Văn hóa 'tuổi vàng'

Trong sinh hoạt đời thường có những loại giao dịch không chỉ cần đến uy tín, thương hiệu, lương tâm, trung thực mà cũng rất cần đến phương tiện cân, đong, đo, đếm để kiểm tra, xác định chất lượng.

Những loại giao dịch này không chỉ thuần về mặt kinh doanh, mua bán, trao đổi mang tính thị trường mà còn mang tính văn hóa. Người biết giữ uy tín, thương hiệu, trung thực trong giao dịch mua bán, làm ăn nói chung là kinh doanh, dù sự việc nhỏ hay lớn, sản phẩm tầm thường như bó rau, con cá, miếng thịt hay một loại hàng hóa cao cấp như nữ trang vàng bạc, đá quý… là người có văn hóa dù đứng trong một cửa hàng vàng sang trọng, choáng ngợp màu sắc hay ngồi trước cửa chợ bán mớ rau, mẹt cá giá trị văn hóa cũng như nhau.

Nhưng trong thực tế, người đi chợ mua bó rau, ký cá, cân thịt, trái cây… thậm chí đổ 1 lít xăng vẫn bị người bán “ăn gian” không nhiều thì ít bằng chính các phương tiện cân, đong, đo, đếm thấy sờ sờ trước mắt. Đó là gian lận trong kinh doanh, là vi phạm pháp luật, diễn ra thường ngày, mọi lúc mọi nơi, kéo dài năm này qua năm khác, đời này qua đời khác, ai cũng biết, cơ quan quản lý thị trường càng biết rất rõ nhưng việc xử lý thường không đi đến đâu. Người tiêu dùng bị lừa gạt, gian lận có khiếu kiện cũng mệt mỏi, có khi phải chửi nhau với người bán rồi mang vạ vào thân. Cuối cùng đành phải cam chịu, chấp nhận sự gian lận trong mua bán như là một “tập quán” của giao dịch đời thường, “tập quán gian lận” mà một xã hội văn minh, con người có văn hóa không bao giờ chấp nhận được. Việc này đối với nhiều nơi hoàn toàn xa lạ, nhưng ở ta không xảy ra mới là chuyện lạ.

Tuy nhiên, việc gian lận trong bó rau, con cá, miếng thịt, ký trái cây, đong thiếu xăng vẫn còn nhận biết được và cơ quan quản lý thỉnh thoảng cũng có lên tiếng thể hiện trách nhiệm của mình. Nhưng có một loại giao dịch cao cấp hơn, giá trị gấp nhiều lần hơn là giao dịch vàng thì lại hoàn toàn buông lỏng quản lý, người mua vàng nữ trang biết mình mua vàng không đúng tuổi, tức là kém chất lượng, bị cửa hàng vàng gạt, gian lận không biết kêu ai vì không có cơ quan nào đứng ra phân xử. Vấn đề lớn này, lạ lùng thay đã kéo dài không biết từ bao giờ cho đến bây giờ, vẫn diễn ra công khai, chẳng cần phải lén lút. Thật vậy, người mua vàng nữ trang chỉ biết tin vào “uy tín” của cửa hàng vàng và những gì họ ghi trong hóa đơn bán.

Nhưng thực tế, vàng 18k lẽ ra phải có hàm lượng vàng chiếm 70%-75% gọi là vàng 7 tuổi - 7,5 tuổi, thế nhưng chẳng bao giờ có món nữ trang nào đúng tuổi mà hàm lượng vàng luôn thiếu, chỉ ở mức 68%, 65%, thậm chí chỉ có 51%, nhưng hiện nay phổ biến là 61%. Cá biệt có nhiều cửa hàng vàng gian lận đến mức kinh hoàng, vàng nữ trang họ đóng dấu 18k nhưng thực tế hàm lượng vàng chỉ có 41% hoặc 25%. Đối với vàng trắng còn khó biết hơn và thường bị ăn gian nhiều hơn nữa, vàng trắng đóng dấu 14k, lẽ ra hàm lượng vàng là 58,3%, nhưng thực tế thấp hơn nhiều. Điều này đã chứng minh rằng tại sao người mua vàng nữ trang ở cửa hàng này, nếu đem bán ở cửa hàng khác luôn luôn cân lại sẽ thiếu và hàm lượng vàng thấp, bị mua giá rẻ có khi không mua. Do đó người mua vàng phải giữ hóa đơn của cửa hàng mình mua, khi bán cũng đem đến chính cửa hàng ấy bán kèm với hóa đơn để họ không thể cãi về tuổi vàng, còn khi cân lại người mua (bây giờ thành người bán) sẽ bị chính cửa hàng trừ trọng lượng, vì họ lý luận rằng trong quá trình đeo, vàng đã bị… hao mòn.

Vàng nữ trang mua rồi bán lại đã bị trừ vàng, lỗ tiền công, người mua chỉ còn biết ngậm bồ hòn làm ngọt chứ làm sao cãi lại người của cửa hàng, họ vẫn cân cho mình thấy đấy, nhưng cái cân của họ thì trời mới biết đúng hay sai, non hay già? Tại sao vậy? Do Việt Nam chưa ban hành được “Bộ tiêu chuẩn thống nhất về vàng trang sức” nên các cơ quan quản lý lĩnh vực này không biết dựa vào đâu để xử phạt hành vi gian lận tuổi vàng. Thực trạng này xảy ra còn do trước đây việc kinh doanh vàng trang sức do ngân hàng nhà nước nắm, từ khi ngân hàng nhà nước “buông” thì thị trường vàng trang sức rơi vào tình trạng thả lỏng, không thuộc cơ quan nào quản lý. Do đó các doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức tha hồ gian lận mà không bị ai xử lý và thực tế từ lâu nay chưa từng xử lý một vụ gian lận nào thuộc lãnh vực này. Một điều không thể ngờ, không thể tưởng tượng được lại tồn tại trong xã hội ta. Với mức tiêu thụ vàng trang sức ở ta 20 tấn/năm, chỉ riêng trên địa bàn TP.HCM đã có 3.000 công ty kinh doanh vàng, cứ tính nhẩm thôi đã thấy người tiêu dùng đã bị “móc túi” một số tiền khổng lồ từ việc gian lận vàng trang sức của các cửa hàng, cửa hiệu, công ty kinh doanh vàng là như thế nào. Vì vậy, nhà nước nên sớm chấn chỉnh lại việc này, chính là đưa một loại giao dịch cao cấp của xã hội về giá trị văn hóa của nó. Văn hóa “Tuổi vàng”.

Từ Kế Tường

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/van-hoa-tuoi-vang-43229.html