Vẻ đẹp độc đáo của cung điện dưới nước tại Ấn Độ

Được xây dựng làm nơi nghỉ ngơi cho gia đình hoàng gia vào thế kỉ 18, Jal Mahal là một lâu đài tuyệt đẹp in bóng trên hồ Man Sagar, Ấn Độ.

Cung điện Jal Mahal, cung điện bằng đá cẩm thạch độc đáo còn có tên gọi khác là “cung điện dưới nước”, nằm giữa hồ Man Sagar ở thành phố Jaipur, thủ phủ của bang Rajasthan.

Trong nhiều bài viết về Jal Mahal, người ta tin rằng cung điện này được xây dựng khoảng năm 1734, như một nhà nghỉ cho gia đình hoàng gia Maharajah để săn vịt. Sau khi xây dựng, cung điện chỉ được sử dụng trong một thời gian ngắn và sau đó đã bị bỏ quên trong suốt hơn 200 năm cho đến khi được tu sửa vào những năm 2000.

Jal Mahal là công trình có cấu trúc kỳ lạ. Nó cũng không hẳn là cung điện bởi nó không có phòng để sinh sống. Công trình được thiết kế 5 tầng nhưng chỉ có tầng trên cùng nằm trên mặt nước, 4 tầng thấp còn lại chủ yếu nằm dưới nước khi hồ đầy.

Công trình là sự pha trộn của nhiều phong cách kiến trúc khác nhau, bao gồm cả Hindu, Hồi giáo và Ba Tư. Hành lang và phòng lớn ở tầng đầu tiên được trang trí bằng những bức tranh tuyệt đẹp. Trên sân thượng của cung điện là một khu vườn treo hình chữ nhật tên Chhatri với lối đi có mái che. Tại mỗi góc của công trình là tòa tháp hình bát giác với phần mái vòm tao nhã. Ở mỗi cổng vòm, ban công và cửa ra vào được trang trí bằng đá cẩm thạch chạm khắc cùng với 20 cột trụ, đó là những mộ bia của gia đình hoàng gia Maharajah.

Hồ nhân tạo Man Sagar bao quanh cung điện ra đời vào năm 1610, dưới thời cai trị của Raja Man Singh, nhằm đối phó với nạn đói và thiếu nước nghiêm trọng ở bang vào cuối thế kỷ 17. Nơi đây từng là ngôi nhà của hơn 150 loài chim nước và di cư trong đó có chim hồng hạc lớn và chim lặn mào lớn.

Trong nhiều thế kỷ, hồ nước bị ô nhiễm bởi nguồn nước thải chưa qua xử lý. Năm 2004, một công ty tư nhân đã bao thầu tất cả diện tích để tu sửa lại, giúp cải thiện chất lượng nước và kéo theo đàn chim trở về.

Tuy cung điện đã được khôi phục lại nhưng những người quản lý vẫn cấm du khách vào bên trong, trừ khi có giấy phép đặc biệt.

Hồng Nhung (tổng hợp)

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/the-gioi/ve-dep-doc-dao-cua-cung-dien-duoi-nuoc-tai-an-do.html