Vẫn vướng mắc với “ma trận” văn bản pháp luật về thuế

Các doanh nghiệp vẫn than thở về “ma trận” văn bản pháp luật trong lĩnh vực thuế. Do đó, Hội thảo thường niên do EY tổ chức ngày hôm qua tại Hà Nội không ngoài mục tiêu cập nhật các văn bản pháp luật và đối thoại với cơ quan quản lý về thuế.

Một số quy định mới

Đối với thuế xuất nhập khẩu, đã tách biệt từng loại thuế. Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2005 quy định chung: “1. Hàng xuất khẩu: cụ thể cho từng mặt hàng tại Biểu thuế xuất khẩu; 2. Hàng nhập khẩu: gồm thuế suất ưu đãi, thuế suất ưu đãi đặc biệt và thuế suất thông thường”. Tuy nhiên, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 có hiệu lực từ 1/9/2016 đã quy định cụ thể: “1. Thuế theo tỷ lệ phần trăm: căn cứ vào trị giá tính thuế và thuế suất theo tỷ lệ phần trăm của từng mặt hàng tại thời điểm tính thuế; 2. Thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp; 3.Thuế đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng hạn ngạch thuế quan”.

Bên cạnh đó là thay đổi trong biểu thuế suất như bổ sung đối tượng áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt: hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam. Đồng thời, bổ sung các trường hợp miễn thuế: nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu; nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được, nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm…

Liên quan đến quản lý lao động nước ngoài, là nội dung được nhiều hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài trông đợi sửa đổi, đã có những thay đổi về cấp phép lao động. Cụ thể, Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 3/2/2016 sửa đổi một số mốc thời gian như: thời gian thẩm định và cấp phép là 7 ngày làm việc (trước đó là 10 ngày); thời hạn có thể nộp hồ sơ xin cấp gia hạn, có thể nộp trước 45 ngày kể từ ngày hết hạn (quy định cũ là 15 ngày). Liên quan đến lý lịch tư pháp, Nghị định 11/2016/NĐ-CP chỉ yêu cầu 1 trong 2 phiếu lý lịch tư pháp cấp tại Việt Nam hoặc cấp tại nước ngoài. Bên cạnh đó, Nghị định bổ sung quy định rút gọn hồ sơ yêu cầu đối với các trường hợp đặc biệt.

“Điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc sử dụng lao động nước ngoài cũng như lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam”, lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết.

Thực thi pháp luật về thuế gặp nhiều khó khăn

Phần đối thoại với cơ quan quản lý, không chỉ các doanh nghiệp mà cả lãnh đạo EY cũng đưa ra các câu hỏi cho thấy, công ty kiểm toán, tư vấn thuế gặp không ít vướng mắc với “ma trận” văn bản pháp luật khi tư vấn cho khách hàng. Chẳng hạn, đối với vấn đề doanh nghiệp thuê các công ty tư vấn, chi phí cho tư vấn thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài thì khoản chi phí này có tính vào phục vụ sản xuất - kinh doanh để được khấu trừ thuế khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp hay không? Câu trả lời từ đại diện các cơ quan quản lý có lẽ đã không thỏa mãn các doanh nghiệp khiến những trao đổi của từng nhóm tạo nên sự ồn ào trong hội trường.

Thậm chí, có ý kiến trình bày thẳng thắn về việc có những công văn phía trên căn cứ một đằng, ở dưới kết luận một nẻo. Về vấn đề này, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính chia sẻ: “Tất cả các công văn chỉ là hướng dẫn, còn chúng ta sống và làm việc phải theo quy định pháp luật. Nếu pháp luật chưa phù hợp hay triển khai chính sách có những vấn đề phát sinh trong cuộc sống thì sẽ nghiên cứu từ nhiều phía để sửa đổi, trình các cấp có thẩm quyền ban hành”.

Biết là vậy, nhưng “chờ được vạ thì má đã sưng”, đó là chia sẻ của không ít doanh nghiệp tại hội thảo.

“Sách trắng 2016: Các vấn đề về thương mại, đầu tư và kiến nghị” của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đánh giá, có nhiều bước tiến tích cực về luật pháp liên quan đến các văn bản pháp luật và quy định về thuế của Việt Nam, nhưng việc thực thi luật pháp trên thực tế gặp nhiều khó khăn. Tính hình thức thay vì chú trọng đến nội dung thực chất có thể thấy trong các yêu cầu về hồ sơ chứng từ mà những yêu cầu đó lại thường không được báo trước. Các đơn vị kiểm toán thuế khác nhau có thể yêu cầu những loại chứng từ khác nhau và những yêu cầu này có thể phức tạp đến mức rất khó tuân thủ.

“Chúng tôi hiểu rằng, các cơ quan thuế đã và đang tái phân bổ nguồn lực cho hoạt động kiểm toán thuế và điều tra, nhưng chúng tôi đề nghị phân bổ thêm nguồn lực để hỗ trợ việc nâng cao nhận thức và giải đáp thắc mắc về thuế cho người nộp thuế để họ có thể thực hiện đúng nghĩa vụ thuế của mình”, các doanh nghiệp châu Âu chia sẻ.

Nhuệ Mẫn

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/van-vuong-mac-voi-ma-tran-van-ban-phap-luat-ve-thue-167942.html