Văn hóa tàn nhẫn

Không ai bảo ai, người tiêu dùng ở hai nước đó cũng theo thế mà tẩy chay món tôm hùm Made in Vietnam.

Ảnh minh họa

Tôi xin kể hầu bạn đọc hai mẩu chuyện nhỏ trước khi bàn vào việc.

Chuyện thứ nhất, xảy ra đã lâu, liên quan đến sự xuất hiện của một người Nhật. Ông ta lặn lội sang Việt Nam chỉ để điều tra về nguồn gốc những con tôm hùm được xuất khẩu sang Nhật Bản. Trước chuyến đi bất đắc dĩ và đương nhiên là tốn kém này của ông, người tiêu dùng Nhật vốn ưa ăn hải sản (tôm hùm là món mà họ càng ưa thích) bỗng dưng đồng loạt bảo nhau tạm thời không ăn tôm hùm nhập từ Việt Nam, vì họ nghi nó được đánh bắt ngoài biển. Bởi vì tôm hùm hoang dã bị cấm buôn bán. Họ sợ loài vật quý hiếm này có nguy cơ biến mất khỏi trái đất. Ô hay, lạ nhỉ! Cái lý quen thuộc của khá nhiều thực khách An Nam sẽ là: Tôm hùm ở biển Việt Nam còn hay hết thì bận gì đến những ông bà ở tít xứ sở Phù Tang?

Rồi nỗi nghi ngờ lan sang cả dân vùng thấp Hà Lan và hậu duệ của chú lính chì tít bên Bắc Âu. Không ai bảo ai, người tiêu dùng ở hai nước đó cũng theo thế mà tẩy chay món tôm hùm Made in Vietnam.

Hóa ra đó là thói quen văn hóa mang tính toàn cầu. Người có văn hóa, luôn biết lo xa sẽ quyết không cho vào miệng chính cuộc sống và tương lai của mình!

Về sau phía Việt Nam phải đưa ra những bằng chứng khẳng định tôm hùm xuất sang Nhật, sang Hà Lan, Đan Mạch là tôm nuôi. Tôm nuôi thì OK! Tuy thế, ông người Nhật kia vẫn đòi tận mắt nhìn thấy những lồng tôm ở miền Trung, mới tin. Sau đó ông về nước báo cáo lại và người Nhật mới lại yên tâm ăn tôm hùm mà không “ghê” miệng.

Còn đây là chuyện thứ hai, được kể bởi một ông cán bộ có bằng cấp, có chức vị ở ta, chắc chắn từng nhiều lần sang Nhật và châu Âu. Ông khoe rằng ông vừa đi công tác một chuyến nhớ đời. Nhớ đời vì ông được chiều chuộng như vua chúa. “Anh em cơ sở biết mình chỉ ưa mỗi cái món hoang dã - ông nói thản nhiên - nên họ bố trí toàn xài thịt thú rừng. Ấn tượng nhất là lần đầu tiên mình được chén hẳn cả một cái tay gấu. Một cái tay gấu nhé”. Vậy là chuyến đi về cơ sở của ông cán bộ kia, ngoài hàng chục triệu đồng “Nhà nước bé” bỏ ra đãi anh (tiền của “Nhà nước bé” do “Nhà nước lớn” cấp, còn tiền của Nhà nước lớn thì do dân góp), ít nhất có dăm con thú rừng, trong đó có một con gấu biến khỏi trái đất! Nhưng điều đáng sợ lại ở cái vẻ mặt hân hoan, mãn nguyện của ông ta. Ông vừa chứng tỏ cho mọi người thấy ông ta quan trọng và sang trọng như thế nào?!

Nhưng điều đáng sợ nhất vẫn còn chưa được nhắc tới. Khi có người kể lại chuyện này cho những người khác nghe, đều là cán bộ bằng cấp đầy mình trong một cơ quan đòi hỏi rất nhiều sự gương mẫu, thì phần lớn trong số đó bảo cái bọn người Nhật, người Hà Lan người Đan Mạch là một lũ hâm. Chỉ có hâm hoặc ngu thì tôm hùm và thú rừng bày đến miệng mới không ăn. Mình không ăn thì có thằng khác ăn! Đằng nào thì cũng đã lên mâm. Rồi bằng thứ ngôn ngữ đặc sản văn hóa vỉa hè được công sở hóa của người Việt, có người lên giọng sành sỏi: “Ăn mẹ nó đi còn lắm chuyện.” Mọi người hưởng ứng cười hô hố như những kẻ khôn ngoan cuối cùng của nhân loại còn sót lại.

Liệu đó có phải đó là điều đáng xấu hổ nhất của một thứ văn hóa tàn nhẫn? Dung túng hay xóa bỏ nó ? Hãy để cho những con thú hoang vô tội, mà nếu thiếu vắng chúng, nhân loại sẽ độc ác hơn gấp bội, có cơ hội lên tiếng.

Tản văn của Tạ Duy Anh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/van-hoa-tan-nhan-d176920.html