Vay tiêu dùng: Lãi suất theo cung - cầu

Thời gian qua, hoạt động cho vay tiêu dùng (VTD) tại Việt Nam phát triển khá mạnh với tốc độ tăng trưởng trung bình 20%/năm. Tuy nhiên, tỷ lệ dư nợ cho VTD mới chỉ chiếm khoảng 8%/tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống. Điều đó cho thấy hoạt động này còn rất nhiều tiềm năng phát triển.

Xu thế cho VTD đang ngày càng phổ biến. Ảnh: Nghiêm Lan

Mới đây, Ngân hàng (NH) Nhà nước (NHNN) đã có Dự thảo Thông tư hướng dẫn về VTD của công ty tài chính (CTTC) với nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bền vững hoạt động cho VTD.

Lãi suất đi cùng với rủi ro

Một trong những điểm thu hút sự quan tâm của dư luận là tại dự thảo này NHNN không quy định về mức trần lãi suất cho VTD. Dự thảo quy định “tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động NH của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NH, NHNN cho hay, trong nền kinh tế thị trường, có một nguyên tắc tất yếu, rủi ro phải đi với lợi nhuận, tức là khách hàng phải chịu lãi suất mà bên cho vay đặt ra phù hợp với điều kiện của mình. Khi tổ chức tín dụng hoặc các định chế tài chính cho vay vào những lĩnh vực rủi ro cao thì phải cộng phần bù rủi ro vào giá và như vậy lãi suất sẽ phải cao. Nếu không cộng vào thì không có định chế nào có thể tồn tại được trong một thị trường cạnh tranh hiện nay. Đây là nguyên lý hết sức sòng phẳng của nền kinh tế thị trường mà chúng ta cần phải hiểu rõ.

Theo đại diện của CTTC Home Credit, không nên quan niệm lãi suất cao hay thấp, có vượt khả năng trả lãi của người vay hay không. Bởi khi có nhu cầu, nếu khách hàng nhận thấy VTD là giải pháp duy nhất để thực hiện điều mình muốn, thì lúc đó chỉ quan tâm mỗi tháng trả bao nhiêu tiền, có phù hợp với khả năng của mình không. Chính vì vậy, việc tự do lãi suất theo cung cầu thị trường có ý nghĩa tích cực.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH nhấn mạnh: “Tín dụng tiêu dùng là loại hình cho vay có tính rủi ro rất lớn. Và khoản vay nào có tính rủi ro càng cao thì lãi suất sẽ càng cao. Bởi lẽ lãi suất đi cùng với rủi ro và đó là cơ sở hợp lý”.

Ông Hiếu khẳng định, khi thả nổi lãi suất, tự khắc thị trường sẽ định hình mức lãi suất thấp nhất, hợp lý nhất, cạnh tranh nhất. Không có tổ chức tín dụng nào dám đưa ra một mức lãi suất quá cao vì như vậy vô hình chung họ đã chối bỏ khách hàng của mình. Quy luật của kinh thế thị trường còn điều tiết lãi suất tín dụng thông qua việc cạnh tranh. Nó sẽ được thiết lập theo quan hệ cung - cầu và quy luật cạnh tranh đầy đủ

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh: “Hoạt động cho VTD của NH và CTTC được áp dụng lãi suất thỏa thuận nhưng phải chịu sự chi phối của luật các tổ chức tín dụng chuyên ngành. Tuy nhiên, NHNN cũng đã yêu cầu các CTTC và các NH thương mại khi cho VTD áp dụng mức lãi suất tốt nhất để hỗ trợ cho người vay, đảm bảo khả năng thu hồi nợ tốt nhất, hạn chế rủi ro”.

Cũng tại dự thảo này, NHNN quy định CTTC được xem xét quyết định việc giải ngân: “Tổng số tiền cho VTD (bao gồm dư nợ cho vay và số tiền dự kiến cho vay) được giải ngân theo quy định tại khoản này đối với một khách hàng không vượt quá 10 triệu đồng hoặc một mức khác theo quyết định của Thống đốc NHNN trong từng thời kỳ”.

