Về đâu nón làng Chuông

QĐND Online – Nhắc đến làng Chuông là nhắc đến địa phương có nghề sản xuất nón nổi tiếng. Đẹp, bền, cứng cáp và tỉ mỉ trong từng chi tiết đã khiến nón làng Chuông vượt trội so với nhưng loại nón địa phương khác. Thời trước, nón làng Chuông là một trong những vật phẩm được chọn tiến cống cho hoàng hậu, công chúa. Hiện nay, tại các khu đô thị, nón không còn chỗ đứng, nhưng ở vùng quê, nhiều lễ hội nhu cầu về nón vẫn còn…

Nghề làm nón không còn hấp dẫn “Muốn ăn cơm trắng cá trê Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông" Đây là câu thơ mà từ bé tôi đã được nghe. Tuy nhiên càng lớn, ấn tượng về chiếc nón, đặc biệt là nón làng Chuông ngày một nhạt dần. Tuy nhiên, được về làng Chuông (xã Phương Chung, Thanh Oai, Hà Nội) đúng vào phiên chợ Chuông, chúng tôi thấy nghề nón của làng vẫn sôi động lắm. Mờ sáng, chợ đã chật ních người, đặc biệt là khu vực bán nón. Người chen nhau, nhích từng một, tiếng mặc cả, trả giá sôi động. Trong sương sớm, cả một khu chợ toàn nón là nón. Nhìn cảnh này, tôi nói với đồng nghiệp đi cùng: nghề nón của làng Chuông vẫn phát triển đấy chứ, sao nhiều báo lại bảo nghề đang mai một. Thấy tôi nói vậy một chị bán bán hàng cạnh đó phản ứng: Thế là chú không biết rồi, nhìn thì đông vậy nhưng so với xưa ít hơn nhiều lắm. Chị Hợp, một người bán nguyên liệu làm nón ở chợ Chuông hơn chục năm nay cho biết: “Giờ mức sản xuất nón chưa bằng một nửa so với trước. Tôi còn nhớ những năm trước, hàng của tôi nhiều khách đến mức không ngẩng mặt lên được. Còn giờ chẳng được mấy khách. Do làm nón có thu nhập thấp nên nhiều người trong làng không còn mặn mà với làm nón nữa rồi. Đi làm phụ xây còn kiếm được nhiều tiền hơn làm nón nên không ít người đã lên các khu đô thị kiếm việc hoặc đi làm thuê ở các địa phương xung quanh”. Giờ ở làng Chuông, làm nón đa phần là các cụ già và em nhỏ. Theo như người dân thì đây là “tận dụng thời gian” chứ không phải là công việc chính, kiếm sống như trước nữa. Vì một thợ lành nghề làm cật lực một ngày cũng chỉ được 2 chiếc nón. Nếu là nón đẹp thì chỉ được một chiếc. Trừ chi phí nguyên liệu thì cũng chỉ được 30.000 đến 50.000 đồng/ngày. Nếu tay nghề thấp và không làm cật lực cả ngày đến đêm khuya thì cũng chỉ kiếm được 15.000 đến 20.000 đồng. Với mức tiền này lại tiêu dùng trong điều kiện hiện nay, làm nón đã không còn hấp dẫn được người lao động. Bà Bốn, người đã làm nón mấy chục năm nay cho biết: “Giờ ở nhà chỉ có tôi với đứa cháu làm. Tôi làm nón chỉ bán được 15.000đồng/chiếc. Trừ chi phí đi, tôi cũng chỉ được khoảng 7.000đồng/chiếc. Với sức tôi giờ chỉ làm được hai chiếc, thậm chí có hôm chỉ được một chiếc. Các anh bảo với số tiền đó còn có thể hấp dẫn được ai ngoài các bà già và trẻ em khi rỗi rãi”. Việc tiêu thụ nón không phải quá khó Hiện nay, nhu cầu nón đã không còn nhiều như trước. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm nón làng Chuông vẫn khá dễ dàng. Đến nay người làm nón vẫn chưa phải lo đến khâu tiêu thụ. Cứ làm rồi đến phiên chợ mang ra bán là được. Chợ Chuông ngày nào cũng mở, nhưng những ngày chẵn đặc biệt là ngày 10, 20 và 30 những phiên chợ chính, sẽ rất đông. Việc tiêu thụ nón chủ yếu qua những phiên chợ này. Ở làng cũng có một số người chuyên đi thu mua nón. Nếu có đơn đặt hàng, họ sẽ đến đặt từng nhà và cũng đến tận nhà lấy nón đi. Chị Phạm Thị Tuyết, có hơn 20 năm buôn nón làng Chuông cho biết: “Nói chung, tiêu thụ nón làng Chuông hiện nay vẫn rất tốt. Trước đây do giao thông khó khăn, nên vận chuyển, buôn bán không được thuận lợi như bây giờ. Tuy khối lượng không còn như trước nhưng vẫn khá nhiều. Tôi chuyên mua nón ở làng Chuông với đủ loại tiền từ 7.000đồng đến 50.000đồng/chiếc rồi mang đi Thái Nguyên bán. Những đợt đắt hàng thì 10 ngày về làng Chuông lấy khoảng 1.500 chiếc, còn những đợt kém hơn thì nửa tháng về một lần, mua khoảng 1.000 chiếc”. Anh Đồng có hơn 10 năm buôn nón làng Chuông cũng khẳng định: “Dù quy định đội mũ bảo hiểm làm giảm tới 30% nhu cầu nón trên địa bàn tôi kinh doanh, nhưng cứ 5 ngày tôi cũng phải về làng Chuông thu mua từ 700 đến 800 chiếc đem đi bán”. Hiện làng Chuông vẫn nhận và làm các đơn đặt hàng từ nhiều địa phương trên cả nước với nhiều loại nón. Những nghệ nhân làng Chuông vẫn tự hào có thể làm ra những sản phẩm đẹp với nhiều chủng loại từ nón trắng (làm bằng lá lụi), nón đen (làm bằng lá già) đến những chiếc nón quai thao với đủ các kích cỡ… Nón làng Chuông cũng đã xuất ngoại đi nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaixia… Thực tế ở làng Chuông cho thấy, nhu cầu nón của làng sản xuất ra vẫn rất cao. Nhiều người cần cù làm nón cũng có thể sống được với nghể. Điều này khẳng định lợi ích kinh tế của nghề vẫn còn, tuy nhiên, hiện nghề làm nón ở đây vẫn đang mai một dần. Một nghề truyền thống mang nét đẹp của quê hương, dân tộc đang mai một khi nhu cầu về nó vẫn còn, người làm nón vẫn sống được với nghề, đây là một nghịch lý đòi hỏi các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần có những hành động thiết thực để giữ và phát triển nghề. Mặt dù ở địa phương có những “chủ nón”, thậm chí có cả doanh nghiệp xuất khẩu nón đi nước ngoài, tuy nhiên xem xét kỹ, đây vẫn là hoạt động nhỏ lẻ, manh mún, khó hỗ trợ tốt cho làng nghề phát triển. Gánh lá lụi ra chợ bán Nón chuẩn bị mang đi tiêu thụ ở tỉnh ngoài Làm nón làng Chuông bây giờ chủ yếu là người già và trẻ em Bài và ảnh: Đinh Xuân Dũng

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/2/26/26/103241/Default.aspx