Về vùng 'rốn lũ' Đồng Xuân

Đến ngày 7-11, mưa lũ trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã dứt, nhưng xã Phú Mỡ thuộc huyện Đồng Xuân vẫn bị chia cắt. Tuy nhiên, điều này không vì thế mà ảnh hưởng đến công tác khắc phục hậu quả của chính quyền địa phương, cũng như bước chân của các đoàn cứu trợ về vùng “rốn lũ” hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống.

Thiệt hại nặng nề

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Phú Yên, đợt mưa lũ vừa qua đã làm bảy người chết; 9.679 ngôi nhà ngập, trong đó sập hoàn toàn 10 nhà; hàng nghìn héc-ta lúa mùa, mía, sắn bị ngập, hư hỏng nặng; năm tàu thuyền chìm; hơn 2.000 lồng nuôi tôm hùm bị chết do sốc nước lũ, 628 ha diện tích hồ tôm, ốc ngập, sạt lở, 300 tấn muối bị cuốn trôi; hơn 3.600 m kênh mương, kè bị sạt lở, bồi lấp; giao thông hư hỏng nặng…, ước tính tổng thiệt hại hơn 300 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Đồng Xuân, đây là cơn lũ lớn nhất trong vòng bảy năm qua, làm 2.574 nhà của người dân bị ngập nước từ 1m trở lên; hệ thống giao thông, thủy lợi bị bồi lấp, sạt lở nghiêm trọng; hàng nghìn héc-ta sắn, mía bị ngã đổ, thối củ không thể thu hoạch hoặc cho sản lượng thấp,… tổng thiệt hại hơn 74 tỷ đồng. Đây cũng là địa bàn bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng nhất tỉnh Phú Yên trong đợt mưa lũ vừa qua.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đồng Xuân Trần Quốc Huy nói: “Riêng về nông nghiệp, lũ gây thiệt hại hơn 20 tỷ đồng, nặng nhất là cây sắn với hơn 1.000 ha bị ngã đổ, tróc gốc, thối củ; hơn 3.000 m kênh mương bị bồi lấp, đổ vỡ. Sau lũ, phòng đã vận động bà con ra đồng thu gom củ sắn bị ngập nước; đồng thời đề nghị Nhà máy sản xuất tinh bột sắn huyện ưu tiên thu mua sắn bị ngập úng cho nông dân để giảm bớt thiệt hại”. Chia sẻ khó khăn này, Giám đốc Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân Huỳnh Văn Đồng cho biết, ngày 7-11, nhà máy đã khởi động thu mua, chế biến sắn sớm hơn dự kiến và ưu tiên mua sắn bị ngập úng cho nông dân.

Chung tay khắc phục hậu quả mưa lũ

Đến sáng 7-11, huyện Đồng Xuân vẫn còn xã Phú Mỡ bị chia cắt; các tuyến đường giao thông chính lên xã Xuân Quang 1; đường ĐT644 tại lý trình 30+400 (giữa xã Đa Lộc và Xuân Lãnh) hư hỏng nặng; cầu vượt lũ La Hai bị xói lở đường dẫn. Chính quyền địa phương cùng với ngành quản lý đường bộ đang nỗ lực khắc phục sửa chữa, bảo đảm thông toàn hệ thống đường giao thông trong thời gian sớm nhất. “Đến chiều 6-11, hầu hết các tuyến đường bị sạt lở ở huyện Đồng Xuân đã khắc phục xong. Riêng sự cố cầu La Hai, chúng tôi phải huy động mức cao nhất nhân lực, máy móc làm việc liên tục, để hoàn thành chậm nhất trong ngày 7-11”, ông Lưu Minh Tâm, Đội trưởng đội quản lý đường bộ 641 thuộc Công ty cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ Phú Yên cho biết.

Tại xã Xuân Sơn Bắc, địa bàn vùng trũng ven sông Kỳ Lộ, hơn 600 hộ dân bị cô lập trong lũ ba ngày liền. Ngay sau khi lũ rút, người dân xã Xuân Sơn Bắc tập trung dọn vệ sinh nhà cửa, đường sá, chuồng trại; các ngành chức năng tích cực triển khai sửa chữa hư hỏng điện, đường, trường, trạm; xử lý hóa chất các giếng đào, bảo đảm nguồn nước hợp vệ sinh cho nhân dân sử dụng. “Người dân tự bảo nhau dọn dẹp bùn, rác trên các con đường bê-tông chứ không đợi chính quyền giúp đỡ”, bà Nguyễn Thị Mỹ, thôn Tân Bình, xã Xuân Sơn Bắc nói. Còn Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Bắc Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Nước rút đến đâu, chúng tôi huy động lực lượng thanh niên cùng với người dân dọn vệ sinh đến đó. Hiện tất cả các giếng đào của nhân dân trong xã đều được xử lý hóa chất”.

Cùng chung tay với chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Phú Yên khắc phục hậu quả mưa lũ, đã có năm đoàn cứu trợ đầu tiên từ các địa phương khác đến với người dân huyện Đồng Xuân, với số tiền hỗ trợ gần 800 triệu đồng. Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Đặng Ngọc Anh cho biết thêm: “Rất mừng là khi lũ rút, các đoàn cứu trợ đã về cùng chính quyền giúp dân. Ngoài khắc phục nhanh về môi trường, trường học, đường giao thông, thủy lợi…, chúng tôi cũng đã xử lý hóa chất gần 3.000 giếng đào bị ngập lũ để người dân có nước hợp vệ sinh sử dụng”.

Tuy nhiên, để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, khi chỉ còn hơn hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, trước mắt tỉnh Phú Yên kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 1.100 tấn gạo cứu đói cho 33.600 nhân khẩu, 1.000kg Cloramine B, 30.000 viên Aquatabs, 500 lít Pemrethrin, 10 máy phun ULV. 3, sớm hỗ trợ khắc phục thiệt hại về giao thông, thủy lợi 90 tỷ đồng và chín xuồng cao-su gắn máy phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/31203102-ve-vung-ron-lu-dong-xuan.html