Về phản ánh của TTXVN: Điện Biên chấn chỉnh bất cập trong thực hiện xóa đói giảm nghèo

Ngày 9/11, Văn phòng Tỉnh ủy Điện Biên đã có buổi làm việc với Cơ quan thường trú TTXVN tại Điện Biên, Báo Điện Biên Phủ và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trên địa bàn.

Nội dung buổi làm việc liên quan đến thông tin về những bất cập, phát sinh trong quá trình triển khai các dự án hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo đang triển khai trên địa bàn, do các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương phản ánh trong thời gian qua.

Cụ thể trong tháng 10-11/2016, TTXVN và một số cơ quan báo chí khác đã phản ánh nội dung: Một số địa phương của tỉnh Điện Biên đang triển khai dự án hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng cho các hộ nghèo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Điều đáng nói là giá của 1 con lợn giống địa phương có trọng lượng từ 20- 30kg cấp cho hộ nghèo, lại có giá 5 triệu đồng, bằng con lợn cùng giống đó, có trọng lượng khoảng gần 100kg ngoài thị trường.

Vậy tại sao không cấp hẳn con lợn đã đủ trọng lượng xuất chuồng để người dân bán luôn, khỏi mất chi phí, công nuôi cả năm.

Tương tự như vậy, một số dự án từ các nguồn vốn vay khác đã phê duyệt mức giá các loại giống dê, trâu bò, gia cầm… với giá cao hơn nhiều lần giá thị trường.

Cụ thể, trong Dự án giảm nghèo miền núi phía Bắc giai đoạn 2015- 2018, giá 1 con ngan giống to bằng nắm tay, lại có giá 112,8 nghìn đồng, bằng con ngan cũng giống đó, nặng gần 2kg ở ngoài thị trường…

Tại buổi làm việc, ông Hà Quang Trung, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Điện Biên là đơn vị chịu trách nhiệm thẩm định giá của dự án cho biết:

Trước nghi vấn "công tác thẩm định giá của Sở Tài chính có vấn đề" theo phản ánh của các cơ quan báo chí, Sở Tài chính khẳng định việc thẩm định và thông báo giá hoàn toàn độc lập, khách quan và không chịu sức ép hay chi phối vì lý do gì; không có sự thông đồng giữa cơ quan tài chính và đơn vị cung ứng giống…

Giá của cơ quan tài chính thông báo trên cơ sở đề nghị của các huyện là giá con giống và bảo đảm các điều kiện kèm theo như chi phí tiêm phòng, hao hụt, vận chuyển, bảo hành…

Sở Tài chính tiếp thu ý kiến phản ánh của các cơ quan báo chí và sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ quy trình thực hiện, nếu phát hiện có hiện tượng thông đồng giữa cán bộ, công chức thẩm định giá với đơn vị cung ứng sẽ kiên quyết xử lý theo quy định…

Sau khi tiếp nhận thông tin từ đại diện các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đã cảm ơn thông tin từ các cơ quan báo chí về vấn đề này.

Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên khẳng định: Dù còn nhiều bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện, nhưng trong các dự án này, người dân vẫn được hưởng lợi đúng với mục tiêu của dự án.

Phần thất thoát, lãng phí ngân sách thuộc về kinh phí của nhà nước. Bởi vậy, ngay sau cuộc làm việc này, các cơ quan liên quan rà soát lại toàn bộ việc tổ chức thực hiện các dự án trên địa bàn toàn tỉnh, nếu phát hiện sai phạm sẽ kiên quyết xử lý.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần rút kinh nghiệm quá trình tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; nghiêm cấm việc chia nhỏ các gói thầu để lách luật, tổ chức đấu thầu công khai chứ không thực hiện chỉ định thầu như trước đây; có thể tính toán phương án giao cho các cộng đồng dân cư làm chủ dự án, thay vì các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đứng ra thực hiện; chấn chỉnh lại việc tổ chức thực hiện Chương trình 30a nói riêng, các chương trình - dự án xóa đói giảm nghèo nói chung đang triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, để các chương trình - dự án này phát huy hiệu quả cao nhất trong quá trình xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương…/.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/ve-phan-anh-cua-ttxvn-dien-bien-chan-chinh-bat-cap-trong-thuc-hien-xoa-doi-giam-ngheo/28321.html