Vàng anh – loài chim cổ tích

SGTT.VN - Vàng anh, hóa thân của nàng Tấm trong cổ tích, có tên khoa học là Oriolux xanthornus, thuộc bộ sẻ (Passeriformes). Thức ăn chủ yếu của chúng là côn trùng và hoa quả rừng. Ở nước ta, loài chim này tập trung nhiều nhất ở rừng miền Trung, miền Đông Nam bộ.

Chúng có tầm vóc nhỏ, lúc trưởng thành dài khoảng 15cm. Đặc điểm nổi bật của chim vàng anh là đầu đen, mỏ đỏ, mắt đỏ, chân nâu, toàn thân phủ màu vàng chanh, đuôi và vai cánh điểm màu đen trắng. Trong tự nhiên, tuổi thọ bình quân của chim vào khoảng mười năm. Lần đầu tiên tôi gặp chim vàng anh, thấy cũng như bao nhiêu loài chim khác, phải ba đến bốn năm sau mới hiểu được tính độc đáo, sự khác thường của loài chim này. Năm đầu tiên vào rừng, gần như tôi không chụp được bức ảnh nào. Vì con người săn bắt chúng nhiều quá nên chim thấy “nghệ sĩ” với máy ảnh to đùng, cứ tưởng là người đi săn! Nhưng năm tháng dần trôi, bằng lòng kiên nhẫn và nỗi đam mê của mình, tôi bắt đầu làm quen được với cô Tấm huyền thoại. Càng tiếp xúc với chim vàng anh càng hiểu chúng, càng khâm phục ông cha chúng ta, hàng ngàn năm trước đã hiểu chim vàng anh hơn hậu thế; đã hiểu và quý trọng thiên nhiên hơn chúng ta. Vàng anh có 16 giọng hót được phân khúc rất đặc sắc và hai giọng hót ru khi chúng nuôi con. Chúng có kiểu lót tổ nuôi con khá đặc biệt: tổ vàng anh được làm từ dây chùm roan – là cây gỗ nhỏ, lá lớn, vỏ mềm, bên trong vỏ là những sợi tơ bền chắc. Đồng bào dân tộc thường tước vỏ cây chùm roan bện làm dây nỏ để săn bắn thú rừng. Vàng anh thường đẻ ba trứng màu hồng nhạt. Khi vỏ trứng chuyển sang màu trắng là con sắp nở. Trong 17 ngày ấp trứng, cứ đều đặn khoảng 30 phút là chim mái trở mình đảo trứng một lần. Vàng anh ấp trứng đến ngày thứ 17 thì trứng bắt đầu nở. Vàng anh có đời sống tình cảm kỳ diệu, nuôi con đặc sắc, thân thiện khác thường. Có lẽ vì vậy mà từ ngàn xưa ông cha ta chọn chim vàng anh là hóa thân của cô Tấm trong cổ tích, hình ảnh đại diện cho cái đẹp, lòng nhân từ. Trong bộ phim Vàng Anh: loài chim huyền thoại, đoạt giải nhất tại liên hoan phim môi trường toàn quốc vào tháng 3.2008 tại Hà Nội, tôi có đề nghị đưa chim vàng anh vào Sách đỏ Việt Nam để chúng có cơ hội được pháp luật bảo vệ, bởi vì nguy cơ tuyệt chủng của chúng ở cấp độ E. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thấy ai làm điều đó cả, thời điểm tuyệt chủng của chúng chỉ còn là vấn đề thời gian! Tổ chim vàng anh. Chim vàng anh mới nở. Tổ vàng anh luôn làm cạnh đường đi ở trong rừng. Môi trường sống của chúng là rừng già và rừng thưa, nhưng nếu cánh rừng đó có những con đường thì bao giờ loài chim này cũng đến làm tổ cạnh đường. Chúng muốn gần với con người hơn chăng? Đó là điều mà con người không thể lý giải nổi! Điều khác biệt giữa vàng anh với các loài chim khác trong tự nhiên là chúng luôn tỏ thái độ thân thiện với con người. Vàng anh non chuyền cành theo quy tắc: trưởng thành trước thì đi trước, làm mục tiêu cho những chim non nhỏ hơn chuyền theo sau. Sau khi chuyền cành (lúc này vàng anh non vẫn chưa biết bay) chim bố, chim mẹ phải đi theo chăm sóc, mớm mồi bảo vệ chim non nhiều tháng sau đó.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/khoa-giao/134260/vang-anh-%e2%80%93-loai-chim-co-tich.html