“Vang bóng một thời” làng thuốc quý Đại Yên

QĐND Online - Đã có một thời, cả làng Đại Yên (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội) nổi tiếng với nghề trồng thuốc, bốc thuốc Nam nhưng trước tốc độ đô thị hóa như vũ bão, những vườn thuốc ở Đại Yên dần bị thu hẹp và chẳng còn mấy người mặn mà với cái nghề vất vả, cầu kỳ mà lại thu nhập thấp này.

Xuôi ngõ 173 đường Hoàng Hoa Thám, ngay phía cuối con đường là cổng làng Đại Yên – làng thuốc có tuổi đời đã chục thế kỷ. Chúng tôi may mắn gặp được bà Nguyễn Thị Thảo (62 tuổi), người gốc làng Đại Yên. Bà Thảo tâm sự, thế hệ bà từ khi 5, 6 tuổi đã thuộc lòng lịch sử làng, biết phân biệt từng loại lá với công dụng riêng của chúng.

Không ai dám chắc những mảnh vườn thuốc như thế này sẽ còn tồn tại bao lâu

Theo bà Thảo, lịch sử làng Đại Yên được ghi chép trong thần phả của làng (hiện đang lưu giữ tại đình Đại Yên). Làng này trước kia có tên là Đại Bi. Vào thời nhà Lý ở thế kỷ 11, có một cô gái tên là Trần Ngọc Tường, mới 9 tuổi nhưng rất giỏi chữa bệnh bằng lá cây. Cô đã đi theo đội quân của Lý Thường Kiệt trong cuộc chiến chống quân Tống xâm lược. Khi quân sĩ của Lý thường Kiệt đột ngột đổ bệnh hàng loạt, Trần Ngọc Tường đã lặn lội đi tìm các loại lá và chữa khỏi bệnh cho hàng vạn quân sĩ, góp phấn không nhỏ cho thắng lợi của quân dân nước Việt.

Ngọc Tường được nhà vua phong là Ngọc Hoa công chúa, không ở lại trong cung mà về sống ở quê mẹ là làng Đại Bi, truyền lại nghề trồng lá thuốc và chữa bệnh cho dân làng. Dân làng tôn bà là Thành hoàng làng và lập đình thờ.

Những năm 1970, 1980, cả làng là vựa thuốc cung cấp cho Trường Đại học Dược Hà Nội, các chợ Cửa Nam, Đồng Xuân, phố Thuốc Bắc và cả vùng Đồng bằng Bắc Bộ. “Từ nhiều thế kỷ trước, người Hà Nội đã biết đến Đại Yên là một làng thuốc nam nổi tiếng và duy nhất của toàn vùng. Đến nay thì chẳng còn mấy người mặn mà với nghề, đất cũng chẳng còn nhiều mà trồng cây thuốc, cả làng hiện chỉ còn vài người bám trụ với nghề bán lá thuốc thôi”, bà Thảo buồn rầu kể.

Cụ Nguyễn Thị Chính, nay đã 90 tuổi nhưng hàng ngày vẫn đi lấy lá thuốc về bán gần đình làng. Vừa bỏm bẻm nhai trầu, cụ vừa kể chuyện: “Tôi lấy chồng người làng Đại Yên từ năm 22 tuổi rồi theo các cụ trong gia đình đi lấy lá thuốc về bán trước cổng làng. Giờ già rồi, không còn sức đi hái lá thuốc nữa mà cũng chẳng còn đất mà trồng”.

Cụ Chính đã ở cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng còn nhanh nhẹn và vẫn có thể phân biệt được từng loại cây cũng như đặc tính chữa bệnh của chúng. Bên gánh hàng lá thuốc của mình, cụ chỉ: “Xả, hương nhu, lá bưởi dùng để đun nước xông, lá láng để đắp chân, cây mã đề dùng làm thuốc lợi tiểu, cầm máu, chữa ho lâu ngày, cây hương nhu có thể dùng tươi hoặc phơi khố, trị cảm năng, sốt, nhức đầu…

Cụ Chính đã 90 tuổi nhưng chiều nào cũng ra cổng làng bán vài mớ lá thuốc nam.

Hiện ở làng còn bà Nguyễn Thị Quế (73 tuổi) ở số nhà 30, ngõ 173 Hoàng Hoa Thám và bà Nguyễn Thị Chinh (73 tuổi), ngách 68, ngõ 173 Hoàng Hoa Thám là còn trồng thuốc nam. Bà Quế có một mảnh vườn trồng thuốc nam cách làng Đại Yên khoảng 300m, trồng đủ các loại cây như hương nhu, mã đề, sài đất, trinh nữ hoàng cung, lá mò, bưởi, lá diễn…

Bà Quế cho biết: “Nghề trồng cây thuốc cũng chẳng khác người nông dân trồng cây lúa, lắm vất vả mà thu nhập chẳng đáng là bao nên bây giờ người trẻ chẳng mấy mặn mà. Đất làng Đại Yên cũng dùng để xây nhà hết”.

Đứng trước cơn bão đô thị hóa, những vườn thuốc nam hiếm hoi còn sót lại ở Đại Yên có nguy cơ bị xóa sổ. Rồi đây, làng Đại Yên sẽ chẳng còn lấy một thước đất để trồng lá thuốc. Những vườn thuốc cuối cùng của Đại Yên đang “thoi thóp” và có nguy cơ mất đi.

Những giá trị văn hóa góp phần làm nên Hà Nội ngàn năm văn hiến đang ngày càng mai một. Gìn giữ những giá trị đó có lẽ không còn là trách nhiệm của những nghệ nhân tâm huyết mà cần ý thức của cả một cộng đồng. Có như vậy, thế hệ sau mới không khỏi thiệt thòi khi chỉ biết đến những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc qua sách vở.

Bài, ảnh: NGUYỄN LAN HƯƠNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/11/11/11/232488/Default.aspx