Về Vĩnh Bảo, thăm Trung Am

Đầu xuân, chúng tôi về làng Trung Am- một trong những trung tâm sản xuất thuốc lào của huyện Vĩnh Bảo (TP.Hải Phòng). Nhưng đã từ rất lâu, Trung Am còn được biết đến là quê hương của Đại học sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Tượng những người nông dân chào đón Trạng Trình

trở về quê trong khu lưu niệm

Ông Nguyễn Văn Sùng, một trong những người có uy tín của làng đưa chúng tôi đi thăm làng, ở đâu cũng thấy cờ đỏ sao vàng tung bay trên những ngôi nhà cao tầng sạch đẹp. Nếu ai đã từng có dịp tới đây vào những năm thời bao cấp thì nhà nào cũng có ít nhất một điếu bát, nhà nhiều thì 3, chồng một cái, vợ một cái, con cái hút một cái. Con gái Vĩnh Bảo, ở những vùng trồng thuốc lào đều hút thuốc lào điệu nghệ, "duyên dáng” hơn cả đàn ông. Có một thời người ta nghiện thuốc lào đến mức "đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”. Nhưng giờ thì khác, người Vĩnh Bảo đã không còn "nghiện” thuốc lào như trước, nhưng nghề sản xuất thuốc lào vẫn được người dân gìn giữ, lưu truyền.

Mùa xuân cũng là mùa trồng thuốc lào. Khi chúng tôi vào làng cũng là lúc bà con ra đồng chuẩn bị làm đất trồng thuốc lào. Nhà nhiều thì trồng 1 mẫu, nhà ít cũng dăm sào, nhiều nhà không cấy lúa mà sử dụng hết đất nông nghiệp vào việc trồng thuốc lào. Những cây thuốc lào được trồng chỉ mấy tháng thôi thì khắp nơi trong làng, từ trong sân cho tới ngoài đường sẽ phơi đầy thuốc lào vàng óng.

Trồng thuốc lào là một việc rất nặng nhọc, nhất là thời kỳ chưa có bất cứ loại máy móc gì hỗ trợ quy trình sản xuất như làm đất, thái thuốc. Đất trồng thuốc lào phải đập nhỏ hơn cả đất trồng khoai lang. Đất chua mặn cuốc lên, phơi khô thì rắn hơn đá. Còn khâu chui vào luống thuốc lào bắt sâu, làm cỏ thì khỏi phải nói. Mùa hè tháng 6 là thu hoạch lá, mồ hôi chảy ướt ròng ròng.

Ông Nguyễn Văn Sùng cũng là một trong những "cao thủ” trồng thuốc lào trong làng. Dù vậy, ông Sùng cũng không biết nghề trồng thuốc lào ở làng mình có từ bao giờ, chỉ biết gia đình ông trồng thuốc lào đã mấy đời. Ông say sưa nói về cây thuốc lào, chính cây đặc sản này đã làm nên một thương hiệu rất riêng cho Vĩnh Bảo. "Trong tất cả các xã trồng thuốc lào thì thuốc ở đây là ngon nhất”, ông Sùng khẳng định.

Tuy có vất vả nhưng lãi lời hơn trồng lúa. Lão nông Nguyễn Văn Sùng khẳng định, nhờ đó kinh tế trong làng rất khá, hầu như không có gia đình nào thuộc diện nghèo. Cây thuốc lào đã mang tới một cuộc sống khấm khá cho người dân Trung Am bao đời nay. Bí quyết trồng và chế biến thuốc lào ngon được ông cha truyền lại vẫn được người dân nơi đây bảo vệ và phát huy, nên thương hiệu thuốc lào Trung Am rất nổi tiếng.

Cuộc sống khấm khá, nên Khu đền thờ lưu niệm Đại học sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm được dựng khang trang ngay trên đất của làng. Đến đây du khách sẽ được nghe, được đọc về người con vĩ đại của làng Trung Am, sẽ biết về sấm Trạng Trình và những giai thoại về ông. Nguyễn Bỉnh Khiêm còn nhỏ đã nổi tiếng là một thần đồng. Năm 1535, thi đỗ đầu Hội Nguyên, tiếp đến là đậu 3 giáp tiến sĩ trạng nguyên, được vua Mạc bổ nhiệm chức "Đông các hiệu thu, tả thị lang Bộ Hình, rồi chức Đông các đại học sĩ, Tả thị lang Bộ Lại”. Tháng 8-1542, sau khi dâng sớ chém 18 lộng thần không được vua Mạc chấp thuận, ông treo ấn từ quan về quê mở trường dạy học. Trong quãng thời gian còn lại của cuộc đời, ông sáng tác "Bạch Vân thi tập”. Thơ ông thể hiện cốt cách thanh cao như ông từng nói: "Hãy giữ vẻ đẹp của con người, hãy sợ hãi sự tha hóa của nhân cách”.

Khu đền lưu niệm còn dựng rất nhiều bức tượng miêu tả cảnh người dân Trung Am vui mừng đón Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cáo quan về quê. Thời đó, người dân Trung Am đã mang con cái tới nhờ Đại học sĩ dạy chữ, dạy nhân cách làm người. Chính những bức tranh tượng này đã khiến cho du khách cảm động và suy ngẫm rất lâu trước một nhân cách lớn. Với những ý nghĩa sâu sắc đó, người làng Trung Am luôn tâm niệm, phải ưu tiên và quan tâm cho con cái học hành, sống có văn hóa để mãi xứng danh là con cháu của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Lê Tự

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=61597&menu=1371&style=1