Vang vọng mãi lời Bác về Nam bộ kháng chiến

Ngày này cách đây 71 năm, ngày 23/9/1945, với dã tâm muốn đô hộ nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân Nam bộ sục sôi căm thù, đã nhất tề đứng lên, xông pha mặt trận quyết chiến với quân xâm lược, mở ra một trang sử oanh liệt.Thái Bình

Ngày này cách đây 71 năm, ngày 23/9/1945, với dã tâm muốn đô hộ nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân Nam bộ sục sôi căm thù, đã nhất tề đứng lên, xông pha mặt trận quyết chiến với quân xâm lược, mở ra một trang sử oanh liệt.

Trong đoạn cuối bản “Tuyên ngôn độc lập” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2-9-1945: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Song, chỉ 3 tuần sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 23/9/1945, 6.000 quân Pháp dựa vào hơn 1 vạn quân Anh đã trắng trợn gây hấn ở thành phố Sài Gòn, mưu toan chiếm Nam bộ làm bàn đạp chiếm cả Việt Nam và Đông Dương.

Chợ Bến Thành, Sài Gòn, ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (23-9-1945).

Chợ Bến Thành, Sài Gòn, ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (23-9-1945).

Theo lời kêu gọi của Bác Hồ: "Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”, quân và dân Nam bộ đã thể hiện đúng tinh thần chiến đấu và hy sinh anh dũng cho độc lập, tự do. Tiếng súng mở đầu cho ngày Nam bộ kháng chiến ở Sài Gòn đã chấn động cả nước, làm nên một tinh thần Nam bộ kháng chiến bất diệt.

Từ gậy tầm vông, giáo mác, từ những vũ khí thô sơ, ít ỏi, quân và dân Nam bộ đã kiên cường chống lại sức mạnh quân sự hùng hậu của kẻ thù. Kết quả, ngay trong những ngày đầu tái xâm lược nước ta, quân Pháp đã liên tục bị tấn công và bao vây chặt trong thành phố.

Chúng đã bị lâm vào tình trạng khốn đốn: Không điện, không nước, thiếu vũ khí, thiếu lương thực - thực phẩm, thiếu quân và luôn bị quân dân ta tập kích, tiêu hao, tiêu diệt buộc chúng phải tìm cách hoãn binh. Ngày 30/9/1945, thực dân Pháp phải nhờ đại diện của quân Anh xin điều đình với Ủy ban nhân dân Nam bộ.

Lực lượng vũ trang Nam bộ chuẩn bị bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến.

Những tin chiến thắng của quân và dân Sài Gòn làm nức lòng đồng bào cả nước. Thanh niên các tỉnh phía Bắc và Trung bộ náo nức tham gia phong trào Nam tiến, với khí thế hăng say chưa từng có.

Thực tiễn ngày càng phức tạp bởi những diễn biến lực lượng trên toàn quốc, nhưng với ý chí chiến đấu ngoan cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, quân và dân miền Nam đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng ta đề ra. Chính vì lẽ đó, tháng 2/1946, trong đợt tôn vinh chiến công vang dội, Bác Hồ đã tặng quân và dân Nam bộ 4 chữ “Thành đồng Tổ quốc”.

Ngày Nam bộ kháng chiến (23/9/1945) đã trở thành một trong những dấu ấn không thể phai mờ trong hành trình phát triển của dân tộc ta, ngày của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, ngày mở đầu cho cuộc chiến đấu 30 năm để đi đến thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà.

Một xưởng chế tạo vũ khí của quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

30 năm trường kỳ kháng chiến, hàng triệu người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống cho ngày độc lập, thống nhất và cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Ý chí chiến đấu quật cường của đồng bào Nam bộ trong ngày 23/9 đã để lại cho các thế hệ Việt Nam những bài học vô cùng quý giá.

Đó là bài học về sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Trước sức mạnh của kẻ thù, Xứ ủy Nam kỳ đã thấy được sức mạnh vô cùng to lớn từ nhân dân. Nhân dân Nam bộ quyết không khuất phục, đã nhất tề đứng dậy chiến đấu. Xứ ủy khẳng định quyết tâm kháng chiến là quyết định hợp lòng dân, đã phát huy sức mạnh to lớn từ nhân dân. Có được sức mạnh của toàn dân thì không sức mạnh nào có thể khuất phục được.

Du kích Nam bộ của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Đường lối đúng đắn của Đảng, mà trực tiếp là Xứ ủy Nam bộ đã tập hợp và phát huy được tất cả các lực lượng, đồng thuận hướng đến ngọn cờ độc lập dân tộc, chống lại kẻ thù xâm lược, giải phóng quê hương. Thêm vào đó, bài học về sức mạnh toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, của Bác Hồ đã được phát huy cao độ. Trong những tháng năm rực lửa đó, cùng với đồng bào Nam Bộ kháng chiến, có hàng vạn những người con ưu tú của miền Bắc đã Nam tiến giết giặc.
Quân và dân Nam bộ đã sống, chiến đấu xứng đáng với danh hiệu mà Bác Hồ phong tặng. Suốt 30 năm chiến đấu kéo dài, cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (ngày 30/4/1975), “Thành đồng Tổ quốc” được vang lên trong niềm vui đại thắng, vang danh khắp toàn cầu. Và đó cũng là một biểu tượng kiên cường cho mảnh đất miền Nam đi trước, về sau thân yêu của Tổ quốc.

Nhân dân Hà Nội mít tinh phản đối phái bộ Anh dùng vũ lực chiếm đóng Nam Bộ tại Quảng trương Nhà hát Lớn, ngày 24/9/1945.

71 năm qua trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam vẫn luôn tự hào về truyền thống chiến đấu kiên cường, bất khuất của thế hệ cha anh, quyết bảo vệ đến cùng nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Ngày nay, ý chí ấy, quyết tâm ấy vẫn là sức mạnh để nhân dân ta chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, xây dựng đất nước cường thịnh, phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/thoi-su-chinh-tri/201609/vang-vong-mai-loi-bac-ve-nam-bo-khang-chien-2737550/