VAT, mớ rau, con cá và ngân sách

Động thái tăng VAT của Bộ Tài chính từ 10% như truyền thống lên 12% có vẻ đang không nhận được sự đồng thuận từ công luận. Mới đây nhất trong cuộc họp của Bộ này, chỉ có một chuyên gia là “nhiệt tình ủng hộ”.

Sự phản đối này cũng dễ hiểu khi VAT không chỉ là cú đánh gián tiếp vào các doanh nghiệp, mà nguy hiểm hơn, đánh thẳng vào người tiêu dùng vốn vẫn phải tằn tiệm chi tiêu dù GDP bình quân đầu người được xác định là 2.215 USD/năm.

Đánh vào túi tiền eo hẹp của người dân

Nếu đề xuất này được chấp thuận, thì có nghĩa là, từng mớ rau, con cá, cân đường, hộp sữa… sẽ tăng giá và người tiêu dùng sẽ phải móc hầu bao ít ỏi của mình để chi trả cho đề xuất đang bị phản đối này. Thay vì chỉ phải bỏ ra 10 đồng cho nhà nước mỗi khi tiêu 1000 đồng, thì người tiêu dùng sẽ phải bấm bụng bỏ ra thêm 20 đồng nữa cho một chính sách mà họ là người chịu tác động trực tiếp không được hỏi ý kiến như luật định.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh, việc tăng thuế VAT để tăng thu ngân sách không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà còn tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi ngân sách “vung tay quá trán” hay các dự án nghìn tỷ đắp chiếu và kém hiệu quả. Ảnh: Quốc Tuấn

Nhiều ý kiến lo lắng VAT tăng lên 12% sẽ ảnh hưởng tới DN, nhưng sự thực thì đó là ảnh hưởng gián tiếp, còn ảnh hưởng trực tiếp thì người tiêu dùng phải oằn lưng gánh vác. Dù VAT có tăng lên đến mức nào, thì DN vẫn sẽ phải đảm bảo sản xuất và có lãi. 2% VAT tăng lên sẽ được tính vào giá cả của hàng hóa, sản phẩm.

Nhưng có lẽ, vấn đề không thuần túy là như vậy.

Khi VAT tăng thì đương nhiên giá cả hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ cũng tăng theo như một điều tất yếu. Người tiêu dùng phải cân nhắc hơn mỗi khi bỏ ra một khoản chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu hay xa xỉ. Đương nhiên điều ấy cũng có nghĩa là, nếu người tiêu dùng cân nhắc chi tiêu hơn, thì hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ sẽ tiêu thụ giảm. Có thể, mớ rau, con cá, cân thịt… người tiêu dùng vẫn phải ăn, nhưng chắc chắn sự tằn tiệm sẽ càng trở thành một “nếp sống”.

Bộ Tài chính cho rằng tăng thuế để bù đắp thu ngân sách nhưng nên tính đến việc giảm chi tiêu thường xuyên ở ngưỡng 70% như hiện nay chứ không phải cách tăng thu thuế đại bộ phận người dân.

Sức tiêu thụ giảm cũng có nghĩa là DN phải tính toán lại kế hoạch sản xuất theo hướng cắt giảm. Bởi không thể sản xuất hàng hóa nếu thị trường không tiêu thụ hết. Khi đó, hệ quả là DN có thể sẽ phải cắt giảm nhân công vì thu hẹp quy mô sản xuất. Những vấn đề xã hội phát sinh sẽ không thể tiên lượng được hết được khi tình trạng thất nghiệp có thể sẽ trở nên nghiêm trọng hơn là những con số đã được thống kê.

Để đảm bảo cho nguồn chi ổn định

Nhưng nguồn cơn để tăng VAT nằm ở đâu lại là vấn đề lớn hơn nữa. Rõ ràng, khi đưa ra đề xuất tăng VAT, thì cũng có nghĩa là Bộ Tài chính đang đi tìm thêm một nguồn thu mới cho ngân sách đang rất eo hẹp, mặc dù động thái này sẽ tạo ra “động lực ngược” cho xã hội nói chung và nền kinh tế nói riêng.

Khi VAT được đề xuất tăng cũng có nghĩa là ngân sách nhà nước đang có vấn đề nhất là khi chi thường xuyên đã có lúc lên tới 72% như nhiều báo cáo đã chỉ ra. Ngân sách không phải là con bò sữa. Thế nhưng bao nhiêu nơi vẫn đang trông chờ ngân sách tiếp tục mở hầu bao để rót về những khoản tiền tỷ. Ví dụ mới nhất là ngay cả ông Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật, nhà thơ Hữu Thỉnh, đề nghị Thủ tướng cung cấp thêm kinh phí, xe cộ và hàng trăm căn hộ.

Không chỉ có thế, lẽ ra khi ngân sách eo hẹp, thì phương án giảm chi phải được tính đến như một giải pháp căn cơ, nhưng Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế vẫn chưa phát huy hiệu quả.

Một bộ máy cồng kềnh, 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách nhà nước vẫn đang là bài toán nhức nhối. Ai cũng đồng ý là tinh giản biên chế, nhưng lại chẳng ai muốn chính mình bị tinh giản. Có thể đó cũng là một trong những lý do khiến Luật về Hội tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 11-2016 không được thông qua bởi mục tiêu từ năm 2017 các hội sẽ phải hoạt động theo hướng tự chi trả. Định hướng tốt lành này có thể đã không thể thắng được xu hướng bám vào bầu sữa ngân sách của những chủ thể dân sự chưa thực sự trưởng thành.

Ngân sách eo hẹp, lẽ ra phải tăng hiệu quả đầu tư, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất phát triển. Nhưng không, cuộc chiến cắt giảm điều kiện kinh doanh cho các DN vẫn đang giằng co giữa những lợi ích nhóm khác nhau. Khi sản xuất kinh doanh thuận lợi, giá cả hàng hóa, dịch vụ được kéo về mức hợp lý thì sức tiêu thụ của thị trường mới được nâng lên, nhà nước cũng nhờ vậy mà thu thêm được thuế cho ngân sách. Nhưng không, cái đề xuất tăng VAT có vẻ đang triệt tiêu những động lực chính đáng này.

Sức khỏe của một nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào sức tiêu thụ của thị trường. Thế nhưng, đề xuất tăng VAT từ một cơ quan đã rất thành công trong điều hành tài chính thời gian qua đang đi ngược những nguyên tắc của thị trường. Hệ quả rất khó lường là bởi vì thị trường sẽ có những phản ứng theo đúng nguyên tắc của nó.

Khi đó, sự phát triển bền vững của nền kinh tế sẽ không thể tìm ra. Bởi xét cho đến cùng, khi nào người dân sẵn sàng bỏ tiền vào mớ rau, con cá thì khi ấy, nhà nước mới có nguồn thu bền vững cho ngân sách.

Theo Đại Dương/DĐDN

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/vat-mo-rau-con-ca-va-ngan-sach-217938/