Văn hóa - Xã hội: Chuyện về một bác sĩ muốn 'truyền bệnh' cho lớp kế cận

Nghe câu nói đó, nhiều người thoáng giật mình bởi thật vô lý khi thấy bác sĩ mà lại có ý truyền bệnh cho người khác. Nhưng tìm hiểu kỹ ra mới thấy, đó là tâm huyết, là ước muốn lớn nhất của bác sĩ cao cấp - PGS.TS. Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm bộ môn tâm thần Bệnh viện 103 thuộc Học viện Quân y, người đang mong muốn chuyển giao toàn bộ kiến thức cho những người tiếp bước trên con đường chống lại bệnh tâm thần.

Cả đời gắn chặt với bệnh nhân tâm thần

PGS.TS. Cao Tiến Đức là một trong số ít những bác sĩ đã đi hết cả thời gian công tác của mình cùng những bệnh nhân tâm thần. Gần 35 năm qua, từ một thanh niên trẻ trung, dám xông pha khắp mọi nơi, chữa bệnh cho mọi đối tượng, đến khi trở thành một bác sĩ tóc đã hoa râm, đủ độ chững chạc về chuyên môn như hiện nay, không bao giờ “ngọn lửa” tâm huyết trong ông ngừng cháy.

BS. Cao Tiến Đức (phải) hướng dẫn các học viên việc thăm khám, nắm bắt thông tin về bệnh tâm thần.

Ảnh: ĐỨC MINH.

Hằng ngày, có mặt tại BV từ 6h sáng, ông thăm khám một lượt các bệnh nhân, hỏi thăm bệnh tình kỹ càng cho từng người rồi mới đưa ra quyết định điều chỉnh phương án trị bệnh (nếu cần). Không chỉ vậy, những lời động viên, chỉ bảo ân cần của ông giúp cho bệnh nhân và cả người nhà bệnh nhân yên tâm điều trị. Anh NQT, một người nhà bệnh nhân H.Y. đang điều trị chứng bệnh tâm thần ở đây cho biết, nhờ bác sĩ Đức mà người nhà anh đã thuyên giảm phần lớn bệnh tình và rất hy vọng sẽ khỏi bệnh để tiếp tục công tác. Rời phòng bệnh, bác sĩ Đức còn phải tiếp đón hàng chục lượt bệnh nhân và người nhà của họ đến hỏi kỹ hơn về những căn bệnh mà họ đang phải chung sống. Điều đặc biệt là hầu hết những người bước vào phòng làm việc của bác sĩ Đức với tâm trạng đầy lo âu, nhưng khi quay ra đều thấy họ nhẹ nhõm và có niềm tin hơn. Không chỉ ban ngày, kể cả buổi tối, thậm chí nửa đêm cũng có người tìm đến nhà riêng hoặc gọi điện thoại để được nghe lời khuyên bảo chí tình của bác sĩ về bệnh tình của họ. Tính ra đến nay, mỗi năm bác sĩ Đức trực tiếp điều trị hiệu quả cho vài trăm bệnh nhân, tham gia điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân tâm thần.

Người thầy đồ sộ về kiến thức tâm thần

Hiện mỗi ngày có vài chục học viên đến khoa tâm thần học trực tiếp tại đây. Và bác sĩ Đức là một trong những giảng viên quan trọng nhất, cung cấp nhiều kiến thức nhất cho lực lượng kế cận. Một nữ học viên đang học năm thứ ba tại học viện quân y cho biết, những giờ học của bác sĩ Đức luôn đầy ắp kiến thức, nhất là những kinh nghiệm để khai thác, nắm bắt đúng thông tin về bệnh để có phác đồ điều trị đúng đắn nhất. Cũng theo nữ học viên này, đây là điều không hề đơn giản bởi hầu hết người bệnh tâm thần đều tìm cách giấu bệnh. “Chúng tôi học được rất nhiều không chỉ trên lớp mà nhất là ở những lúc bác Đức thăm khám bệnh nhân. Nhiều thủ thuật không có trong sách giáo khoa hay các loại tài liệu đã được bác sĩ truyền cho chúng tôi ngay trong những lúc chữa bệnh trực tiếp. Bất cứ lúc nào chúng tôi muốn học hỏi, thầy Đức đều tận tình chỉ bảo…” - một học viên quân y khác tâm sự.

