'Văn hóa' từ chức!

Diễn đàn Quốc hội trong những ngày chất vấn và trả lời chất vấn thu hút sự chú ý của dư luận cử tri cả nước, không chỉ những vấn đề về kinh tế - xã hội nóng bỏng, mà còn là chuyện “văn hóa” từ chức!

Ảnh minh họa

Mới hay, chuyện chức quyền đang gây nhiều bàn luận, khi những nhức nhối trong một bộ phận không nhỏ đảng viên có quyền đang thao túng khuynh đảo đất nước bằng chính quyền uy. Dư luận nói nhiều đến chạy chức quyền, chuyện “ký tá” vội trước khi “hạ cánh”. Thôi thì “đôn ghế” trao quyền cho người nhà thân hữu. Thôi thì chuyện chồng xếp ghế cho vợ, bố đặt ghế cho con trai, anh lo ghế cho em… Nhưng lạ một điều, toàn như “bế bổng” nhau lên để hưởng “lộc giời” từ chức quyền đem lại.

Ở đời đã ham hố cái gì thì như bất chấp. Quyền chức ghế nọ ghế kia nhiều khi còn có sức như “ma lực” khó ai ngờ. Dư luận đã nói đến ngôn từ “nghiện chức sắc”!

Thế nên đó đây người non nghiệp vụ, tâm kém tài non vẫn cứ mơ làm lãnh đạo. Chạy như “việt dã” về chức quyền, cũng bởi vì thế chăng? Đền Trần - Nam Định năm nào cũng xéo lên nhau cướp ấn, tranh ấn, rồi cả chuyện ai đó xì xụp khấn vái mong “đức Thánh Trần” phù hộ ban phát cho quyền nọ chức kia cũng đều có cả.

Các DN giờ cứ kêu khổ vì ngày lo sản xuất kinh doanh, hết giờ hành chính là tối ngày lo đi quan hệ. Nhìn thẳng người chả làm DN cũng chả thiếu những cuộc đua chạy chọt ghế nọ ghế kia ở các bộ ngành cho đến tỉnh thành, quận huyện, phường xã. Chính “ba cái trò” chạy chọt vô lối trớ trêu này là “đất sống” cho một bộ phận thoái hóa, vụ lợi, kết bè kéo cánh “đánh đu” vào.

Công tác tổ chức cán bộ ở đâu không tỉnh táo, không soi xét kỹ, không nâng lên đặt xuống, mà có chút nể nang chi đó, là lũ cơ hội “chui lọt” như chơi? Chạy được ghế này lại “mơ” chạy tiếp ghế khác, mua được ghế này lại “ước” ghế kia cao hơn. Thành ra, việc chung chả mấy lo, chỉ thấy thu vén cá nhân và vụ lợi. Tất nhiên quà cáp phong bao bỏ ra để “chạy”, khi có ghế, có quyền là tìm cách “biến báo” xà xẻo để thu về. Tham nhũng là ở đây, sai phạm trong quản lý nhà đất, bạc tiền lớn cũng là ở đây? Tinh quái ranh ma, những đường “pan” chạy chức quyền càng lắt léo các cơ quan thanh tra kiểm tra rất khó phát hiện, khó nhìn ra. Ấy là chưa kể lại có cả dù ô che chắn thì “vỏ bọc” còn kín cạnh hơn nhiều!

Một bộ phận tha hóa không nhỏ mà Đảng ta nói đến khi ẩn lúc hiện, ngụy trang bằng đủ cách đủ trò là đó. Khi chúng mềm dẻo “nhũn nhặn như con chi chi”, nhưng cũng có lúc chúng cũng “giương oai, giương uy, khoe võ” đủ trò(?)

Chỉ thẳng tất cả những mánh mung của một bộ phận mà đất nước gọi thẳng tên là “giặc nội xâm” như thế, mới thấy cuộc chiến chống tham nhũng lộng quyền, thao túng quyền lực chúng ta phải quyết liệt hơn, nhưng cũng phải cả tỉnh táo, kiên trì.

Câu hỏi đặt ra khi đã khắc họa chân dung của tham nhũng, của thao túng quyền uy, phải làm gì để loại nhanh những “nhân vật” này ra khỏi đội ngũ các cơ quan công quyền, vì số này có xứng với “công bộc” đâu?

Đừng hy vọng một bộ phận không nhỏ này có “văn hóa” từ chức, tự nguyện từ chức, trừ khi bị pháp luật “sờ gáy”. Có phải vì thế, mà chuyện tự nguyện từ chức càng như quá hiếm hoi. Cả chuyện đất nước vừa cách chức đảng một bộ trưởng khi không còn chức như một chuyện hy hữu bây giờ mới có.

Đã đến lúc phải “soi” lại thể chế, cơ chế, quy trình, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, đào tạo trong công tác cán bộ. Liệu quy trình có gì còn hở chăng? Càng thấy, bộ máy nặng nề, công chức quá đông, nói tinh giản mà vẫn như quá khó. Bởi khi đã có ghế, không ai chịu rời ra, cho dù năng lực kém non. Ấy là chả thiếu chuyện người kém tài, non tâm, còn “ôm” nặng tính đố kỵ, ghen ghét với những người tài năng đức độ.