Theo Home Credit, cho dù vay tiền mặt không phải là mảng kinh doanh chủ đạo và chỉ cho vay với những khách hàng có lịch sử tín dụng tốt nhằm giảm tối đa khả năng nợ xấu có thể phát sinh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng đối với lĩnh vực này ngày càng tăng. Trong 10 tháng đầu năm 2016, số hợp đồng vay tiền mặt từ 10 - 30 triệu đồng của Home Credit chiếm 71% tổng số hợp đồng đang có hiệu lực. Trong đó, số khách hàng vay tiền mặt dưới 10 triệu đồng chỉ chiếm 10% tổng số hợp đồng. Điều này cho thấy nhu cầu vay tiền mặt với số tiền trên 10 triệu đồng là rất cao. Do vậy, việc giới hạn phương tiện giải ngân và số tiền cho vay ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng thực tế của khách hàng và không kích cầu về tiêu dùng.

Đẩy lùi tín dụng đen

Tại hội thảo về thực trạng và giải pháp VTD tổ chức hồi tháng 7 vừa qua, đại diện của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương đưa ra con số khiến không ít người giật mình, khi mức lãi suất cho VTD cao nhất đã lên tới 60 - 70%/năm.

Có những quảng cáo cho VTD chỉ hưởng lãi suất cực thấp, nhưng sau khi khách hàng đặt bút ký hợp đồng, mới “đắng lòng” khi biết mình đã sa vào “cái bẫy ngọt ngào”. Bởi lãi suất ưu đãi như 0%, 2 - 3%/tháng... chỉ áp dụng trong thời gian ngắn, sau đó lãi suất sẽ tăng vọt. Đó là chưa kể đến hàng loạt chi phí khác như mức phí phạt dao động từ 50.000 - 250.000 đồng.

Để hạn chế sự bức xúc của dư luận về lãi suất và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, tại Điều 5 Dự thảo Thông tư quy định rất rõ ràng như: Trước khi ký hợp đồng cho VTD, CTTC phải cung cấp và giải thích đầy đủ, chính xác, trung thực cho khách hàng hiểu được các thông tin liên quan (bao gồm cả các hậu quả hoặc chế tài sẽ áp dụng khi khách hàng vi phạm hợp đồng) về nội dung sản phẩm cho VTD quyền hạn và trách nhiệm của khách hàng, cách tính lãi, các loại phí, tổng số tiền (gồm lãi, phí) phải trả...

Theo luật sư Đỗ Tuấn Anh, Văn phòng Luật sư Công Luật, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, xây dựng Thông tư quy định về việc cho VTD là cấp bách và cần thiết để quản lý, theo dõi và giám sát các CTTC. Hoạt động cho vay phải đáp ứng các điều kiện sau: Bên cho vay thanh toán cho bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng do khách hàng mua, sử dụng; Khách hàng hoàn trả tiền vay (bao gồm cả gốc và lãi) theo định kỳ được quy định tại hợp đồng cho VTD. Hoạt động cho VTD được thực hiện tại các điểm bán hàng, giới thiệu dịch vụ của bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Thời hạn cho vay không quá 5 năm, việc đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng trên cơ sở hệ thống thẻ chấm điểm. Hoạt động cho vay tín chấp hoặc cho vay có tài sản bảo đảm là hàng hóa tiêu dùng được mua từ nguồn vốn tín dụng được cấp.

Luật sư Đỗ Tuấn Anh nhấn mạnh, dự thảo cũng quy định NH thương mại muốn cho VTD theo hình thức này thì phải thành lập CTTC. Việc quy định một cách rõ ràng các hoạt động tín dụng được coi là cho VTD và tách riêng quản lý đối với hoạt động này phù hợp với các tính chất khác biệt, sẽ giúp cho thị trường cho VTD Việt Nam phát triển minh bạch, lành mạnh và hiệu quả hơn, phù hợp với các thông lệ quốc tế

Lãnh đạo của một CTTC cũng cho biết, hiện nay hoạt động “tín dụng đen” phát triển rất mạnh với lãi suất ép buộc, lãi mẹ đẻ lãi con, không ai kiểm soát được gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an ninh, xã hội… Trong khi nhu cầu VTD trong dân là rất lớn, vì thế việc nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh là biện pháp hữu hiệu và quan trọng để đẩy lùi “tín dụng đen”.

“Đến lúc chúng ta cần để quy luật thị trường tự quyết định sự tồn tại của các loại hình dịch vụ. Còn người dân phải tự trang bị cho mình kiến thức tài chính để hiểu quyền và trách nhiệm của mình trong sân chơi này”, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu bộc bạch.

Nghiêm Lan

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/vay-tieu-dung-lai-suat-theo-cung-cau_t114c1068n112024