Vẫn quyết đưa dự án thép Cà Ná vào quy hoạch?

Trong số các dự án thép được Bộ Công Thương dự kiến đưa vào xây dựng, đầu tư mới và đầu tư mở rộng giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 có tên dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná ở Ninh Thuận.

Dự án thép Cà Ná do Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư.

Bộ Công Thương đang dự thảo Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.

“Thông điệp” được nhắc đến trong bản dự thảo này là phát triển hệ thống sản xuất thép Việt Nam gắn với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu.

Bộ Công Thương cũng chủ trương khuyến khích đầu tư các khu liên hợp thép ở ven biển, nơi có nhiều cảng nước sâu, quỹ đất còn nhiều và không ảnh hưởng đến an ninh lương thực; hạn chế phát triển ở khu vực đồng bằng, nơi đông dân cư và quỹ đất dành cho an ninh lương thực.

Đáng chú ý, trong danh mục các dự án trong quy hoạch ngành thép giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 có tên dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná của Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen.

Cụ thể, Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná ở Ninh Thuận do Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư được chia làm 5 giai đoạn.

Giai đoạn 1 có công suất thiết kế 3.000 tấn gang, sắt xốp/năm và 3.000 tấn phôi vuông/năm nhưng thời điểm thực hiện dự án này vẫn còn bỏ ngỏ. Giai đoạn 2 đến giai đoạn 5 được thực hiện từ năm 2022 đến năm 2031 cũng sản xuất 2 loại sản phẩm nói trên với công suất từ 3.000-3.500 tấn/năm tùy theo từng giai đoạn.

Trước đó, tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, có nhiều đại biểu quốc hội đã chất vấn ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ sung quy hoạch dự án thép Cà Ná.

Ông Trần Tuấn Anh đã khẳng định: “Tôi có thể dám khẳng định một cách công khai tại diễn đàn này, chúng ta không đánh đổi môi trường để lấy những dự án công nghiệp bằng mọi giá và cũng không có câu chuyện các dự án thép đưa ra đây để đánh đổi vấn đề về môi trường. Tôi cũng khẳng định không phải là vấn đề lợi ích nhóm. Tại sao lại là lợi ích nhóm ở đây nếu như chúng ta đang hướng tới phát triển một cách hài hòa và bền vững của các ngành kinh tế để đảm bảo được nguyên liệu cho các ngành công nghiệp quan trọng, khai thác một cách hợp lý và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Tuấn Anh, để đảm bảo cho việc đầu tư dự án này có hiệu quả và đảm bảo đặc biệt trên cơ sở bảo vệ được môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cho các bộ, ngành phải phối hợp, làm rõ với chủ đầu tư, với địa phương về tất cả các chi tiết, nội dung liên quan đến các báo cáo tiền khả thi cũng như báo cáo khả thi của dự án.

Tức là, tất cả những chi tiết liên quan đến công nghệ, liên quan đến thiết bị, liên quan đến phương án xử lý chất thải, rác thải, cũng như phương án bảo vệ môi trường, hiệu xuất của dự án, kể cả hiệu xuất của năng lượng sử dụng và hàng loạt các vấn đề khác sẽ được xem xét, thẩm định và phê duyệt, lúc đó dự án mới có hiệu quả, có hiệu quả về mặt pháp lý.

"Chính vì vậy, ở đây chúng tôi xin khẳng định các công tác liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, quản lý quy hoạch, thực hiện quy hoạch được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật với sự tham gia của các bộ, ngành", vị Bộ trưởng này nói.

Phan Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/van-quyet-dua-du-an-thep-ca-na-vao-quy-hoach.aspx