Về làng "xỏ lá"

Trong những ca khúc, vần thơ, áo tơi được nhắc đến rất nhiều với những câu từ ngọt ngào. Lần theo đó, tôi tìm về làng Yên Lạc, xã Quang Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh), nơi vẫn giữ được nghề truyền thống đan áo tơi.

Không nhạt, không phai

Nói về áo tơi, nhạc sĩ An Thuyên viết: “Cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng/Dù trời đổ nắng chang chang vẫn quàng/Để nghĩa tình đừng nhạt đừng phai/Thương nhau rồi đừng cởi áo cho ai” (Ca dao em và tôi). “Ơi Hà Tĩnh mình, đường về có nhớ/Trời chang chang nắng ai quàng áo tơi” (Hà Tĩnh mình thương).

Về Hà Tĩnh, hỏi về áo tơi từ già đến trẻ ai cũng biết, tuy nhiên nơi sản xuất thì khó. Khi lân la ở các chợ quê mới biết được “mỏ” áo tơi là làng Yên Lạc. Trong cái nắng, gió Lào đang thiêu đốt, chúng tôi qua những cánh đồng bắt gặp cảnh bà con nông dân đang vào vụ. Các mẹ, các chị trên vai quàng chiếc áo tơi ra đồng. Người chăn vịt, câu cá, lái máy cày, chăn bò, trâu… quàng tơi trên vai che che nắng che mưa.

Chồng vót dây, vợ chằm tơi

Một người dân ở đây đùa tôi rằng: Thời đại này, khi kem dưỡng da, áo chống nắng xuất hiện đầy nhưng xem ra không ăn thua với nắng gió Lào nơi đây. Áo tơi là vật bất ly thân của người nông dân, nó là một phần cuộc sống tất yếu của họ. Lần theo những con đường làng đi sâu vào các hộ dân, mặc dù mùa này cuối vụ chằm (làm) tơi nhưng dễ bắt gặp mỗi một góc sân lại thấy người dân đem lá tơi, dây mây (dùng để chằm tơi) ra hong nắng. Trên những bức tường bếp cũ kỹ bao giờ cũng treo ít nhất một chiếc áo tơi. Đâu đâu cũng thấy thấp thoáng bóng dáng của chiếc áo tơi, cũng vì thế mà làng tơi Yên Lạc được người đời gọi vui là làng xỏ lá.

Tôi đem thắc mắc hỏi chủ tịch UBND xã Quang Lộc Đặng Hồng Kiệm, được ông đáp: “Cũng vì gìn giữ và phát triển cái nghề này mà Yên Lạc được người ta gán cho cái tên “xỏ lá”. Đây là từ ám chỉ về nghề của họ, suốt ngày họ dùng kim, dây xỏ lá để cho ra những cái tơi. Xỏ lá một giai đoạn rất quan trọng trong quá trình chằm, có nhiều người nghe ban đầu tưởng Yên Lạc là ghê gớm nhưng khi chứng kiến chằm tơi thì mới biết”.

Nghề chằm tơi ở Yên Lạc, không ai biết từ bao giờ, người dân nơi đây chỉ biết từ đời này nối tiếp đời khác truyền nghề. Cụ Nguyễn Danh Ân 73 tuổi chia sẻ, lọt lòng cụ đã chứng kiến bố mẹ mình làm tơi, lớn lên được truyền nghề.

Mỗi mùa tơi mỗi hộ dân làng Yên Lạc thu về vài chục triệu đồng

Cứ vào mỗi năm từ tháng 3 đến 5 âm lịch cả thôn có hơn 170 hộ thì có 70 hộ gắn bó với nghề chằm tơi, có thời điểm lên đến 135 tham gia. Nghề này trẻ con thì phơi, vuốt lá, người lớn thì chằm tơi. Với những bàn tay đã quen thuộc, mỗi ngày một người dân Yên Lạc có thể chằm từ 7 đến 10 cái tơi, với giá bán 35 - 40.000 đồng/cái. Tính ra mỗi ngày thu được 350.000 đồng. Nghe xong tôi hỏi cụ Ân: Làm tơi có lãi vậy à? Cụ cười: “Chú đừng tưởng ngày mô cũng được như vậy, để có được từng nớ phải mất bao nhiêu ngày đó. Nghề chằm tơi lấy công làm lãi mà”.

Bà Nguyễn Thị Xí, có 40 năm làm nghề, cho hay, từ sáng sớm chồng bà cũng như bao người đàn ông trong làng phải cơm gói muối đùm đi vào rừng hơn 30km lên đến tận Truông Bát, huyện Hương Khê lấy lá. Cắt được lá rồi phải đốt lửa để hơ cho khô, sau đó đưa về nhà thì trời đã tối mịt. Đêm, mấy mẹ con lại đưa ra phơi sương cả đêm, sáng ra lại phơi nắng. Sau mấy nắng, lá mới khô. Còn người nào không đi cắt được lá thì phải mua, chi phí mỗi cái tơi cũng mất 10.000 đồng tiền lá.

