Vay ODA: Việt Nam đang phải xây dựng kịch bản trả nợ nhanh

Bên cạnh khoản nợ 1 tỷ Đô-la Mỹ từ vốn vay ODA phải trả hàng năm, thời hạn của các khoản vay cũng sẽ giảm xuống. Đồng thời, Việt Nam dự kiến sẽ không còn được vay theo điều kiện ODA khi phải chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường từ tháng 7.2017.

Mỗi năm trả nợ 1 tỷ USD?

Liên quan tới nghĩa vụ trả nợ vốn vay ODA hàng năm của Việt Nam, ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết tại buổi họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính. Ông Hải cho biết: Hiện chưa có con số chính xác song nếu tính bình quân dự toán thì Việt Nam phải trả khoảng 1 tỷ Đô-la Mỹ mỗi năm cho tổng số nợ gốc và lãi vốn vay phát sinh từ ODA.

Tuy nhiên, ông Hải vẫn khẳng định việc vay và trả nợ trong năm 2016 vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch vay trả nợ năm đã được Bộ Tài chính đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ đầu năm. Cụ thể, sau 9 tháng, đã thực hiện nghĩa vụ trả nợ các khoản trong nước là 58.000 tỷ đồng, các khoản vay nước ngoài là 9.900 tỷ đồng.

Ông Hoàng Hải chia sẻ tại buổi họp báo

Ông Hải nói: “Nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn, việc vay nợ và trả nợ vẫn được thực hiện theo đúng hạn mức và các quy định của Luật Ngân sách, Luật Quản lý nợ công, cũng như kế hoạch vay và trả nợ trong năm 2016”.

Lý giải về sự gia tăng những khoản vay trả nợ mới, ông Hải cho biết, nhiều nước coi trả nợ gốc là phần quan trọng và thực hiện vay mới để trả nợ cũ, đặc biệt là các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản. Song Việt Nam hiện chưa được chuyên nghiệp như các nước trên hàng năm vẫn dùng ngân sách Nhà nước để đáp ứng trả nợ, trong những năm gần đây buộc phải vay mới trả cũ thực hiện để đảm bảo cân đối trả nợ.

Việt Nam sẽ phải vay ODA với lãi suất cao

Theo chia sẻ từ ông Hoàng Hải, dự kiến từ tháng 7.2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Đồng thời, nguồn vốn ODA đã vay sẽ được chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2 tới 3,5%.

Ông Hải lo ngại: “Nếu Ngân hàng thế giới xác định Việt Nam đủ điều kiện tốt nghiệp IDA thì khả năng không còn được vay theo điều kiện ODA”.

Cụ thể, từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Vậy nên, mức độ ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt. Trong đó, từ thời hạn vay bình quân khoảng từ 30 tới 40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7 - 0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn (giai đoạn trước 2010), tới nay thời hạn vay bình quân chỉ còn từ 10 tới 25 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay, với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên (giai đoạn 2011-2015). Bên cạnh đó, nhiều đối tác cũng đang thay đổi cách vay và ưu đãi vốn vay ODA cho Việt Nam, trong đó mức độ ưu đãi các khoản vay đã giảm đi rõ rệt. Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn hỗn hợp.

Trước những thách thức nêu trên, Việt Nam sẽ phải cam kết trả nợ nhanh, tăng gấp đôi tốc độ trả nợ gốc.

“Hiện tại, Bộ Tài chính đang phối hợp với các chuyên gia WB để xây dựng các kịch bản trả nợ nhanh, đánh giá việc ảnh hưởng tới ngân sách”, ông Hải nói.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/vay-oda-viet-nam-dang-phai-xay-dung-kich-ban-tra-no-nhanh-718317.html