Về bê bối mới ở Hội Nhiếp ảnh Việt Nam

Chỉ ba ngày sau khi nhận một lúc hai giải thưởng nghề nghiệp, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã xin rút lui khỏi giải - lại một bê bối thuộc loại hy hữu trong giới văn nghệ.

Trao nhanh rút cũng nhanh

Sáng 18/3, tại tòa nhà VAPA phố Tôn Thất Thuyết Hà Nội diễn ra cuộc tổng kết, trao giải và khai mạc triển lãm “Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam 30 năm đồng hành cùng đất nước đổi mới”. 36 tác phẩm được coi là xuất sắc nhất đã được trao với 8 giải A, 12 giải B, 16 giải C. Ban tổ chức chọn ra 204 trong số 1.800 tác phẩm và công trình dự cuộc, để trưng bày tại triển lãm.

Trước lễ trao giải một hai hôm, đã nghe các hội viên bàn tán râm ran, và còn thông tin tận nơi cho báo chí: Đến đấy mà xem Chủ tịch Hội chúng tôi tự trao giải cho mình. Sát cuộc lễ lạt, lại thấy cập nhật Thôi rồi, ông ấy phải rút lui rồi. Cuối cùng, việc Chủ tịch Hội Vũ Quốc Khánh vẫn nhận một giải A và một giải C khiến khá đông hội viên bức xúc bày tỏ bằng nhiều kênh: Trực tiếp gặp báo chí để phát biểu; phát tán các văn bản bày tỏ chính kiến; bàn luận trên mạng xã hội...

Trước sức ép này, chỉ mới nhận giải có 3 ngày, NSNA Vũ Quốc Khánh đã gửi thư ngỏ cho các hội viên tuyên bố rút lui khỏi giải A dành cho bức ảnh Nụ cười Việt Nam và giải C cho bức Mặt trời của mẹ, của mình.

Hai bức ảnh vừa nhận giải đã trả lại.

“Nhiếp ảnh Việt Nam mà thi nụ cười thì nhiều lắm!”

Vậy, ông Khánh sai gì mà phải làm chuyện hi hữu này?

“Vừa đá bóng vừa thổi còi” là cụm từ nhiều hội viên bình luận sự việc. Bởi trong cuộc vừa tổng kết vừa làm giải này, Chủ tịch Hội đóng ba vai trò Trưởng ban chỉ đạo, Trưởng Ban tổ chức, Chủ tịch Hội đồng thẩm định (kiểu như Ban giám khảo). Ông đã làm cái việc tự bỏ phiếu cho tác phẩm của mình. Bức Nụ cười Việt Nam nhờ lá phiếu của chính chủ, đã đạt 7/7 số phiếu để đoạt giải A.

Ngoài ra, nhiều người tỏ ra không phục giá trị nghệ thuật của hai bức ảnh, trước hết là mô-típ không có gì đặc biệt. Ba chục năm chỉ nhặt ra được có 8 giải cao nhất, giải A, nên bức Nụ cười Việt Nam- một trong 8 giải,càng bị soi, soi từ cái răng của người mẫu ảnh, không đẹp mà lại quá cận cảnh, “răng nhọn gây cảm giác không an toàn”. Có người nói ngoa: Ảnh thế tôi đầy 3 ổ cứng!

Nụ cười Việt Nam chụp năm 1994, khoảng dăm năm sau xảy ra vụ việc bất lợi cho tác giả khi người mẫu ảnh kiện ông và Tổng cục Du lịch sử dụng hình ảnh cô tùy tiện, vi phạm quyền nhân thân. Tại Festival Huế 2000, bức ảnh in trên hàng nghìn tấm vé, gương mặt người mẫu bị xé ngang xé dọc, vương vãi khắp nơi. Một số NSNA có tiếng và có chức phát biểu trên công luận rằng cả tác giả và Tổng cục Du lịch đều thiếu tôn trọng, thiếu sòng phẳng với người mẫu. Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hà Nội lúc đó, Vũ Đức Tân nhận định: ảnh phóng to để quảng cáo, giá bản quyền hàng trăm triệu mà không thỏa thuận trước với người trong ảnh là sai, là chiếm đoạt.

NSNA Hoàng Kim Đáng, người từng chấm giải cho bức Mặt trời của mẹ cách đây khoảng 2 chục năm, nhận định:

Ảnh nàynằm trong cuộc thi Trẻ em Việt Nam mối quan tâm của chúng ta với sự hỗ trợ của một tổ chức Thụy Điển. Giám khảo có cụ Đỗ Huân và tôi, với một bà Thụy Điển. Lúc đầu bức ảnh được chấm giải Khuyến khích. Sau tôi phát biểu rằng: Bức ảnh này có sự giao thoa của ba ngành nghệ thuật- bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm (Khúc hát ru những em bé trên lưng mẹ) và bài hát của Trần Hoàn phổ thơ Nguyễn Khoa Điềm. Ảnh đứng được một phần bởi tác động của bài hát và bài thơ đó. Vậy là từ giải Khuyến khích, nó nhảy qua giải nhất của Hòa Tấn mà lên giải Đặc biệt. Thời điểm đó nó xứng đáng nhưng bây giờ nằm trong hệ thống giải tổng kết 3 chục năm của ngành thì không thuyết phục! Chừng ấy năm, chúng ta có hàng nghìn huy chương vàng bạc đồng của các tác giả, có tác giả như Đào Tiến Đạt ở Bình Định hơn 700 giải trong cuộc đời làm nghệ thuật, mà lại trắng tay trong cuộc này? Cho nên Mặt trời của mẹ nằm ở giải C cũng không được. Chưa nói anh vừa là thí sinh vừa ở cương vị thủ lĩnh (Chủ tịch Hội), Trưởng Ban tổ chức, lại là thành viên giám khảo, lãnh đạo cái Ban giám khảo đó, tự bỏ phiếu cho mình. Gây bức xúc là phải thôi”.