Bà Nguyễn Thị Xí hoàn thành chiếc áo tơi

“Để chằm được một chiếc áo tơi, người ta phải xếp lá sát vào nhau như lợp mái nhà tranh ngày xưa. Bẻ gập phần cuống xuống, dùng mây khâu đằn lên các lớp lá đó. Để có một chiếc áo tơi đẹp và bền, lớp lá tơi già được đặt ngoài cùng. Bên trong lót thêm rất nhiều lớp lá nữa. Tơi chằm xong, được phơi thêm vài nắng, rồi được cuốn lại như lũ sâu kèn, chiếc này ôm lấy chiếc kia thành từng bó năm, mười chiếc”, bà Xí tâm sự.

Còn nông dân, còn làng tơi Yên Lạc

"Ở Yên Lạc xưa nay người dân chỉ sống dựa vào nghề nông là chính. Tiếng là thế nhưng thực chất, áo tơi nuôi nghề nông ấy chứ. Không chằm tơi lấy đâu ra tiền mua phân bón, giống má, thuốc trừ sâu", trưởng thôn Nguyễn Đăng Hùng nói.

Lý giả cho việc này, trưởng thôn Hùng cho biết: Yên Lạc hiện canh tác 34ha lúa, về cơ bản đáp ứng cho 700 người dân trong thôn có cái ăn cái mặc. Dù không phải là nghề làm giàu, song chằm tơi trở thành nguồn chính giúp người dân sắm sửa các vật dụng máy móc, xe cộ, lo cho con cái học hành…

Ông Hùng dẫn chứng, mỗi mùa tơi một gia đình làm ít cũng 250 cái, gia đình làm nhiều 800 cái. Giá áo tơi bây giờ khoảng 35.000 - 40.000 đồng/chiếc, thu về vài chục triệu đồng. Số tiền ấy so với thu nhập mỗi một mùa chằm áo tơi hơn hẳn làm ruộng.

Có một điều lạ là những cô gái làng Yên Lạc lấy chồng làng khác, không mang theo nghề, ngược lại các cô gái về làm dâu Yên Lạc lại học nghề, giữ nghề. Lý giải việc này, người dân Yên Lạc bảo rằng: Cũng dễ hiểu thôi, Yên Lạc đất hẹp, người đông và xa núi, xa sông không được thiên nhiên ban tặng những thuận lợi. Do đó phải bám lấy nghề để tạo nguồn thu nhập ổn định cuộc sống. Ngoài ra, người dân Yên Lạc chăm chỉ cần mẫn, lấy lao động làm gốc mà gắn bó chung thủy với nghề.

Trong những năm qua, các mặt hàng công nghiệp sản xuất ra những loại áo, nón mũ che nắng hiện đại, tuy nhiên nó không đánh bật nổi áo tơi đối với người nông dân nơi đây. Ông Hùng cho hay: Trước đây, mỗi năm có hai mùa chằm tơi, từ tháng 3 đến 5 thì bà con chủ yếu chằm tới chống nắng, còn tháng 7 đến 9 thì chằm tơi chống mưa. Nhưng một vài năm trở lại đây khi công nghiệp sản xuất những loại áo tiện lợi thì mùa chằm tơi chống mưa đã không còn. Hiện chỉ có chằm tơi chống nắng. Với người nông dân, áo tơi không thể thiếu trong công việc lao động. Trong những năm qua, khi nhiều làng chằm tơi “đắp chiếu” thì các thương lái kéo về Yên Lạc một đông hơn. Tơi Yên Lạc không chỉ bán cho trong tỉnh mà còn vươn ra Nghệ An, Quảng Bình…

Ngoài việc đi vào rừng lấy áo, đàn ông cũng tham gia chằm tơi

Bây giờ, khi cuộc sống đã đổi thay nhiều, có một số người, đặc biệt là giới trẻ đã ít mặc áo tơi ra đồng. Áo tơi đã được thay bằng áo mưa, áo chống nắng... Nói về nghề chằm tơi trong tương lai, trưởng thôn Hùng khẳng định chắc nịch: “Còn nông dân, còn làng tơi Yên Lạc”. Cũng dễ hiểu lời ông nói, bởi người nông dân không có tơi thì làm sao chống chọi nổi cái nắng gió Lào như thiêu như đốt nơi đây.

“Trời năng chang chang nhưng bà con phải ra đồng, cúi cả ngày cấy lúa phơi tấm lưng mà không có tơi thì cháy mất. Tơi không những che nắng mà còn là cái quạt mỗi khi cần mát, tơi còn là cái chiếu mỗi khi muốn nằm nghỉ giữa đồng. Người nông dân như chúng tôi mà không có tơi thì không chịu nỗi những đợt nắng nóng của miền Trung”, chị Thân, một người dân Yên Lạc tâm sự.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/24/96939/ve-lang-xo-la.aspx