Bác sĩ Đức từng nhiều lần khẳng định rằng, việc ông quyết tâm gắn bó, theo nghề chữa trị cho những bệnh nhân tâm thần trước hết xuất phát từ tình thương, từ sự sẵn sàng chia sẻ với nhiều số phận thật đáng thương. Vì thế, mỗi khi lên lớp, ông không chỉ cố gắng truyền đạt những kiến thức chuyên ngành cho học viên, mà còn cố gắng truyền cho họ lòng yêu nghề, tình thương và sự tôn trọng với người bệnh. Do vậy, cũng theo bác sĩ Đức, các bác sĩ và nhân viên y tế đều phải tự nguyện theo nghề và nguyện gắn bó máu thịt với nghề này thì mới thực sự giúp ích nhiều cho bệnh nhân, cho cộng đồng.

Còn đó những tâm tư

Theo PGS.TS. Cao Tiến Đức, hiện nay bệnh tâm thần khá phổ biến trên thế giới, ở nhiều nước tỉ lệ người có vấn đề về sức khỏe tâm thần chiếm tới 50% dân số và tỉ lệ bác sĩ chuyên khoa tâm thần khoảng 30 bác sĩ/100.000 dân. Ở Việt Nam, mặc dù được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ y tế theo chuyên ngành này, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Theo điều tra của ngành tâm thần học, tỉ lệ số người mắc bệnh tâm thần chiếm khoảng 14,2 - 14,8% dân số. Nhiều người bị mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần nhưng không thừa nhận và gia đình họ cũng không thừa nhận. Nguyên nhân là do nhận thức chưa đầy đủ, đổ lỗi do ma quỷ gây ra; có khi biết bệnh nhưng sợ bị mang tiếng xấu, sợ không xin được việc làm, sợ khó lấy vợ, lấy chồng… nên không khai báo đúng bệnh hoặc không dành thời gian điều trị, khiến bệnh ngày càng trầm trọng thêm. Ở nước ta, tỉ lệ thầy thuốc tâm thần mới đạt khoảng 1/100.000 dân, quá thiếu so với số người mắc bệnh hiện nay. Nhiều thầy thuốc vì nhiều lý do nên chưa tha thiết với nghề, còn tâm lý sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên không muốn gắn bó với nghề có hai chữ “tâm thần”. Cũng theo bác sĩ Đức, cơ sở vật chất, thuốc men phục vụ việc chữa trị bệnh tâm thần đều còn thiếu. Hiện cả nước mới có 2 BV tuyến trung ương, 36 BV tuyến tỉnh, nhiều tỉnh chưa có BV tâm thần là điều đáng lo với thực tế số bệnh nhân tâm thần ngày càng tăng như những năm qua. Các trường đại học y ở ta đã chú trọng việc giảng dạy chuyên ngành tâm thần nhưng chưa đủ. Nhiều nước khác thời lượng học chuyên ngành tâm thần là 6 tuần, hầu hết học 4 tuần; nhưng Việt Nam chỉ có 2 tuần học chuyên ngành tâm thần cho sinh viên y khoa - quá ít để đảm bảo đủ kiến thức điều trị loại bệnh đang ngày một phổ biến.

Ngoài trực tiếp điều trị, tham gia điều trị, PGS.TS. Cao Tiến Đức còn tham gia giảng dạy, đào tạo kiến thức tâm thần cho hàng vạn học viên, đào tạo hơn 10 TS, hơn 50 NCS và vài trăm bác sĩ CKI. Đó là những nỗ lực của bác sĩ Đức trong việc để lại “di sản” cho thế hệ kế cận tiếp nối sự nghiệp góp phần làm giảm thiểu số người bị bệnh tâm thần cho dân ta. Nhưng trong tâm ông vẫn còn đó nỗi lo cho giai đoạn sau, khi mà diễn biến loại bệnh này trở nên khó lường hơn.

PHẠM CHÍ

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/van-hoa-xa-hoi-chuyen-ve-mot-bac-si-muon-truyen-benh-cho-lop-ke-can-627815.bld