Bộ Nội vụ hãy rà soát lại chuyện một thời các bộ ngành thừa cấp thứ trưởng, giờ ra sao, đã siết chặt chưa? Lại nghe những cái ghế vụ phó, cục phó, viện phó ngành này bộ kia bổ nhiệm thừa ra cũng chả ít đâu.

Đề bạt trao quyền đã khó, nhưng từ chức, “hạ bệ” còn khó hơn nhiều! Phải làm sao những “công bộc” của dân khi còn tuổi làm việc phải tâm huyết, hết lòng lăn xả lo cho dân, cho nước, khi đến tuổi nghỉ hưu phải có sự thanh thản nhẹ nhàng! Nhưng xem ra chả ít công chức có quyền khi nghỉ hưu đầu óc bứt rứt, khốn khổ như tự đầy ải mình, như rứt thịt rứt da! Nhiều người hụt hẫng khi về với đời thường, sống với đời thường, đến nỗi người tọp hẳn đi, nhìn thật tội nghiệp(!) Chưa xa cũng đã có cả chuyện “xin ghế” không biết cười hay khóc. Ấy là một thầy giáo cấp 3 có cậu trò được ngồi ghế giám đốc một sở giáo dục, ông thầy đã tìm đến trò: Thầy còn chưa đầy 2 năm nữa nghỉ hưu, chả biết cái ghế lãnh đạo nó thế nào, anh “thu xếp” cho thầy một chân. Ngỡ là thầy đùa cho vui, nhưng lại là chuyện thật. Cậu trò giám đốc sở đã lo cho thu xếp cho thầy giáo cũ cái ghế hiệu phó của trường cho đến khi nghỉ hưu dù thầy cũng chả biết làm gì. Mới hay ông thầy này cũng chỉ để lấy “cái danh”: Mình từng làm hiệu phó, từng làm lãnh đạo khi về sinh hoạt với dân phố! Trớ trêu đến thế, càng thấy chức quyền, quyền chức còn như một thứ hơn cả “bùa mê”(?).

“Văn hóa” từ chức bao nhiêu hội thảo diễn đàn nói đến! Đó cũng chính là cái văn hóa biết “liêm sỉ” của con người, mà sao khó quá đa? Phải chăng chúng ta chưa quen, chưa coi đó như chuyện bình thường quốc gia nào chả vậy.

Những người bất tài vụ lợi, xéo đạp lên đất nước nhân dân, cố đeo bám chức quyền thao túng quyền uy, đất nước thực thi “pháp trị” cũng phải có chế tài để “hạ bệ” họ. Còn cứ ngồi chờ cái sự “tự nguyện từ chức”, làm sao có được. Cả những người còn tuổi nhưng sức khỏe bệnh tình, hay hoàn cảnh gia đình không “kham nổi” trọng trách nữa, cũng cần có cơ chế, chính sách để cái “văn hóa” tự nguyện từ chức nhẹ nhàng trong danh dự. Nhưng thực tế có nhiều người yếu kém, không biết mình yếu kém, vẫn cứ nghĩ mình tài không chịu rời vị trí. Có người cả kém non, cả sai phạm rề rề, nhưng khi tổ chức gợi ý thôi giữ trọng trách, lại nổi đóa, nổi khùng rất vô lý. Có người tổ chức cho nghỉ vẫn còn ỳ ra không chịu bàn giao!

Càng thấy chuyện tìm người tài giỏi để trao trọng trách đã công phu, khó khăn, nhưng việc cho từ nhiệm, từ chức những người yếu kém còn như khó hơn. Càng thấy cái “văn hóa” từ chức chúng ta nói quá nhiều mà vẫn cứ như còn quá xa xôi!

Đất nước bứt phá đi lên, Chính phủ nêu cao mục tiêu kiến tạo liêm chính, không thể chậm trễ trong xây dựng quy chế của “văn hóa” từ chức”!

Không thể cứ vào biên chế là coi như “ấm chỗ cả đời”, rồi làm việc theo kiểu “vác ô”. Càng không thể cứ ỷ vào tư duy quy hoạch nhiệm kỳ, rồi vụ lợi “sân trước sân sau” đôn con nhét cháu, ưu ái thân hữu huynh đệ loạn xạ. Đã đến lúc phải xem vị trí những người nắm giữ trọng trách gần bạc tiền nhà đất, xem người đứng đầu các DN, các ngân hàng lớn này “có ẩn” trong đó những DN của vợ con để “hứng lộc”, kiểu lãi lờ thì DN gia đình hưởng hết, còn thua lỗ gì “ấp cả” vào DNNN của chồng, của bố “gánh” hết! Chuyện định giá DN trong cổ phần hóa DNNN càng phải soi cho kỹ cũng đủ chuyện “làm xiếc” moi ruột bạc tiền, nhà đất xem ra cũng đủ chiêu trò!

“Văn hóa” từ chức rõ ràng không thể chỉ nói cho hay, cho vui, mà không làm. Đó chính là khát vọng của lòng dân, là mong mỏi của người dân cả nước với Chính phủ nhiệm kỳ này!

Đất nước bứt phá đi lên, Chính phủ nêu cao mục tiêu kiến tạo liêm chính, không thể chậm trễ trong xây dựng quy chế của “văn hóa” từ chức!

Đỗ Quang Đán

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/van-hoa-tu-chuc.html