Vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em: Cần sự chung tay của cả xã hội

Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, việc bảo vệ trẻ em tránh khỏi bạo lực và xâm hại vẫn luôn là một thách thức khó khăn. Những chênh lệch về điều kiện sống, những rạn vỡ trong gia đình và xói mòn những giá trị truyền thống đã dẫn tới nhiều trẻ em bị bỏ rơi, bị xao nhãng, bị lạm dụng và bị bóc lột ngày càng tăng.

Báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho thấy, trẻ bị xâm hại thường xảy ra ở nhiều địa phương có nhiều dân nhập cư, khu vực có đông người lao động, địa bàn vắng, thiếu sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ.

Trẻ bị xâm hại tình dục có nhiều nguyên nhân khác nhau, song nguyên nhân chính là do cha mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ thiếu nhận thức về nguy cơ, thiếu kỹ năng phòng ngừa.

Trước thực trạng và tình hình nêu trên, tại hội thảo phòng chống các tội xâm hại tình dục trẻ em tại TP Hồ Chí Minh vừa diễn ra gần đây, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng các địa phương cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến từng ban điều hành khu phố, tổ dân phố, từng gia đình về kiến thức nuôi dạy con cái, bảo vệ con và cách phòng tránh nguy cơ bị xâm hại, cách xử lý khi con bị xâm hại và cả trẻ em.

Giúp các em hiểu về các quyền cơ bản của trẻ em, bổn phận của trẻ, các kỹ năng sống để giúp các em tự bảo vệ mình. Vận động người dân tham gia phát hiện, tố giác các đối tượng có hành vi lạm dụng tình dục trẻ em. Cạnh đó, TP cần xây dựng và phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, bao gồm ban điều hành và nhóm công tác liên ngành bảo vệ trẻ em các cấp, văn phòng tư vấn trẻ em ở các quận huyện, trường học.

Đồng quan điểm với ý kiến trên, đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh cũng bổ sung thêm, về phía nhà trường cũng cần cải tiến phương pháp giảng dạy các tiết học giáo dục giới tính, lồng ghép kiến thức pháp luật về vấn đề này một cách sinh động, dễ hiểu, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, khuyến khích các em mạnh dạn đưa ra những câu hỏi, thắc mắc về giới tính để giáo viên giải đáp một cách chính thống. Đối với gia đình có vai trò rất quan trọng với trẻ, các thành viên trong gia đình có trách nhiệm chăm sóc, quản lý giáo dục các em chu đáo.

Qua hội thảo, VKS cho biết thời gian tới sẽ kiến nghị đến các cơ quan lập pháp cần bổ sung thêm tội quấy rối tình dục nói chung và quấy rối tình dục trẻ em nói riêng trong nhóm tội xâm hại tình dục, nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ phát triển thành những hành vi phạm vào các tội có tính chất nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng hơn.

Sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng quy định cụ thể về vấn đề ẩn danh đối với bị hại và cho phép cơ quan điều tra được phép tiến hành một số hoạt động nghiệp vụ đặc thù riêng để thu thập chứng cứ chứng cứ chứng minh đối với các tội xâm phạm tình dục.

Trong khi đó, chia sẻ kinh nghiệm về công tác bảo vệ trẻ, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, Hội đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết cho từng cán bộ Hội, tuyên truyền viên và báo cáo viên cơ sở về các kiến thức, kỹ năng truyền thông về phòng chống nạn xâm hại tình dục trẻ em, bảo vệ trẻ em. Hội thường xuyên nắm thông tin, theo dõi và hỗ trợ các trường hợp trẻ bị xâm hại, tăng cường công tác phối hợp với các đoàn thể, quần chúng và cộng đồng dân cư để nâng cao nhận thức về vấn đề xâm hại, bạo lực trẻ em.

Với mô hình Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, thời gian qua, Hội đã tiếp nhận và hỗ trợ 1.121 phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của nạn buôn bán người và bị xâm hại tình dục.

Trong số đó, có 830 trường hợp chuyển tuyến, 291 trường hợp ở lại trung tâm để nhận các dịch vụ hỗ trợ, trong số này có 142 em trẻ em bị xâm hại tình dục và 26 trẻ bị buôn bán.

Hầu hết các nạn nhân đến với trung tâm trong tình trạng bất ổn tâm lý hoặc bị tổn thương sức khỏe, thiếu tự tin, lo sợ... nhưng với tất cả trách nhiệm và tấm lòng, các cán bộ xã hội đã tập trung chăm sóc sức khỏe ban đầu, từng bước ổn định tâm lý. Đối với những nạn nhân bị tổn thương nghiêm trọng về sức khỏe thì trung tâm sẽ chuyển đến bệnh viện để chăm sóc và điều trị.

Sau khi nạn nhân phục hồi sức khỏe, ổn định tâm lý, tiếp đến Hội sẽ có những hoạt động can thiệp hỗ trợ trẻ như tư vấn, trợ giúp pháp lý, hướng nghiệp dạy nghề và hỗ trợ trẻ tái hòa nhập cộng đồng.

Đặc biệt, thông qua mô hình Tổ trợ giúp pháp lý miễn phí, Hội đã phối hợp với các luật sư tham gia bào chữa miễn phí cho các trẻ bị xâm hại, phối hợp với Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tây Ninh tham gia bảo vệ cho 4 nạn nhân là trẻ em bị buôn bán sang Malaysia. Các đối tượng trong vụ án này sau đó phải lãnh án tù và bồi thường cho các bị hại 250 triệu đồng.

A.Huy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/bai-cuoi-can-su-chung-tay-cua-ca-xa-hoi-413862/