Văn hóa học đường là then chốt của quá trình phát triển nhân cách học sinh

Ngày 12.10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã tổ chức hội thảo 'Xây dựng môi trường văn hóa trong trường học'. Chương trình đã tập trung vào nhiều vấn đề 'văn hóa học đường' trong việc hình thành nhân cách học sinh, sinh viên.

Chương trình hội thảo tập trung vào thảo luận 6 nội dung chính là vấn đề văn hóa học đường đối với việc hình thành nhân cách học sinh, sinh viên; Bài toán văn hóa trong đổi mới giáo dục ở Việt Nam; Vai trò của tư vấn học đường trong xây dựng văn hóa học đường; Thực trạng văn hóa học đường; Khẩu hiệu trong khuôn viên nhà trường, từ góc nhìn tâm lý học, giáo dục học; Khẩu hiệu trong nhà trường - Thực trạng và giải pháp. Bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường - Thực trạng và giải pháp.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo-Nguyễn Thị Nghĩa tại chương trình. Ảnh Trần Vương

Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo-Nguyễn Thị Nghĩa tại chương trình. Ảnh Trần Vương

Phát biểu tại chương trình, TS Nguyễn Thị Nghĩa-Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo nhấn mạnh: “Trong bối cảnh cần phải đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, một trong những vấn đề quan trọng cần được thực hiện là phải chuyển mạnh quá trình giáo dục từ “nặng” về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục “trọng” về hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của người học; Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân. Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn. Giáo dục và đào tạo học sinh, sinh viên không chỉ có đầy đủ kiến thức, kĩ năng thực hành mà còn cần có lí tưởng cách mạng, đạo đức tốt, lối sống trong sáng để trở thành công dân có trách nhiệm, lao động cần cù, có sức khỏe, có tri thức và sáng tạo.”

Các đại biểu tham gia thảo luận nhiều vấn đề về văn hóa học đường. Ảnh Trần Vương

Nhiều ý kiến tại chương trình cho rằng, xây dựng môi trường văn hóa trong trường học đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân cho học sinh, sinh viên. Phong trào Trường học thân thiện, học sinh tích cực đã trở thành các hoạt động thường xuyên trong các nhà trường. Một số nhà trường đã xây dựng và triển khai quy tắc ứng xử văn hóa. Tuy nhiên, việc triển khai còn chưa đồng bộ, hiệu quả thấp (hát quốc ca trong lễ chào cờ, lao động, vệ sinh, trang trí khẩu hiệu, tập thể dục....nhiều địa phương, nhà trường chưa quan tâm triển khai.

Theo ông Nguyễn Quang Kính, trước thực trạng có những biểu hiện xuống cấp về văn hóa, lệch lạc về tư tưởng đạo đức của một bộ phận thanh thiếu niên, do không thể biệt lập với xã hội, nhà trường chỉ có hai ngả rẽ. Hoặc chấp nhận những tác động tiêu cực từ xã hội như một tất yếu bất khả kháng. Hoặc ý thức được vị thế hàng đầu trong cuộc “đấu tranh chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi” mà kiên trì sứ mạng giáo dục của mình. Văn hóa học đường là then chốt của quá trình phát triển nhân cách học sinh. Để thành công, trước hết cần đổi mới về nhận thức đối với những vấn đề căn bản. Trong đó,có vấn đề con người - chủ thể kiêm đối tượng của hoạt động giáo dục; và vấn đề sứ mạng của nhà trường, thường được phát biểu thành mục đích/mục tiêu giáo dục.

Vương Trần

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/van-hoa-hoc-duong-la-then-chot-cua-qua-trinh-phat-trien-nhan-cach-hoc-sinh-600684.bld