Văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp

VH- “Thúc đẩy văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trên thế giới” là chủ đề hội thảo do Cục An toàn lao động, Bộ LĐ, TB&XH vừa tổ chức tại TP.HCM. Hội thảo quy tụ 150 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) ở TƯ, 20 tỉnh thành phía Nam.

Văn hóa an toàn lao động là chìa khóa, là nhân tố thúc đẩy sự cam kết và cùng hợp tác cải thiện điều kiện lao động của các bên thông qua sự nhận thức rõ rệt về trách nhiệm và sự tự giác thực hiện các quy định, tiêu chuẩn cao về ATVSLĐ.

Ý nghĩa của việc thúc đẩy văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là vì con người, coi con người là động lực, mục tiêu của sự phát triển, vì hạnh phúc của người lao động, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và của đất nước.

Trong không gian văn hóa an toàn lao động, không chỉ những người lao động mà cả những nhà đầu tư, những nhà quản lý, những nhà giáo dục, đào tạo nghề và mọi người dân đều phải biết ứng xử với an toàn lao động một cách có văn hóa. (Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐ, TB&XH)

Tuy đã xuất hiện rất lâu ở các nước công nghiệp phát triển, nhưng văn hóa ATVSLĐ ở nước ta còn khá mới mẻ và không phải ở đâu cũng xây dựng được và thực hiện nghiêm túc. Chỉ có 7% trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động có báo cáo về tình hình tai nạn lao động. Do vậy, số người chết vì tai nạn lao động cao gấp nhiều lần so với thống kê. Lao động trong các nhà máy, công xưởng chủ yếu xuất thân từ nông thôn, ý thức chấp hành nội quy an toàn lao động kém, thiếu tự giác.

Tính đến năm 2010, cả nước có khoảng 27.000 người mắc bệnh nghề nghiệp. Dự báo giai đoạn 2010 – 2015, mỗi năm sẽ có khoảng 170.000 người bị tai nạn lao động với 1.700 người chết, số người mắc mới bệnh nghề nghiệp là trên 1.000 người, gây thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng/năm.

Một trong những nguyên nhân chính gây nên hậu quả nói trên là chưa có văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; người sử dụng lao động và người lao động vi phạm tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật an toàn, không có quy trình, biện pháp làm việc an toàn.

Điều dễ thấy là trong vấn đề đảm bảo ATVSLĐ, lợi ích cá nhân vẫn lớn hơn lợi ích tập thể mà biểu hiện là nhiều người lao động bất chấp các quy định phòng chống cháy nổ, tại nơi làm việc vẫn hút thuốc, nghe điện thoại nơi trạm xăng…

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, để phòng ngừa tai nạn lao động cần huấn luyện và phổ biến văn hóa an toàn tại nơi làm việc đến chủ doanh nghiệp và người lao động trong tất cả các loại hình kinh tế, lĩnh vực sản xuất.

Doanh nghiệp cần trang bị đầy đủ phương tiện, cải thiện môi trường cũng như đảm bảo các khoản phúc lợi xã hội để người lao động an tâm làm việc.

Đây là vấn đề phải triển khai tổng thể ở cấp quốc gia, trong đó cần hoàn thiện cơ chế chính sách về pháp luật ATVSLĐ, tăng cường hợp tác phối hợp liên Bộ, liên ngành cũng như tăng cường công tác thanh tra tại cơ sở.

Công tác thanh tra lao động cũng phải gắn với hiệu quả, phát hiện và xử lý sai phạm chứ không phải thanh tra “chiếu lệ” khiến doanh nghiệp “nhờn” và tìm cách đối phó tạm thời. Trong công tác này cần kết hợp chức năng cưỡng chế với tư vấn, tuyên truyền an toàn vệ sinh lao động.

Trong quá trình làm việc, người lao động phải tự giác ý thức và chấp hành nội quy an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc cũng như rèn giũa tác phong công nghiệp cho mình. “Trong không gian văn hóa an toàn lao động, không chỉ những người lao động mà cả những nhà đầu tư, những nhà quản lý, những nhà giáo dục, đào tạo nghề và mọi người dân đều phải biết ứng xử với an toàn lao động một cách có văn hóa”, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2011-2015 với những mục tiêu là phòng ngừa tối đa và giảm tần suất tai nạn lao động, nhất là những ngành nghề có rủi ro cao; giảm tỷ lệ doanh nghiệp và nơi làm việc có điều kiện lao động xấu; nâng cao nhận thức trách nhiệm của các ngành, các cấp, của người sử dụng lao động, người lao động về ATVSLĐ. Việt Nam cũng đang tiến tới phê chuẩn Công ước số 187 của Tổ chức Lao động quốc tế về cơ chế thúc đẩy ATVSLĐ

Nguyễn Nghiệp

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/kinhte/41433.vho