Văn hóa ứng xử trong lễ hội

Ngày 26/10, tại Phú Thọ, Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VHTT&DL) đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Văn hóa ứng xử trong lễ hội”. Tại đây các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa… đã tập trung đánh giá sự thiếu ý thức ở một bộ phận không nhỏ người dân và du khách khi tham gia lễ hội.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng bàn đến ý thức, trách nhiệm của chính quyền địa phương, các nhà tổ chức lễ hội. Trong đó là câu chuyện “đổ lỗi” cho các nguyên nhân khách quan, như: không gian lễ hội chật hẹp, lượng người tham gia lễ hội đông vượt quá khả năng đáp ứng của các di tích và lực lượng phục vụ…

Với vấn đề này, theo nhiều ý kiến chung thì nếu BTC kịp thời rút kinh nghiệm từ nhiều năm tổ chức để có kế hoạch, các phương án tổ chức một cách linh hoạt thì chắc chắc những hiện tượng tiêu cực, phản văn hóa nêu trên sẽ từng bước giảm đi, và cuối cùng sẽ giải quyết được dứt điểm.

Nhưng trong nhiều năm qua, nhiều nơi vẫn để cho các hiện tượng tiêu cực diễn ra trong lễ hội, hiện tượng chèo kéo khách, đổi tiền lẻ một cách công khai ngay trong khu vực tổ chức lễ hội; hiện tượng ăn xin, ăn mày, mua bán thực phẩm tươi sống, động vật hoang dã trong không gian lễ hội vẫn còn phổ biến ở nhiều nơi, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan môi trường tự nhiên, không gian di tích, tạo nên một hình ảnh nhếch nhác, thiếu văn minh trong lễ hội.

Bên cạnh đó, một nguyên do dẫn đến những ảnh hưởng trong ứng xử với lễ hội là việc sưu tầm, tìm hiểu, nghiên cứu khoa học về các di tích, lễ hội chưa sâu dẫn đến việc phục dựng có nơi tùy tiện, không đúng với bản chất của lễ hội. Ở nhiều lễ hội, việc tuyên truyền, giới thiệu về di tích, lễ hội còn mang tính hình thức, đơn điệu, nặng về biểu diễn nghệ thuật quần chúng, chưa có các hình thức tổ chức hấp dẫn để du khách hiểu về các giá trị lịch sử văn hóa của di tích, công trạng của nhân vật thờ tự và ý nghĩa của lễ hội cũng như cách thực hành nghi lễ, dâng lễ vật đảm bảo tính trang nghiêm, thành kính.

Thế nên xảy ra hiện tượng “mạnh ai nấy làm”, tiếng loa của BTC, tiếng loa của người khấn thuê khấn mướn, tiếng loa của các dịch vụ mua bán đồ lễ, sản vật của địa phương… tạo ra một thứ âm thanh hỗn độn, làm biến dạng cả không gian, không khí trang nghiêm cần có của lễ hội…

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/van-hoa-ung-xu-trong-le-hoi/130465