Về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải

Trả lời câu hỏi bên lề Hội nghị tại Liên Hiệp Quốc của của các phóng viên về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải SCO, ông Rashid Alimov, tổng thư ký SCO cho biết mục tiêu của tổ chức này không phải là mở rộng một cách nhanh chóng. Ông lưu ý rằng trong số các nước muốn gia nhập SCO còn có cả Syria và Ukraine.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan

Hôm 23/11 vừa qua đã diễn ra sự kiện cấp cao đặc biệt "Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải: cùng nhau chống lại những thách thức và mối đe dọa", tổ chức theo sáng kiến của SCO. Khi được phỏng vấn tại Liên Hiệp Quốc về triển vọng cho việc Ankara gia nhập SCO, Tổng thư ký Alimov đã nói rằng "Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác trong cuộc đối thoại".

Ông Alimov cho biết: "Chúng tôi không vội mở rộng. Hiện tại theo Biên bản cam kết ghi nhớ, chúng tôi đang từng bước làm việc với Ấn Độ và Pakistan. Chúng tôi sẽ hoàn thành các thủ tục cho các nước này trước, sau đó sẽ xem xét tới cách thức làm việc về vấn đề khác. Tự bản thân chúng tôi sẽ mở rộng nhanh chóng và có một số thay thế. Chúng tôi đi theo cách thức riêng của mình một cách lặng lẽ, cũng như có chương trình hành động riêng của mình và đang thực hiện nó".

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố rằng trở thành một thành viên của EU không phải là lựa chọn duy nhất cho nước này, và Ankara đang xem xét vấn đề gia nhập SCO với Tổng thống Nga và Kazakhstan là ông Vladimir Putin và ông Nursultan Nazarbayev.

Được thành lập vào năm 2001, SCO bao gồm Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Trong năm 2015, các thủ tục gia nhập tổ chức SCO của Ấn Độ và Pakistan đã được đưa ra. Các nước đối tác đối thoại là Armenia, Azerbaijan, Campuchia, Nepal, Thổ Nhĩ Kỳ và Sri Lanka.

SCO được hình thành theo sáng kiến của Bắc Kinh với nhiệm vụ ban đầu là giải quyết những vấn đề biên giới giữa Trung Quốc với các nước láng giềng thuộc Liên Xô (cũ) gồm Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan. Sau khi chính thức thành lập SCO có thêm nhiệm vụ mới là chống ma túy, chủ nghĩa khủng bố và ly khai trong khu vực. SCO còn hoạt động nhằm hỗ trợ và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên.

Tổng thư ký Alimov cho biết, "tổ chức này đang được quan tâm, và mối quan tâm này không ngừng tăng lên". Ông tuyên bố: "Hiện nay chúng tôi nhận được rất nhiều yêu cầu gia nhập tổ chức ví dụ như từ Israel, Ai Cập, Syria, Ukraine, từ Maldives". Mỹ đã từng mong muốn gia nhập SCO nhưng không được chấp nhận.

Tại New York, ông Alimov đang giữ vai trò là đại diện thường trực của Kazakhstan và là thư ký của Hội nghị SCO về hợp tác giữa Liên hiệp quốc và SCO trong vấn đề đối phó với các mối đe dọa.

Tổng thống Nga Putin

Trong một diễn biến khác, Tổng thư ký của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ông Rashid Alimov cho biết quan hệ kinh tế trong SCO có khả năng làm trung hòa ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Ông không nghi ngờ khả năng Nga "sẽ đối phó với bất kỳ biện pháp trừng phạt nào".

Quan hệ giữa Nga và phương Tây đã trở nên căng thẳng vì tình hình ở Ukraine. Cuối tháng 7/2014, EU và Hoa Kỳ đã từ các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và một số công ty chuyển sang các biện pháp trừng phạt lên toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế Nga. Đáp lại thì Moscow đã hạn chế nhập khẩu thực phẩm từ các quốc gia ủng hộ lệnh trừng phạt của Mỹ và EU.

Trả lời câu hỏi, liệu SCO có thể trung hòa các tác động của biện pháp trừng phạt có hiệu lực đối với thành viên này của tổ chức không, ông Alimov đã tỏ thái độ rất tích cực. Ông cho biết: "Tất nhiên khi một trong các nước thành viên gặp khó khăn thì chúng tôi sẽ cố gắng huy động các nguồn lực của mình để cung cấp cho họ một sự hỗ trợ phù hợp".

Ông Alimov cũng thông tin thêm: "Trước hết chúng tôi không nghi ngờ rằng Nga sẽ đối phó với bất kỳ biện pháp trừng phạt nào. Như tôi đã nhiều lần tuyên bố, cái đầu tiên của chính sách trừng phạt này là thừa nhận thất bại. Thứ hai, chúng là một con dao hai lưỡi. Tôi cũng đã đề cập đến các biện pháp này đã tác động như thế nào đến những nước công bố lệnh trừng phạt".

Ông cũng nhấn mạnh rằng Nga đang tích cực phát triển các biện pháp thay thế nhập khẩu "dựa trên nguồn lực của chính mình và cơ hội cũng như tiềm năng của các quốc gia thành viên của SCO".

Tổng thư ký nói: "Trung Á hiện này là một trong những nhà cung cấp chính các loại trái cây và rau quả... Chúng tôi có một nguồn tài nguyên lớn. Tất cả chỉ đơn giản là xây dựng lại mọi thứ đúng thời điểm thôi". Ông cho biết thêm: "Chúng tôi (SCO) không sợ trừng phạt, chúng tôi không sợ bất kỳ điều gì. Chúng tôi có những bước tiến đều đặn bình tĩnh không bị lệ thuộc vào thời hạn, mà là tiến từng bước theo thời gian"

Trước đó, chính quyền ở Uzbekistan đã thông báo rằng khối lượng xuất khẩu trái cây và rau quả ở Nga có thể tăng gấp đôi vào cuối năm 2016 và đạt 500 ngàn tấn mỗi năm.

Đức Dũng (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ve-kha-nang-tho-nhi-ky-gia-nhap-to-chuc-hop-tac-thuong-hai-post214490.info