Vẫn khó truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP Hồ Chí Minh, hiện sản lượng nông sản thực phẩm trên địa bàn đáp ứng chưa tới 30% nhu cầu của người dân. 70% sản lượng còn lại phải nhập từ các tỉnh hoặc nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau đã đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý của các đơn vị chức năng, nhất là việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Nông sản - chỉ quản lý bao bì

Là một trong ba chợ đầu mối lớn của thành phố, mỗi ngày chợ đầu mối nông sản Thủ Đức tiếp nhận từ 3 nghìn đến 3,5 nghìn tấn rau quả, trái cây. Vào những ngày cao điểm lễ, Tết, sản lượng tăng lên gần 7 nghìn tấn. Trong đó, 70% đến 80% sản lượng rau quả và trái cây về chợ có nguồn gốc từ các trang trại, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của các tỉnh, thành phố trong cả nước, 20% đến 30% còn lại chủ yếu là hàng nhập khẩu. Phó Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức Nguyễn Thanh Hà cho biết: “Hàng hóa đến chợ, chỉ quản lý thông qua bao bì, nhãn hiệu, còn bên trong không thể biết được. Nhiều mặt hàng phân biệt chỉ bằng… kinh nghiệm!”. Thực tế này cũng diễn ra tại chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn với sản lượng nông sản thực phẩm về hai chợ khoảng 3 nghìn tấn/ngày.

Lý giải khó khăn trong công tác quản lý nguồn gốc nông sản thực phẩm, lãnh đạo Ban quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền cho rằng, hiện lực lượng của ba Chi cục chức năng về an toàn thực phẩm của thành phố quá mỏng cho nên việc hỗ trợ Ban quản lý trong việc kiểm tra, xử lý hàng hóa vi phạm gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ lấy mẫu kiểm tra thực tế tại chợ rất hạn chế so với tổng số 2.400 tấn hàng hóa về chợ mỗi đêm. Ngoài ra, việc tạm giữ lô hàng để chờ kết quả kiểm tra chính thức (đối với mặt hàng rau củ quả, thịt) thường kéo dài từ hai đến bốn ngày. Trong trường hợp kết quả kiểm tra không vi phạm, hàng hóa lưu kho bị giảm chất lượng, hư hỏng thì chính cơ quan kiểm tra phải chịu trách nhiệm. Điều này gây áp lực và tâm lý e ngại cho chính đơn vị kiểm tra, quản lý nhà nước. Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Thị Kim Cúc cho biết, hầu hết các chợ đầu mối đều không có giấy chứng nhận lô hàng nhập vào đối với mặt hàng nông sản, mà chỉ có đối với mặt hàng thịt heo, đây là hạn chế không nhỏ đối với lực lượng kiểm tra về xuất xứ sản phẩm.

Hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ đứng ngoài cuộc

Nhằm trả lại sự công bằng cho các trang trại, doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng đối với mặt hàng thịt heo, Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo được Sở Công thương thành phố chủ trì triển khai thực hiện từ tháng 12-2016. TP Hồ Chí Minh được xem là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện đề án này, thể hiện sự quyết tâm của chính quyền trong việc bảo đảm bữa ăn an toàn đến từng hộ gia đình. Tuy nhiên, theo nhận định của Sở Công thương, bên cạnh sự thuận lợi là đề án được triển khai tại các kênh phân phối hiện đại có hoạt động chăn nuôi, giết mổ và cung cấp thịt heo vào hệ thống đã được chuẩn hóa, thì phần lớn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đăng ký tham gia đề án, chưa có thói quen sử dụng và tiếp cận thiết bị công nghệ thông tin hiện đại. Do đó, việc thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc ứng dụng công nghệ thông tin gặp nhiều khó khăn. Một hạn chế khác cũng được lãnh đạo Sở Công thương chia sẻ, Đề án cần có sự phối hợp, hỗ trợ của Sở NN - PTNT và Chi cục Thú y các tỉnh. Thế nhưng các tỉnh, thành phố vẫn chưa tích cực phối hợp, chưa coi đó là việc của địa phương mình, dẫn đến khâu chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển không được kết nối, việc truy xuất nguồn gốc bị gián đoạn. Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Huỳnh Thị Kim Cúc cho biết: Công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) giữa các tỉnh chưa đồng bộ và chặt chẽ. Mặt khác, chưa có quy định về giấy chứng nhận ATTP cho nên khó phát hiện xử lý và truy xuất nguồn gốc thực phẩm không an toàn.

Báo cáo tại buổi giám sát mới đây của HĐND thành phố về việc thực hiện chính sách, pháp luật về vệ sinh ATTP, lãnh đạo Sở NN - PTNT cho biết: Đã có thể giám sát hơn 70% nguồn sản phẩm từ các tỉnh đưa về tiêu thụ tại thành phố. Chưa thể yên tâm với tỷ lệ mà Sở NN-PTNT đưa ra, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố, Thi Thị Tuyết Nhung băn khoăn: Nếu nói 30% nguồn sản phẩm mà người dân tiêu thụ mỗi ngày chưa được giám sát, xác định nguồn gốc thì quả là điều đáng lo. Bởi thực tế, mỗi ngày người dân thành phố tiêu thụ một nghìn đến 1,2 nghìn tấn thịt, hơn 460 tấn thủy sản và 3 nghìn tấn rau củ. Đồng chí Thi Thị Tuyết Nhung đề nghị Sở NN - PTNT với vai trò quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm, cần làm tốt hơn nữa việc phối hợp với các cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý để mang lại kết quả thực chất hơn, bảo đảm kiểm soát được 100% lượng thực phẩm cung ứng ra thị trường.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/tin-chung/item/32436202-van-kho-truy-xuat-nguon-goc-thuc-pham.html