Vẫn nhiều tồn tại trong chỉ số giá xây dựng công trình

Theo nhiều chuyên gia, trong thời gian vừa qua, vấn đề chỉ số giá xây dựng công trình bộc lộ khá nhiều tồn tại...

Mục tiêu của việc áp dụng chỉ số giá xây dựng là tạo sự bình đẳng trong đấu thầu xây dựng và kiểm soát hiệu quả đầu tư từ công cụ dự báo giá. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai thực hiện các quy định của Nghị định 99, những vấn đề xung quanh chỉ số giá xây dựng vẫn còn rất nhiều tồn tại. Dự báo kém Trung tuần tháng 9/2010 vừa qua, hội thảo về “Chỉ số giá xây dựng trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình” đã được Bộ Xây dựng tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước. Việc làm này cho thấy sự quan tâm và tầm quan trọng đặc biệt của chỉ số giá trong quản lý đầu tư xây dựng. Chỉ số giá xây dựng được xác định theo nhóm công trình thuộc 5 loại: dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi và hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, trong thời gian vừa qua, vấn đề chỉ số giá xây dựng công trình bộc lộ khá nhiều tồn tại. Đầu tiên là việc chỉ số giá xây dựng được công bố chưa phản ánh được biến động giá xây dựng của tất cả các vùng, khu vực trong phạm vi cả nước. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong sử dụng đối với một số địa phương và chủ đầu tư có dự án thực hiện tại những khu vực chưa được công bố chỉ số giá. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư, nhà thầu còn lúng túng trong việc lựa chọn sử dụng các chỉ số giá được công bố cho phù hợp với thời gian, điều kiện cụ thể của dự án, gói thầu. Thực tế, bài học về khâu dự báo và công bố không tốt của các cơ quan chức năng vào cuối năm 2007 dẫn tới nguy cơ phá sản của nhiều nhà thầu xây dựng vì sự leo thang giá của VLXD. Đây là thời điểm bão giá lịch sử, giá VLXD tăng chóng mặt làm các nhà thầu, đặc biệt trong lĩnh vực XDCB giao thông lao đao. Theo đánh giá của Viện Kinh tế Xây dựng, Bộ Xây dựng, chỉ riêng sự thay đổi giá của 5 loại vật liệu chủ yếu là xi măng, thép xây dựng, đá, cát và gạch đã làm cho chi phí xây dựng tăng từ 1,25 - 1,4 lần. Cũng theo Bộ Xây dựng, sau 3 năm công bố chỉ số giá, các chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng đã vận dụng chỉ số giá xây dựng để điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng. Đặc biệt, hầu hết các dự án sử dụng nguồn vốn ODA đều có hướng dẫn sử dụng chỉ số giá xây dựng do Bộ Xây dựng công bố. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp xây dựng cho rằng, nguyên nhân quan trọng khiến các nhà thầu lúng túng, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản vào thời điểm giá nguyên vật liệu tăng cao là do khả năng dự báo kém của các cơ quan chức năng. Để có căn cứ xác định mức giá mới, chủ đầu tư thường dựa vào thông báo giá của cơ quan chức năng để ra quyết định cho phép điều chỉnh. Tuy nhiên, thực tế là thông báo giá của nhiều địa phương luôn không theo kịp những biến động của thị trường... Chỉ số phải sát với thực tế Theo TS.Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, các công trình xây dựng là kết quả cuối cùng của sự kết hợp các yếu tố tổng hợp, từ nguyên nhiên liệu, máy móc thiết bị, nhân công, đến thiết kế, tư vấn giám sát và quản lý kỹ thuật, tài chính. Do vậy, chỉ số xây dựng đóng vai trò như một trong những chỉ tiêu kinh tế tổng hợp quan trọng hàng đầu trong mọi nền kinh tế. Chính vì vậy, hoàn thiện chỉ số giá xây dựng để cung cấp một công cụ quản lý hữu hiệu hơn không chỉ cho các chủ đầu tư, các nhà thầu, cơ quan quản lý mà cho toàn xã hội. Cũng theo ông Ánh, tương tự như chỉ số CPI, chỉ số giá xây dựng phản ánh biến động giá trong một thời đoạn nhất định, có thể là hàng tháng, hàng quý, hàng năm. Vì vậy, khi xây dựng và tính toán chỉ số cần bổ sung khả năng dự báo biến động giá để cung cấp cho những đối tượng liên quan những thông tin dự báo cần thiết để doanh nghiệp đưa ra những hoạch định chính xác trong sản xuất kinh doanh. Còn theo ông Lâm Văn Hoàng, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA 2, chỉ số giá xây dựng cần phải được ban hành theo từng tháng mới có thể phản ánh sát với thực tế thị trường. “Trước mắt, nếu chỉ số giá xây dựng chưa phủ kín được các tỉnh thành thì Bộ Xây dựng cần đưa thêm hướng dẫn cách tính các chỉ số từ các khu vực trung tâm đến các tỉnh thành lân cận, đồng thời nghiên cứu và đưa ra phương pháp tính chỉ số từ trung tâm tỉnh, huyện đến chân công trình để các chủ đầu tư chủ động tính toán”- ông Hoàng chia sẻ. Đức Thắng

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/Desktop.aspx/Quan-ly/Chuyen-quan-ly/Van_nhieu_ton_tai_trong_chi_so_gia_xay_dung_cong_trinh/