Về giải A dành cho Nụ cười Việt Nam, NSNA Hoàng Kim Đáng nhận xét:

“Nguyên mẫu bức ảnh tôi được biết cũng không có thành tích gì xuất sắc. Đặt cái tít rất kêu nhưng không nâng được bức ảnh lên. Nhiếp ảnh Việt Nam mà thi nụ cười thì nhiều lắm! Bao người nổi tiếng thậm chí kiệt xuất, ảnh đẹp, cười đẹp còn không gọi Nụ cười Việt Nam. Đến Võ Thị Thắng cũng chỉ là Nụ cười chiến thắng, không nống lên Nụ cười Việt Nam. Bố cục, màu sắc ảnh cũng ngon nghẻ nhưng gọi là huyền diệu hay cao thủ thì làm gì có. Đoạt giải A thì tôi hơi buồn cho hội đồng giám khảo trong khi nhiều ảnh đẹp khác chết oan! Nhiếp ảnh Việt Nam bây giờ nhiều bức cao cường nội dung nghệ thuật lắm”.

Khó cho ông Chủ tịch

Khi dư luận về giải thưởng rộ lên, NSNA Vũ Quốc Khánh trả lời công luận rằng ông không hề vi phạm qui chế khi ẵm giải. Quả thực, trong qui chế tổng kết “Nhiếp ảnh Nghệ thuật Việt Nam 30 năm đồng hành cùng đất nước đổi mới” mà Hội gửi đến hội viên năm ngoái không có qui định lãnh đạo Hội thì không được dự giải.

Tuy nhiên, tình thế của ông Khánh khá tế nhị. Ông nhiều nhất chỉ nên làm Trưởng Ban chỉ đạo, Trưởng Ban tổ chức. Nhẹ nhàng ngồi vào ghế Chủ tịch Hội đồng thẩm định để tự bỏ lá phiếu cho mình thì bây giờ ông đã thấy cái giá phải trả.

Ông Vũ Quốc Khánh và nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Làm lãnh đạo, vậy tôi phải chịu thiệt sao? Đương nhiên rồi. Kể cả không lãnh đạo cũng nên biết né mới phải, ai lại “tự biên tự diễn tự hoan hô, tự mua phần thưởng tự trao cho mình” như thiên hạ vẫn trào lộng. Thế những người khác cũng chấm cho tôi đấy thây? Đúng, nhưng nhỡ họ chấm vì nể nang thì sao, hoặc ngược lại, không nể nhưng cố tình “khen cho chết”, biết trước ai sẽ phải đón nhận búa rìu dư luận? Đời này, tránh đi những ngờ vực, thị phi không đáng có thì hơn.

Nhiều hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tỏ ra bức xúc còn vì họ cho rằng: Lãnh đạo Hội cố tình nhập nhèm, nói cuộc này không phải cuộc thi, giá trị giải thưởng rất bé, có gì đâu mà ầm ĩ. Đã có giải sao không thi thố? Và giải này sẽ là căn cứ để xét giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước chứ?

Nhiếp ảnh Việt Nam mấy năm qua dính nhiều lùm xùm. Nhưng rút lui khỏi một giải quốc gia, hoạt động nghề nghiệp- chính trị kiểu thế này, thì chưa từng có. Cũng qua đây, thấy Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh thực sự đang phải vác cây thập tự nặng nề. Hoàn toàn không đơn giản cho nhiệm kỳ 2 năm nữa mới kết thúc của ông.

Sáng 18/3, mỗi nghệ sĩ đoạt giải hoặc có tác phẩm trưng bày tại triển lãm đều được nhận một bông hồng của Ban tổ chức, một bằng chứng nhận lồng khung, và cuốn sách ảnh in 204 tác phẩm đoạt giải cũng như được triển lãm. Bây giờ, có sự thay đổi giải, không chuẩn nữa, thì hơn 200 cuốn sách đâm ra thế nào? Chả lẽ in lại. Một lễ trao giải chỉ lộn một chút như Oscar vừa qua mà còn gây cảm giác “vô nghĩa”, “thất vọng” cho số đông khán giả theo dõi hôm ấy, nữa là bê bối rút giải vì áp lực, vừa trao đã rút.

Vi Khanh

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/van-nghe/ve-be-boi-moi-o-hoi-nhiep-anh-viet-nam-1132980.tpo