'Vàng tặc' lộng hành

Tại hai tiểu khu 180 và 181 thuộc xã Đắc Kan (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) “vàng tặc” đua nhau khai thác trái phép. Những hầm vàng được khoét sâu như những “địa đạo” dưới lòng đất. Các “ông trùm” từ Thái Nguyên, Bắc Giang... phân chia lãnh địa tập hợp máy móc hoạt động công khai. Huyện Ngọc Hồi nhiều lần truy quét... nhưng “vàng tặc” lại hoạt động mạnh hơn sau đó.

Các hầm vàng như những ‘’địa đạo” trong lòng đất. Ảnh: ĐÌNH VĂN

Luồn hầm... tìm vàng tặc

T - người dẫn đường cho biết, Đắc Kan là xã “điểm nóng” về nạn đào, đãi vàng trái phép. Việc khai thác đã diễn ra nhiều năm. “Ngày cao điểm, “vàng tặc” hoạt động lên đến trăm người”, T tiết lộ. Dọc đường, T căn dặn không được giáp mặt, hỏi chuyện “vàng tặc”, chỉ cần có sự nghi ngờ thì xem như xong. Nhẹ thì bị đánh bầm giập, nặng thì mất mạng. Nơi Ngọc Hồi này chỉ có luật rừng, không xuất hiện luật pháp. Các “ông trùm” đã thỏa thuận, phân chia “lãnh thổ” khai thác.

Sau nhiều giờ băng qua khoảnh rừng chằng chịt cây cối, bãi vàng tiểu khu 180 đã lộ thiên. Quan sát, hầm có độ sâu trên dưới 10m, miệng rộng chưa tới 1m. PV luồn vào, phát hiện hầm thông với 6 ngóc ngách chằng chịt đâm xuyên lòng đất. Bên trong, chẳng có trụ đỡ, rào chắn gì. T buột miệng: “Đất sụp xuống chỉ có nước bỏ mạng”. Cạnh đó, 2 hầm vàng khác cũng được đào bới nham nhở, thi thoảng bắt gặp những cuốc, xẻng mà phu vàng bỏ lại. “Đây là khu vực có trữ lượng ít, nên vàng tặc “chê”, bỏ đi”, T nói.

Tiểu khu 181 có trữ lượng vàng lớn hơn nên phu vàng đổ xô về đây hoạt động. “Vàng tặc” chủ yếu trang bị mâm đào, dụng cụ thủ công để sàng, đãi vàng trái phép. Từng tốp cứ thế khai thác theo lãnh địa đã phân chia. Máu đã đổ khi các phu vàng giương cuốc, xẻng lao vào nhau hòng “giành giật” lãnh địa, mà theo T đã nhiều người phải nhập viện cấp cứu.

Đến tiểu khu 181, hàng loạt hầm vàng đã xuất hiện. Đất đai bị xới tung, cây cối xung quanh bật gốc, ngã rạp. Hầm sâu hoắm, tối om. T phải dùng đèn pin soi dò đường mới đi lại được bên trong. Phát hiện vàng sa khoáng, các phu vàng sẽ dùng hóa chất tách khỏi đất, sau đó dùng bình gas, ôxy để cô vàng rồi tìm nơi tiêu thụ.

Bất lực

Trưởng phòng TNMT huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) - Nguyễn Đức Xuân, cho rằng khu vực khai thác nằm xa trên đồi núi. Đơn vị nhiều lần phối hợp với công an huyện truy quét, nhưng chưa tận gốc dù nhiều hầm vàng đã bị đánh sập.

“Cuối năm 2015 đến đầu 2016, chúng tôi đã xử lý 2 vụ. Vụ thứ nhất, xử phạt ông Đinh Công Hà (SN 1970, trú xã Đắc Kan, Ngọc Hồi) 10 triệu đồng. Vụ thứ hai là Cty CP đầu tư - xuất nhập khẩu Hải Vân (Kon Tum) xin khảo sát để lập kế hoạch thăm dò. Giấy phép ghi rõ không dùng máy móc đào bới, nhưng Cty này phớt lờ đưa máy vào đào bới đất đá. Chúng tôi lập biên bản, yêu cầu Cty hoàn thổ và trục xuất ra khỏi địa bàn”, ông Xuân cho biết.

Chủ tịch UBND xã Đắc Kan - ông Nguyễn Bá Huân nói rằng, hai tiểu khu 180 và 181 thuộc Cty nguyên liệu giấy miền Nam quản lý. “Cty không có lực lượng, báo xã thì chúng tôi chỉ đạo CA xã, xã đội truy quét nhưng “vàng tặc” bỏ trốn hết”, ông Huân lắc đầu.

“Đáng báo động” - đó là khẳng định của Cty nguyên liệu giấy miền Nam trong báo cáo số 14/BC-BNLG2016 trình UBND huyện Ngọc Hồi.

“Qua tuần, kiểm tra cho thấy xuất hiện nhiều điểm đào vàng và khai thác khoáng sản trong khu vực đất rừng nguyên liệu giấy. Đơn vị đã phối hợp với UBND xã Đắc Kan xử lý nhưng hết đợt kiểm tra thì tệ nạn đào vàng vẫn tiếp tục hoành hành. Họ kéo thành từng nhóm đi sâu vào trong rừng để khai thác. Buổi chiều 17h, từng nhóm lại dùng xe máy chở đất ra khỏi rừng, đưa đến vị trí khác để che mắt cơ quan chức năng”, trích báo cáo số 14.

Giám đốc Cty nguyên liệu giấy miền Nam - Tống Hữu Chân - ta thán: Nếu không có biện pháp truy quét mạnh, tài sản rừng trồng của Cty sẽ bị thiệt hại rất lớn. Bởi Cty có 9.000ha rừng thông và keo lai, trong đó Ban trồng rừng nguyên liệu giấy Ngọc Hồi quản lý 1.500ha. Các tiểu khu bị đào bới rất nhiều lần, nguy cơ sạt lở làm cây thông dễ bị gãy đổ, chưa kể tính mạng phu vàng bị hầm vàng đe dọa.

Nguồn lợi từ vàng sa khoáng quá lớn khiến phu vàng “đánh cược” tính mạng khai thác, thách thức chính quyền huyện Ngọc Hồi. Để truy quét, đẩy đuổi không còn cách nào phải trông chờ vào tỉnh Kon Tum. Hy vọng là thế, nếu tỉnh Kon Tum thực sự vào cuộc.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/vang-tac-long-hanh-563534.bld