Văn minh cổ vật Chămpa nhìn từ bộ sưu tập quý hiếm tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Ngày 3-11, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức tọa đàm chuyên đề "Văn minh cổ vật Chămpa nhìn từ sưu tập Khu cổ vật Chămpa tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế". Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, vua Khải Định cho thành lập Kho Chàm (tức Khu cổ vật Chămpa) tại Museé Khai Dinh để trưng bày các cổ vật do Viện Viễn Đông Bác cổ sưu tầm vào tháng 12-1927, hoạt động trưng bày cho đến năm 1945 thì bị đóng cửa. Hiện, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang quản lý các cổ vật Chămpa (hay còn gọi là Kho Chàm) tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, số 3-Lê Trực, thành phố Huế. Tại đây, còn lưu giữ khoảng 88 cổ vật Chămpa rất quý hiếm gắn liền sự hình thành Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế dưới thời vua Khải Định. Phần lớn trong số này là tượng, đều là hiện vật gốc giá trị mỹ thuật rất cao, nhiều tượng có niên đại sớm, từ thế kỷ thứ 8, một số tượng tương đương phong cách Mỹ Sơn E1...

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Huế Trần Kỳ Phương: Những cổ vật Chămpa này được sưu tầm tại vùng Châu Ô, Châu Lý ngày xưa, và một ít được mang ra từ Trà Kiệu trong những cuộc khai quật khảo cổ học... Những cổ vật này từng được các nhà nghiên cứu văn hóa trong nước đánh giá là những di sản văn hóa quý hiếm của vùng Viễn Đông và của thế giới. Ngoài ra, nhiều tổ chức, nhà sưu tập tại Huế cũng đang sở hữu hàng vạn hiện vật thời kỳ Sa Huỳnh và Chămpa trước thế kỷ XIV vừa phát lộ trên đất hoặc người dân trục vớt được từ đáy các dòng sông quanh Huế trong thời gian qua. Đây là những bằng chứng phản ánh cuộc sống văn minh - văn hóa, trình độ sản xuất... của dân cư bản địa trên mảnh đất Thừa Thiên - Huế xưa.

Trưng bày cổ vật Chămpa tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Trưng bày cổ vật Chămpa tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Theo Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, văn hóa Sa Huỳnh - giai đoạn khảo cổ học được xem là tiền sơ sử của văn hóa Chămpa - phát lộ tại Thừa Thiên - Huế trong thời gian gần đây đã cho thấy từng phát triển rất rực rỡ trên mảnh đất này. Điều đó được khẳng định bằng các kết quả khai quật khảo cổ học các di tích như cồn Ràng, cồn Dài (Hương Trà)... với hàng trăm mộ chum nằm dày đặc, đủ cỡ, nhiều hình dáng và hàng ngàn đơn vị hiện vật tùy táng, nhiều hiện vật rất tiêu biểu và đặc trưng như: khuyên tai hai đầu thú, dọi chỉ (dùng để khâu vá hoặc dệt vải), chuỗi hạt mã não, hạt thủy tinh, tên đồng, các dụng cụ bằng kim loại và vật dụng sinh hoạt bằng gốm... Dự tính, sau buổi tọa đàm này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ cho mở cửa lại Khu cổ vật Chămpa nhằm mang đến những điều rất thú vị và giá trị về cổ vật Chămpa trên đất Huế cho du khách thưởng thức, chiêm ngưỡng vào ngày 23-11, sau thời gian đóng cửa vào năm 1945.

Quốc Việt

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_157128_van-minh-co-va-t-champa-nhi-n-tu-bo-suu-ta-p-quy-h.aspx