Vén màn bí mật phía sau những giải đấu Bridge & Poker (3): Quản lí mơ hồ, manh nha cờ bạc

Ngoài Hà Nội, hiện một số tỉnh thành khác đã và đang xúc tiến thành lập các câu lạc bộ Poker. Tuy nhiên, trước những biến tướng của trò chơi này, nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu quản lý không tốt thì đây có thể là một hình thức cờ bạc trá hình...

Một “giải đấu” tại Thái Nguyên Poker Club với sự tham gia của nhiều thành phần, lứa tuổi.

Một “giải đấu” tại Thái Nguyên Poker Club với sự tham gia của nhiều thành phần, lứa tuổi.

Nhiều tỉnh thành xin cấp phép

Theo nhận định của giới am hiểu và đã từng chơi, Poker xuất hiện từ rất lâu tại các sòng bài trên thế giới và có mặt tại Việt Nam chừng vài năm trước. Trước đấy, tại một số quán cà phê ở Hà Nội thường “đính kèm” thêm 1 dịch vụ khác là “sòng bạc… bình dân”. Theo đó, tầng 1 kinh doanh cà phê bình thường nhưng tầng 2 sẽ dành cho nhóm người chơi Poker bằng bài 52 cây và những tấm nhựa hình tròn nhỏ đủ màu sắc đen-trắng-đỏ-tím-xanh-vàng.

Poker thường được chơi theo nhóm, từ 6 đến 10 người, không phân biệt già-trẻ-gái-trai. Môn “thể thao trí tuệ” này bị biến thành trò cờ bạc chính là việc người chơi tự thỏa thuận quy đổi “phỉnh” theo màu sắc giao ước. Ví dụ như màu trắng 50.000 đồng, đen 100.000 đồng, đỏ 200.000 đồng… Theo luật chơi “phỉnh” được người cầm cái giữ, người chơi sẽ dùng tiền để mua “phỉnh”, sau khi kết thúc cuộc chơi “phỉnh” sẽ được quy đổi lại thành tiền.

Tại một số CLB Poker ở Hà Nội đã được cấp phép, ngoài tổ chức các tour thi đấu (người chơi đóng tiền tham gia và lĩnh thưởng nếu chiến thắng) cũng bắt đầu manh nha hình thức chơi cash như nói trên. Nghĩa là người tham gia có thể nhập và rời cuộc chơi bất cứ lúc nào, mua bao nhiêu chip để chơi cũng được, sau đó đổi ra tiền mặt…

Trong quá trình tìm hiểu về hoạt động chơi Poker chúng tôi được biết, với lợi nhuận thu về cao, nhiều tỉnh thành đã và đang xin cấp phép hoạt động. Điển hình trong số đó là Hội Bridge & Poker Thái Nguyên do Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định thành lập ngày 22/6/2017 vừa qua.

Có mặt tại Thái Nguyên Poker Club đặt tại tầng 4 một khách sạn sang trọng tại trung tâm TP Thái Nguyên, theo quan sát của phóng viên, mặc dù chỉ là CLB cấp địa phương nhưng cơ sở vật chất cùng cách bài trí tại đây không có nhiều khác biệt so với những đồng nghiệp ở Thủ đô. Cũng những bộ bàn ghế sang trọng để chơi bài, cũng những nhân viên xinh đẹp, nhanh nhẹn và cũng có những người chơi sành sỏi. Tuy nhiên có một thực tế là các giải đấu ở đây tổ chức thưa thớt hơn và giá trị buy-in (đóng phí chơi) cũng thấp hơn, thường từ 180.000 đồng đến 1,2 triệu đồng.

Theo lời ông Hoàng Minh Phương, người tự giới thiệu là lãnh đạo CLB Thái Nguyên Poker Club, do mới đi vào hoạt động nên CLB chủ yếu đông khách vào buổi tối và dịp cuối tuần.

Người đàn ông này còn tiết lộ, hiện tại các tỉnh như Bình Dương, Phú Thọ đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để thành lập các Hội và CLB Poker. Sắp tới ông cũng sẽ xúc tiến mở thêm các CLB Poker ở một số địa phương khác... Đáng lưu ý, theo lời vị này, các CLB Poker tại địa phương sẽ khước từ sự liên đới của Hiệp hội Thể thao Bridge & Poker Việt Nam, bởi mức đóng phí vào tổ chức này quá cao.

Ranh giới mong manh

Để vào bên trong Thái Nguyên Poker Club, người chơi phải đăng ký thành viên.

