghiệp khai khoáng được cho là nguyên nhân chính dẫn tới tăng trưởng thấp. Khu vực nông nghiệp vốn chiếm từ 11-13% GDP ước tính chỉ tăng 0,05% trong 9 tháng đầu năm và chỉ đóng góp được 0,01 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Trong khi đó, lâm nghiệp và thủy sản cũng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, khu vực nông, lâm ngư nghiệp chỉ tăng 0,65%, thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.

Theo đánh giá của VEPR, kinh tế trong nước phục hồi nhẹ so với nửa đầu năm nhờ những yếu tố tích cực đến từ khu vực chế biến, chế tạo. Tăng trưởng nhóm ngành này 9 tháng đầu năm đạt 11,22%, cao hơn so với hai năm 2014 và 2015. Tuy nhiên, sự hồi phục này không đủ bù đắp suy giảm của ngành nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng với mức đóng góp lên tới 28,4% trong cơ cấu GDP. Tính đến hết tháng 9, ngành khai khoáng ước giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, làm giảm 0,28 điểm phần trăm tăng trưởng.

Ngoài ra, VEPR đánh giá, tình hình hoạt động doanh nghiệp (DN) tiếp tục có nhiều khởi sắc, dù giảm nhẹ so với Quý II. Số lượng DN đăng ký hoạt động mới cũng như số vốn đăng ký trung bı̀nh tăng mạnh. Tuy nhiên, lượng lao động sử dụng trong các DN mới lại giảm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do cắt giảm lao động trong khu vực công nghiệp khai khoáng.

Mục tiêu sẽ bị phá vỡ

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, kinh tế quý IV cần phải tăng trưởng ít nhất 8,3% so với cùng kỳ năm trước. TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR cho biết: “Chính phủ không hạ mục tiêu tăng trưởng nhưng khẳng định cố gắng đạt mục tiêu 6,3-6,5%. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định không thể đạt được”.

Kinh nghiệm tăng trưởng những năm qua cho thấy, dù tăng trưởng Quý IV có cao hơn Quý III, cũng không thể vượt 1 điểm phần trăm. Lần duy nhất ghi nhận mức chênh lệch này là năm 2009 khi Chính phủ ra gói kích cầu quy mô lớn nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế. Do vậy, nhóm nghiên cứu giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 6,0% cho cả năm 2016.

“Hiện nay không ai đặt ra vấn đề mở gói kích cầu như năm 2009 vì nền kinh tế hiện nay không ở trong trạng thái cần làm điều đó. Năm 2009, đã "bơm" gói cứu trợ lớn hỗ trợ lãi suất, chủ yếu vào nhằm vào thị trường bất động sản (BĐS) và thị trường tài sản, đạt tăng trưởng trên 2 điểm phần trăm. Tuy nhiên, động thái này đạt hiệu quả không cao bởi hệ quả là lạm phát, giá BĐS, chứng khoán bùng nổ, trong khi không tăng trưởng sản xuất, cải thiện năng suất của nền kinh tế” - TS Thành nói.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại - cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế cao nhất chỉ từ 6-6,2%. Mục tiêu quan trọng nhất thời gian tới là kìm chế lạm phát và không chạy theo mục tiêu tăng trưởng. VEPR nhận định, lạm phát có thể tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm là không thể tránh khỏi, khi giá dịch vụ y tế mới được điều chỉnh tại 16 tỉnh/thành trong quý III. Giá năng lượng hồi phục trong khi giá lương thực thế giới vẫn là một ẩn số có thể tạo áp lực lên mặt bằng giá trong nước. Trong khi đó, cung tiền vẫn đang điều chỉnh tăng nhanh hơn so với cùng kỳ năm 2015. Những yếu tố này khiến lạm phát hoàn toàn có khả năng chạm mức mục tiêu 5% mà Quốc hội đặt ra.

VEPR cho rằng, các cơ quan hoạch định chính sách cần thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ. Đặc biệt là cần linh động trong điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong quý IV và đầu năm 2017 trong trường hợp có thể gây rủi ro lạm phát. Chi ngân sách đang có xu hướng gia tăng trong những tháng cuối năm và không kịp điều chỉnh xuống tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế trên thực tế, trong khi thu ngân sách, đặc biệt là ngân sách trung ương lại gặp khó khăn vì phản ánh đúng thực tế tăng trưởng chậm hơn so với dự báo từ đầu năm. VEPR cho rằng, mục tiêu duy trì bội chi ngân sách dưới 5% GDP trong năm 2016 sẽ một lần nữa bị phá vỡ.

Trong thời gian tới, bên cạnh việc thực tế và khiêm tốn hơn trong việc lập kế hoạch tăng trưởng đầu năm, VEPR nhận định Chính phủ mới cần có một chiến lược tổng thể và hữu hiệu cắt giảm bộ máy hành chính và chi thường xuyên trong cả nhiệm kỳ. Ngoài ra, những biện pháp mang tính kỹ thuật khác như thoái vốn dứt khoát tại các DNNN cũng cần được xem xét.

Khánh Linh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/vepr-du-bao-tang-truong-gdp-ca-nam-chi-dat-60-600758.bld