Về nông nghiệp và nông thôn trong tư tưởng Hồ Chí Minh

( - Sau khi giành được chính quyền trong Cách mạng tháng Tám, nhân dân ta bắt tay vào xây dựng xã hội mới trong điều kiện đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu lại phải tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cực kỳ gian khổ. Mặc dù phải tập trung chỉ đạo cuộc chiến đấu ngoài tiền tuyến, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đặc biệt chú ý đến xây dựng và phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Theo Hồ Chí Minh, nông nghiệp luôn có một vị trí hết sức đặc biệt đối với xã hội. Phát triển nông nghiệp là nhân tố đầu tiên, là cội nguồn của mọi vấn đề xã hội. Ngày 7-12-1945 ngay sau khi giành được chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trên báo “Tấc đất” số đầu tiên “Loài người ai cũng “dĩ thực vi tiên” (nghĩa là trước cần phải ăn), nước ta thì “dĩ nông vi bản” (nghĩa là nghề nông làm gốc). Dân muốn ăn no phải giồng giọt cho nhiều. Nước muốn giầu mạnh thì phải phát triển nông nghiệp. Vậy chúng ta không nên bỏ hoang một tấc đất nào hết. Chúng ta phải quý mỗi tấc đất như một tấc vàng”. Như vậy vị trí của nông nghiệp được đề cao do vấn đề lương thực, thực phẩm là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với mỗi quốc gia. Vì lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản hàng đầu của con người là vấn đề ăn, mặc. Đối với nước ta là một nước nông nghiệp, Hồ Chí Minh cho rằng “nghề nông là gốc”. Trong thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam ngày 1-1-1946, Hồ Chí Minh viết: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giầu thì nước ta giầu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp và phát triển nông nghiệp. Trong các bài nói, bài viết Người luôn nhấn mạnh đến vai trò của nông nghiệp bằng nhiều từ khác nhau: Nông nghiệp là gốc, nông nghiệp là chính, nông nghiệp là mặt trận chính, nông nghiệp là mặt trân cơ bản, nông nghiệp là việc quan trọng nhất…Người viết: “có gì sung sướng bằng được góp phần đắc lực vào công cuộc phát triển nông nghiệp-nền tảng để phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa”. Trong khi lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hồ Chí Minh cho rằng vai trò của sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa đối với sự thành bại của kháng chiến. Nông nghiệp, nông thôn lúc bấy giờ có thể nói là toàn bộ hậu phương của cuộc kháng chiến, Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc đên câu châm ngôn “thực túc binh cường”. Ngay khi cuộc kháng chiến bắt đầu nổ ra, Hồ Chí Minh đã nhận định để kháng chiến chóng thành công thì phải tích cực phát triển nông nghiệp làm cơ sở, làm hậu phương cho tiền tuyến lớn. Từ năm 1949 Người đã chỉ rõ: “Mặt trận kinh tế gồm có công nghệ, buôn bán, nông nghiệp. Ngành nào cũng quan trọng cả. Nhưng lúc này quan trọng nhất là nông nghiệp vì “có thực mới vực được đạo”. Có đủ cơm ăn, áo mặc cho bộ đội và nhân dân thì kháng chiến mới mau thắng lợi, thống nhất và độc lập mới thành công”. Năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại viết: “Quân và dân ta phải ăn no để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Vì vậy, sản xuất lương thực và thực phẩm là rất quan trọng”. Học tập và làm theo tư tưởng của Người, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đó là những cơ hội khách quan do công cuộc đổi mới đem lại, còn điều kiện chủ quan của từng gia đình, từng tầng lớp xã hội có khả năng tiếp nhận, biến cơ hội thành hiện thực lại rất khác nhau. Nếu thiếu những giải pháp sớm tạo ra sự bình đẳng để nông dân, nhất là các hộ nghèo, thực sự nắm bắt được cơ hội vươn lên thì sẽ làm nảy sinh những phân hóa, bất công lớn mà hậu quả lâu dài sẽ không nhỏ. Đại hội Đảng lần thứ IX đã đề ra chủ trương và giải pháp đồng bộ về vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Văn kiện Đại hội viết: “Đối với giai cấp nông dân, ra sức bồi dưỡng sức dân ở nông thôn và phát huy vai trò giai cấp nông dân trong sự nghiệp đổi mới, tập trung sự chỉ đạo và các nguồn lực cần thiết cho công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển nông thôn, thực hiện tốt chính sách về ruộng đất, phát triển nông nghiệp toàn diện, tiêu thụ nông sản hàng hóa, bảo hiểm sản xuất và bảo hiểm xã hội…Phát huy lợi thế từng vùng, giúp đỡ đồng bào khó khăn, phân bố dân cư theo quy hoạch, phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống, nâng cao dân trí, xây dựng nông thôn mới”. Quan điểm trên đây của Đảng thể hiện sự trung thành, sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=358107&co_id=30296