Tại buổi làm việc giữa PV Báo Gia đình & Xã hội với đơn vị quản lý là Sở VH-TT&DL tỉnh Thái Nguyên có ông Lưu Công Sơn, Phó Giám đốc Sở và ông Tạ Đình Chiến, Trưởng phòng Quản lý Thể thao. Dù là những người trực tiếp quản lý hoạt động của CLB Poker Thái Nguyên nhưng ông Sơn và ông Chiến đều thừa nhận: Chưa từng nghe đến bộ môn này cho đến thời điểm có người đến làm thủ tục xin cấp phép. “Đầu năm nay tôi mới biết cách chơi. Những người vận động mang đến một cái đĩa bật cho mình xem, rồi nói là đã tổ chức ở nước này nước kia, giải này giải kia, rồi các sếp bảo tạo điều kiện thì mình làm. Nói thật là ở loại hình Poker ranh giới giữa thể thao trí tuệ và đánh bạc nó mong manh như sợi chỉ nên tôi vẫn thường nhắc anh em phải luôn sát sao…”, ông Sơn thẳng thắn.

Tương tự ý kiến của ông Sơn, lãnh đạo các phường - nơi đặt 4 CLB thành viên của Hiệp hội Thể thao Bridge & Poker Việt Nam tại Hà Nội gồm: Loyal Poker (D2 Giảng Võ), Win Poker (67 Phó Đức Chính), Capital Poker (136 Hàng Trống) và King Poker (367 Tây Sơn) cũng cho biết, các CLB này hoạt động theo đúng quy định của pháp luật còn về luật chơi thì bản thân họ không nắm rõ.

Ở góc độ chuyên gia, TS La Văn Thái nhận định: “Sự khác biệt lớn nhất giữa môn thể thao trí tuệ và đánh bạc là chip nhựa trong casino có thể đổi ngược lại ra tiền còn ở các CLB Poker tại Việt Nam là thi đấu theo tour, người thắng cuộc phải là người ăn hết được toàn bộ chip của người chơi khác chứ không bỏ ngang để ra đổi lại tiền được. Thế nhưng với thực tế mà báo chí ghi nhận tại một số CLB Poker cho thấy, việc áp dụng kiểu chơi như các sòng bạc đã manh nha. Tôi cho rằng cơ quan quản lý mà cụ thể là Tổng cục Thể dục – Thể thao phải sớm có văn bản yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động tại các CLB Poker đến khi kiện toàn và ban hành quy chuẩn trong cách triển khai đúng quy định, ngăn chặn việc biến tướng thành môn bài bạc về sau”.

Nếu là cờ bạc trá hình, cơ quan pháp luật cần vào cuộc

Chiều 19/7, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao cho biết: Việc thành lập Hiệp hội Bridge & Poker là hoạt động theo mô hình của môn thể thao trí tuệ, còn khi áp dụng tại các CLB xuất hiện “cờ bạc trá hình” thì phải có cơ quan pháp luật vào cuộc chứ không còn là thẩm quyền của ngành thể thao nữa.

“Về việc Thái Nguyên thành lập Hội Bridge & Poker, theo phân cấp thì địa phương này phải có trách nhiệm quản lý, Tổng cục Thể dục Thể thao chỉ đưa những văn bản hướng dẫn của Luật chuyên ngành để họ áp dụng. Dù họ có tham gia Hiệp hội hay không thì bất kỳ CLB Poker nào cũng phải tuân thủ đúng quy định chung. Quan điểm của chúng tôi là cương quyết và ngăn chặn việc biến tướng của môn thể thao trí tuệ này thành cờ bạc”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cùng nêu quan điểm về thú chơi còn rất mới mẻ này, ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: “Việc các CLB Poker chống “lệnh cấm” của Hiệp hội để tổ chức thi đấu, lãnh thưởng, thậm chí xuất hiện những hình thức chơi như sòng bạc chuyên nghiệp rõ ràng là vấn đề rất đáng lo ngại. Do đó, các cơ quan quản lý mà trước hết là cơ quan công an cần sớm vào cuộc để làm rõ”.

Trước phản ánh của Báo, trong ngày 19/7, Hiệp hội Bridge & Poker đã có văn bản gửi đến UBND phường Trúc Bạch, quận Ba Đình (đơn vị cấp phép và quản lý Win Poker Club); UBND phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa (King Poker Club); UBND phường Giảng Võ, quận Ba Đình (Loyal Poker Club) và UBND phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội (Capital Poker Club) đề nghị kiểm tra hình thức hoạt động của các CLB trên. Theo đó, nếu đúng các CLB này vi phạm quy định của Hiệp hội, vi phạm quy định của pháp luật thì Hiệp hội sẽ áp dụng các hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc khai trừ tư cách Hội viên.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ven-man-bi-mat-phia-sau-nhung-giai-dau-bridge-poker-3-quan-li-mo-ho-manh-nha-co-bac-20170720082557462.htm