Về Núi Nổi mùa nước nổi…

Phù Sơn tự (xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) nằm trên ngọn núi nhỏ, giữa cánh đồng. Con đường chẳng ngoằn ngoèo, khó tìm, nhưng cũng phải mấy bận hỏi thăm người dân địa phương, khách mới đến được nơi này. Bóng mát từ những cây sao cổ thụ hàng trăm tuổi đánh tan nóng bức của buổi ban trưa, dịu dàng chào đón người vừa ghé lại...

Phù Sơn tự (xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) nằm trên ngọn núi nhỏ, giữa cánh đồng. Con đường chẳng ngoằn ngoèo, khó tìm, nhưng cũng phải mấy bận hỏi thăm người dân địa phương, khách mới đến được nơi này. Bóng mát từ những cây sao cổ thụ hàng trăm tuổi đánh tan nóng bức của buổi ban trưa, dịu dàng chào đón người vừa ghé lại...

Không gian thanh tịnh của Phù Sơn tự

Chúng tôi dừng chân bên chiếc xe đẩy của bà Diệu (50 tuổi, người địa phương), thưởng thức một chén tàu hủ ấm, chén bánh lọt mát lạnh, tận hưởng không khí thanh nhàn, ngắm hàng cây sao cổ thụ, những bậc đá thiên nhiên chất chồng lên nhau lạ mắt. Chỉ mất vài phút, chúng tôi đã tham quan xong toàn bộ ngôi chùa, vì diện tích chùa khá khiêm tốn, nằm trọn trên phần nhô lên của gò.

Trong tiếng kinh thanh thoát, Hòa thượng Thích Trung Bửu, trụ trì chùa, tiếp chuyện chúng tôi. Vốn là người dân địa phương, nên 2 năm trước, khi cần người phụ trách chùa, hòa thượng đã trở về tiếp nhận. Ngôi chùa là tuy nhỏ nhưng lúc nào cũng có khách đến. Trong tâm linh, họ tin tưởng van vái để được phù hộ cho làm ăn tốt. Một số khác đến để tham quan, chụp ảnh vì đặc thù “chùa trên núi nổi”.

Tìm hiểu thông tin về khu vực Núi Nổi, chúng tôi được biết: Khoảng hơn 100 năm về trước, nơi đây còn hoang vắng, nhiều cây rừng, thú dữ. Núi Nổi thực chất là một gò đất cao giữa cánh đồng lung trũng, mùa nước thì xung quanh mênh mông biển cả, nhưng Núi Nổi vẫn không ngập nước. Mùa khô, trở thành cánh đồng cỏ hoang vu. Trong năm, lúc nào cũng có trẻ chăn trâu, người bắt cá nương tựa vào đây để che mưa, che nắng.

Lúc bấy giờ, người dân gặp một ông già râu tóc, tu hành trong am lá. Ít lâu, bỗng nhiên ông đi mất dạng. Người dân vẫn lui tới tạm nghỉ theo thói quen. Đến khi cây lá hư mục, người dân cùng nhau dựng lại ngôi am, xem đó là nơi thờ Thần linh - Thổ địa, là chỗ dựa tinh thần, là chỗ nghỉ chân suốt quá trình khai khẩn từng lõm đất hoang để trồng trọt.

Năm 1938, người dân vận động nhau, trùng tu lợp ngói và gắn bảng tên chùa Phù Sơn. Năm 1960, chiến tranh làm sụp đổ ngôi thờ và được xây dựng lại bằng vật liệu nặng: Nền đất, cột tròn, vách ván, mái lợp ngói móc. Đến năm 1978, chiến tranh biên giới xảy ra, một lần nữa ngôi chùa bị Polpot tàn phá nặng nề. Mấy năm sau, nhiều người dân đứng ra quyên góp tiền, xây dựng chùa kiên cố hơn, tu bổ thêm phần miếu, nhà bếp, đền thờ, tượng Phật bà Quan âm lộ thiên…

“Lúc còn nhỏ, thầy thường đến đây vào ban trưa để được hứng những cơn gió mát rượi, nhìn cảnh đẹp xung quanh, nghe chim chóc hót líu lo… thấy trong lòng an lạc, hoan hỉ lắm. Cây sao lâu năm, nhưng mọc trên đất cằn cỗi, nên chẳng to lớn lắm, cũng là điều đặc biệt. Hiện giờ, có đê bao nên vùng này không còn ngập nước. Trước đây, hễ vào mùa nước nổi là nước về trắng xóa cả vùng, riêng Núi Nổi vẫn khô ráo. Người ta liên tưởng, Núi Nổi như đóa hoa sen nằm bập bềnh trên mặt nước. Khi trở về đây trụ trì chùa, thầy càng cảm thấy yêu mến quê hương, thanh nhàn với không gian đặc biệt này” - Hòa thượng Thích Trung Bửu mỉm cười phúc hậu.

Tiếng kinh nương theo ngọn gió, bay lên không trung, làm buổi ban trưa càng thêm dịu mát. Mấy chú chim cu gáy dạn dĩ bước từng bước chân trên bậc đá, tìm thức ăn vụn nhấm nháp. Hòa thượng Thích Trung Bửu giải thích thêm, do thầy thường cho chúng ăn vào mỗi buổi chiều, nên dần dần chúng quen. Riết rồi, chúng dạn dĩ, gặp khách thập phương đến cũng không bay, mà chỉ ngước nhìn.

Còn quyến luyến nơi này, chúng tôi trở ra ngồi ngắm cảnh. Bà Diệu đang lui cui dọn dẹp, định đẩy xe đi nơi khác. Thấy chúng tôi, bà nán lại, tâm tình: “Tôi bán ở đây 4-5 năm rồi. Sáng nào cũng thức sớm, chuẩn bị đồ ăn xong, ra tới chùa đã 8 giờ sáng. Bữa nào bán đắt thì trưa về. Bữa nào vắng khách, tôi đẩy xe đi vòng vòng ngoài đường lớn, khu dân cư… để bán cho hết. Khi rảnh, tôi cũng hay vào chùa làm công quả.

Thấy vậy, khoảng 1 năm nay, chồng tôi tham gia công quả ở chùa thường xuyên. Người dân địa phương chúng tôi quý không gian ở Núi Nổi lắm. Bữa nào cúp điện, đem cái võng ra đây giăng là ngủ hết biết trời đất luôn…”. Có chút nao nao khi chẳng được ngắm Núi Nổi vào mùa nước nổi như dự định ban đầu, nhưng bù lại, chúng tôi đã có những phút giây thanh bình, thư thái chẳng thể nào quên.

Theo trích yếu hồ sơ di tích chùa Núi Nổi, trước đây, Núi Nổi có vị trí, địa thế rất hiểm trở, là căn cứ liên hoàn với các căn cứ địa Giồng Trà Dên - Rạch Rít, ông Bình Linh (xã Phú Lộc)... Đồng ruộng mênh mông với nhiều thú hoang, cỏ dại, trở thành địa thế tốt cho các bậc sĩ phu yêu nước lánh nạn, chờ thời cơ khởi nghĩa chống chế độ thực dân và chế độ phong kiến đã suy tàn. Thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ, nơi đây là căn cứ khá chắc chắn của cách mạng. Chùa có nhiều hầm bí mật để cán bộ trú ẩn khi cần thiết.

Theo Khánh Hưng (Báo An Giang)

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/du-lich-coi-nguon/201708/an-giang-ve-nui-noi-mua-nuoc-noi-2567331/