Vàng và tỉ giá, cuộc đua chưa có hồi kết

Ngân hàng Nhà nước cho phép 7 ngân hàng và Công ty Vàng bạc - Đá quý Sài Gòn (SJC) bán vàng bình ổn giá với mục đích thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và quốc tế. Tính đến thời điểm hiện nay, đã có hơn 10 tấn vàng được bán ra theo giá bình ổn. Ngân hàng Nhà nước có lý do để triển khai chương trình bình ổn giá vàng vì nhiều năm qua, thị trường vàng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro vào những tháng cuối năm.

Mặt khác, đây là bước khởi động cho các ngân hàng thương mại mở lại vàng tài khoản tại nước ngoài sau hơn hai năm gián đoạn. Ngân hàng Nhà nước cho rằng, chính cung - cầu cùng với biến động giá vàng quốc tế là nguyên nhân gây sốt vàng trong nước. Tuy nhiên, điểm mấu chốt của toàn bộ chương trình bình ổn giá vàng là thông qua ổn định thị trường vàng để ổn định tỉ giá VND/USD. Còn nhớ, cứ mỗi lần thị trường vàng nội địa hỗn loạn là Ngân hàng Nhà nước cấp phép nhập vàng để "hạ nhiệt”. Giá vàng chênh lệch cao kích thích nhập lậu vàng. Đô la Mỹ được gom mạnh trên thị trường tự do để chuyển thành vàng, kiếm lời. Hệ quả tất yếu là thị trường vàng mất kiểm soát và tỉ giá luôn biến động.

Những ngày đầu bán vàng bình ổn giá đã đạt được mục đích giảm tăng giá vàng trong nước. Tuy nhiên mức giảm vẫn chưa về đến độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới mà Ngân hàng Nhà nước mong muốn. Có một điều lạ là tỉ giá liên ngân hàng lần đầu tiên cao hơn thị trường tự do. Vấn đề này được giải thích là các ngân hàng bán vàng bình ổn gom USD để mua vàng tài khoản. Chưa hết, Ngân hàng Nhà nước đã có 14 đợt điều chỉnh tỉ giá trong tháng 10 và đã khiến đồng nội tệ mất giá khoảng 0,85% tính đến thời điểm hiện tại. Mặc dù tỉ giá chưa vượt 1% như cam kết của Thống đốc Nguyễn Văn Bình vào ngày nhậm chức, nhưng đến đây, nhiều người đặt câu hỏi: Mục đích của bán vàng bình ổn giá liệu có bị phá sản? Bởi tỉ giá và vàng luôn có tác động qua lại với nhau, nếu tỉ giá vẫn tăng thì giá vàng khó mà giảm do Việt Nam chủ yếu phải nhập khẩu vàng.

Với nền kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lạm phát vẫn chưa giảm nhiệt, thị trường chứng khoán, bất động sản còn "đóng băng” thì vàng vẫn là lựa chọn tốt nhất để đầu tư lẫn bảo toàn giá trị đồng tiền. Bình ổn giá vàng lúc này chỉ mang tính tình thế ngắn hạn, để ổn định thị trường vàng cần các giải pháp tổng thể khác. Theo PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Đại học Kinh tế TP.HCM, trong dài hạn, Ngân hàng Nhà nước cần tính đến các biện pháp quản lý chặt thị trường vàng như ngoại tệ mới mong ổn định thị trường. Cần tăng mức phạt đối với các hoạt động đầu cơ và giao dịch ngoại tệ phi pháp lên gấp 7-10 lần (từ 300-500 triệu đồng), đồng thời tiến hành kiểm tra tỷ giá tại các ngân hàng để đảm bảo tỷ giá không vượt ngoài biên độ cho phép. Để người dân giảm tích lũy vàng miếng, chỉ còn cách nâng niềm tin vào giá trị tiền đồng và lạm phát phải được xử lý triệt để.

Minh Phương

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=41467&menu=1372&style=1