Về khả năng Mỹ tăng cường giám sát hoạt động đầu tư của Trung Quốc

Trang tin “Wall Street Journal” ngày 21/2 có bài phân tích việc các nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ đang nỗ lực để tăng cường sự giám sát của chính phủ liên bang đối với các hoạt động đầu tư đang gia tăng của Trung Quốc trên thị trường Mỹ, trong đó nhận định động thái này là phù hợp với những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại.

Trung Quốc có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực về đầu tư thương mại do các chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Để thực hiện nỗ lực này, các thượng nghị sĩ chủ chốt gồm ông John Cornyn, thành viên cấp cao thứ hai của đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ và ông Chuck Schumer, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện, đang soạn thảo đạo luật nhằm tăng cường vai trò của Ủy ban Đầu tư nước ngoài (CFIUS) - cơ quan do Bộ Tài chính Mỹ quản lý - có thể đưa ra các khuyến nghị đối với tổng thống nhằm ngăn chặn các thỏa thuận với nước ngoài vì lý do an ninh quốc gia.

Theo Tập đoàn tư vấn Rhodium Group, đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ đã tăng gấp 3 lần trong năm 2016, đạt mức kỷ lục 45,6 tỉ USD. Một số chính trị gia cho rằng các hoạt động đầu tư mua bán này có thể gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia Mỹ. Do đó, trong khi các công ty Mỹ bị giới hạn đầu tư tại Trung Quốc, chính quyền của ông Trump cũng không nên để Trung Quốc "tự do" đầu tư tại Mỹ. Ông Cornyn đang thúc đẩy các biện pháp nhằm tăng cường sự giám sát của CFIUS đối với các hợp đồng công nghệ của Trung Quốc để các thỏa thuận này không ảnh hưởng tới an ninh quốc gia Mỹ. Ông Schumer cũng đang chuẩn bị một đề xuất rộng hơn, bao gồm cả yêu cầu CFIUS xem xét các yếu tố kinh tế khi ký kết các thỏa thuận với nước ngoài. Trong khi đó, một số nghị sĩ lại đưa ra lựa chọn khác, bao gồm việc cải tổ lại cơ cấu tổ chức của CFIUS.

Theo nguồn tin tham gia các cuộc thảo luận trên, chính quyền Trump đang tìm cách tăng cường vai trò của CFIUS để cơ quan này có thể phủ quyết các thỏa thuận về khoa học công nghệ liên quan đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Nhà Trắng có ủng hộ hướng hoạt động này của CFIUS hay không.

CFIUS được thành lập năm 1975 dưới thời Tổng thống Gerald Ford nhằm giúp quốc hội Mỹ đối phó với các hoạt động đầu tư của các nước thuộc Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Trong những năm 80 của thế kỷ trước, CFIUS giúp Quốc hội Mỹ giám sát hoạt động của công ty Nhật Bản trong thương vụ mua lại các công ty công nghệ và thiết bị quốc phòng. Đến nay, CFIUS lại được cải tổ để giám sát mọi hoạt động đầu tư của Trung Quốc ở Mỹ.

Thượng nghị sĩ Robert Pittenger, một trong những người có quan điểm cứng rắn nhất với Trung Quốc, đã kêu gọi nghị sĩ hai viện quốc hội Mỹ kiểm soát chặt chẽ các thỏa thuận với Trung Quốc. Một năm trước, ông này từng gửi thư (có chữ ký của 45 nghị sĩ khác) kêu gọi CFIUS xem xét kỹ lưỡng thương vụ mua lại sàn chứng khoán Chicago (vốn chiếm tới 1% giao dịch cổ phiếu Mỹ của các nhà đầu tư), đứng đầu là Tập đoàn Chongqing Casin Enterprise của Trung Quốc. Các nghị sĩ cho biết họ làm vậy vì lo ngại thương vụ này (nếu trót lọt) có thể giúp Trung Quốc thao túng thị trường chứng khoán Mỹ.

Theo nguồn tin giấu tên, nếu thực thi kế hoạch của ông Cornyn, CFIUS sẽ đưa ra danh sách “các quốc gia đáng quan tâm có thể tạo ra các mối đe dọa về quân sự đối với Mỹ” để cơ quan này tăng cường hoạt động giám sát. Ngược lại, với các đồng minh Mỹ, ông Cornyn muốn các thỏa thuận sẽ được thực hiện một cách thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, ông Cornyn cũng muốn tăng cường giám sát đối với các thỏa thuận mang tính thương mại liên quan đến khoa học-công nghệ nhưng có thể được ứng dụng vào lĩnh vực quân sự, cùng các hình thức đầu tư, bao gồm cả hình thức liên danh và các hợp đồng bất động sản gần các công trình liên quan đến an ninh quốc gia Mỹ. Mặc dù vậy, ông Cornyn cũng đang phải đối mặt với nhiều ý kiến không đồng tình của những người trong đảng Cộng hòa khi cho rằng việc mở rộng CFIUS là thực thi “chủ nghĩa bảo hộ”.

Lan Huyền

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ve-kha-nang-my-tang-cuong-giam-sat-hoat-dong-dau-tu-cua-trung-quoc.aspx