Văn hóa Karaoke

Sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng và thương tâm ở một quán karaoke trên địa bàn quận Cầu Giấy ngày 1/11 khiến 13 người thiệt mạng, TP Hà Nội đang cân nhắc việc đóng cửa có thời hạn các quán karaoke trên địa bàn. Trong khi cấp - ngành quản lý cân nhắc biện pháp hành chính thì một vấn nạn khác không kém phần nhức nhối, thậm chí còn được coi là căn nguyên của mất an toàn (đặc biệt là cháy - nổ) cũng đồng thời được các nhà phân tích xã hội đề cập đến, đó là văn hóa kinh doanh và văn hóa thụ hưởng loại hình giải trí karaoke.

Rất nhiều người khi rời khỏi quán karaoke, trở về với “trạng thái bình thường” (không còn bị chất xúc tác như rượu, bia chi phối) đều có chung cảm giác bị “móc tiền oan”.

Cũng có rất nhiều người khi rời khỏi quán hát xây bít bùng, có phòng “cách âm” máy lạnh, đã tự trách mình là “vô duyên” khi phải móc túi trả tiền chai rượu, két bia với giá cao gấp nhiều lần so với ở bên ngoài. Ngoài bia, rượu, đĩa hoa quả, ít đồ khô cũng được chủ quán tính tiền khách hát với giá “trên trời” từ vài trăm đến cả triệu đồng.

Biết là bị “móc tiền oan”, là “vô duyên” nhưng karaoke như có ma lực khiến nhiều người nhắm mắt đưa chân quay lại quán hát mà trước đó họ đã trót giơ tay thề “một đi không trở lại”. Rất dễ hiểu vì karaoke là phương tiện giải trí giúp mọi người vui hơn, gần gũi nhau hơn.

Có lẽ từ thực này mà một bộ phận không nhỏ chủ quán karaoke ghi hóa đơn thanh toán tiền hát, tiền rượu bia, hoa quả cao đến mức Thượng đế cũng phải giật mình!.

Tham khảo các điểm vui chơi, giải trí trên mạng xã hội sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn thiêu rụi quán karaoke trên đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy (Hà Nội) sẽ thấy con số không hiểu nên mừng hay nên lo: Hà Nội có 730 quán karaoke.

Để một quán karaoke ra đời, đi vào hoạt động, chủ quán (cũng có thể gọi là nhà đầu tư) phải qua hàng loạt thủ tục liên quan, đặc biệt là thủ tục về an ninh, an toàn, phòng chống cháy-nổ.

Tuy nhiên, mỗi khi xảy ra các sự cố về an ninh, an toàn, những góc khuất trong đầu tư xây dựng, bài trí quán karaoke mới bộc lộ. Ngoài thông tin phần lớn quán karaoke thuộc địa bàn Hà Nội không đảm bảo an toàn về cháy-nổ (do cơ quan có trách nhiệm công bố), góc khuất được xem như căn nguyên của tình trạng mất an toàn, chính là sự bất chấp tất cả vì mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư.

Chủ quán karaoke thường tận dụng tối đa diện tích mặt sàn, chỉ chừa lối đi ngoằn ngoèo khiến khách không thể nhận biết hướng thoát hiểm mỗi khi bất ngờ xảy ra sự cố.

Hiện trường vụ cháy quán karaoke trên phố Trần Thái Tông.

Cùng với đó là mặt tiền các quán hát luôn được xây chắn, bao bọc kín bưng bằng bảng quảng cáo. Việc xem “Thượng đế” không khác gì… bò sữa, chi phối quá trình đầu tư, kinh doanh dịch vụ giải trí của chủ quán karaoke, biến các quán hát phục vụ nhu cầu giải trí thành địa chỉ mất an toàn cao nhất ở không chỉ tại các đô thị lớn mà còn ở những nơi dân cư thưa thớt.

Một số chủ quán karaoke trên địa bàn quận Cầu Giấy (nơi tập trung rất nhiều quán karaoke ở Hà Nội), chia sẻ rằng không phải họ muốn “vắt nặn” túi tiền của khách mà là do khách tự nguyện do nhu cầu giải trí không lành mạnh. Nhiều khách là nam giới đến quán hát trong trạng thái chếnh choáng, đòi phải có “chỗ gác tay” là các cô gái trẻ.

Giá một cuộc hát có “gác tay” luôn được chủ quán hát tính cao ngất ngưởng nhưng vẫn được khách hàng chấp nhận chi trả. Hình ảnh thường gặp trên các tuyến phố của quận Cầu Giấy là một thanh niên tóc nhuộm xanh đỏ tím vàng, chở cùng lúc 3, 4 cô gái trên xe máy, đầu không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng, di chuyển từ quán hát này sang quán hát khác đáp ứng nhu cầu của những vị khách vui chơi không giới hạn. Không công khai nhưng hầu như các quán karaoke đều đáp ứng “dịch vụ gác tay” cho khách. Mỗi khi khách có yêu cầu, chủ quán hay người quản lý sẽ điện thoại điều “hàng” đến.

Đặc trưng của quán karaoke có dịch vụ “gác tay” là xây chắn bít bùng, chỉ chừa lối đi nhỏ hẹp dẫn vào các phòng hát. Sau hàng loạt vụ hỏa hoạn thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, tính mạng con người tại các quán karaoke trên cả nước từ đầu năm đến nay, dư luận không thể không lo lắng trước thực tế được phơi bày đằng sau kết quả kiểm tra của cấp – ngành chức năng.

Karaoke ra đời ở Nhật từ đầu thập niên 70 của TK 20. Phương tiện, loại hình giải trí karaoke sau đó nhanh chóng phổ biến tại khắp các quốc gia trên thế giới. Khi phát minh ra “cỗ máy kiếm tiền” từ nhu cầu giải trí có tên gọi karaoke, người đàn ông Nhật tên là Inoue Daisuke có lẽ không cần nghĩ nhiều đến những mặt trái của nó như ô nhiễm môi trường âm thanh (nếu được đặt ở nơi không có cách âm) cũng như các yếu tố thuộc về văn hóa từ chủ kinh doanh và khách hát.

Phương tiện, loại hình giải trí karaoke chỉ thật sự “đáng ghét” khi người sử dụng nó (chủ kinh doanh và khách hàng) không nhận thức một cách thấu đáo văn hóa kinh doanh và giải trí. Cháy quán không có đường chạy - là hệ quả tất yếu của sự buông thả về văn hóa của chủ kinh doanh và của khách hàng.

Đặc biệt là sự buông lỏng quản lý về văn hóa phục vụ và văn hóa thụ hưởng của cấp - ngành có trách nhiệm đối với loại hình giải trí rất đặc thù này.

Dương Thanh Tùng

Từ khóa

cháy quán karaoke karaoke tay vịn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/van-hoa-karaoke/133477