Văn hóa Hà Nội ngày càng phong phú và văn minh

Chiều 24/11, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (2000 - 2015) và 10 năm thực hiện Quyết định 308/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Tới dự hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, cùng lãnh đạo các ban, ngành đoàn thể.

Đánh giá danh hiệu đã đi vào thực chất

“Đời sống văn hóa của Nhân dân ngày càng phong phú, văn minh mà không mất đi những bản sắc truyền thống, một nền tảng của tình tương thân tương ái, sự gắn bó và sẻ chia cộng đồng” – Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã chia sẻ trong hội nghị. Những đánh giá này được dựa trên nhiều kết quả đáng khích lệ: Nếu như năm 2000, toàn TP có hơn 71% số hộ gia đình được công nhận đạt và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa” thì đến năm 2015 con số đó đã đạt 85%. Việc bình xét, đánh giá danh hiệu “Gia đình văn hóa” ngày càng đi vào thực chất. Hà Nội cũng là một trong những địa phương thực hiện tốt phong trào này với gần 14.00 làng văn hóa, 70% tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa và 7.000 đơn vị đạt danh hiệu cơ quan, đơn vị, DN đạt chuẩn văn hóa.

Tiêu biểu như tại huyện Đông Anh đã có 161/198 thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa trong đó có 34 thôn, làng được công nhận làng văn hóa tiêu biểu của Thủ đô. Đông Anh tập trung đầu tư các nhà văn hóa ở thôn làng và đẩy mạnh các hoạt động văn hóa thể thao ở từng thôn làng. Huyện Thanh Trì cũng coi trọng công tác xây dựng hệ thống nhà văn hóa thôn làng, tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa làm nền tảng cho xây dựng làng văn hóa. Hiện nay, 100% thôn làng ở huyện đã có nhà văn hóa, phục vụ tốt các hoạt động.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao Bằng khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Ảnh: Hoàng Lan

Phong trào người tốt việc tốt được phát động lồng ghép trong quá trình xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa cùng với phong trào thi đua lao động sáng tạo trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát huy tinh thần tương thân tương ái tại cộng đồng, nhiều mô hình được phát động ở các cấp, các ngành như: Mô hình “Xây dựng điểm sinh hoạt văn hóa công nhân”; “Vì môi trường trong sạch, phụ nữ và Nhân dân Thủ đô không đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng”; “Vì sức khỏe cộng đồng nông dân Hà Nội chỉ sản xuất chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp an toàn”; “Cựu chiến binh Thủ đô tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông”; hay như mô hình “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; mô hình “Phòng chống bạo lực gia đình”, “Phòng chống ma túy từ gia đình”; mô hình “5 không, 3 sạch”,… đã thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, hội viên và Nhân dân tham gia. Qua các phong trào, các mô hình đã xuất hiện nhiều gương cá nhân và tập thể điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực sản xuất kinh tế, công tác, hoạt động xã hội.

Gắn phong trào với mục tiêu phát triển kinh tế

Những thành quả của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đạt được khá lớn nhưng chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu chung, chưa tương xứng với sự phát triển về kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, trong giai đoạn 2016 - 2020 UBND TP Hà Nội tổ chức triển khai sâu rộng. Đồng thời đổi mới phương thức và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động để các nội dung phong trào thấm sâu vào toàn thể Nhân dân. TP tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, chú trọng xây dựng nếp sống văn minh công sở…

“Để phát huy hơn nữa phong trào xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị thì việc huy động sức mạnh cộng đồng dân cư là vô cùng quan trọng, nhưng để những hoạt động này không còn mang tính phong trào mà mang lại hiệu quả rõ rệt thì cần sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức, chính quyền. Không chỉ đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với yêu cầu thực tiễn tại từng địa phương, đơn vị, những người đi đầu phong trào phải biết gắn phong trào với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả bền vững…” - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết.

Xóa bỏ nhiều hủ tục

10 năm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đến nay, đa số các hộ gia đình đã tổ chức cưới hỏi, tang lễ đơn giản, gọn nhẹ và tiết kiệm, phù hợp với truyền thống phong tục của người Việt Nam. Đã có nhiều mô hình cưới mới như tổ chức tiệc trà, trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn tại trụ sở UBND xã, phường, đám cưới không thuốc lá. Quận đoàn Hoàng Mai đã xây dựng đám cưới tập thể cho 10 cặp bạn trẻ. Quận Hà Đông tổ chức đám cưới chỉ diễn ra trong 1 ngày không làm quá 40 mâm cỗ, không chơi cờ bạc. Quận Long Biên đã tổ chức lễ cưới theo nghi thức phật giáo cho 14 đôi tại thiền viện Sùng Phúc… Tình trạng tổ chức tang lễ nhiều ngày, kéo dài nhiều ngày, ăn uống tràn lan ở khu vực ngoại thành được khắc phục. Nhiều hủ tục trong tang lễ gần như không còn. Hoạt động lễ hội đã chú trọng phát triển hài hòa, cả phần lễ và phần hội. Nhiều lễ hội văn hóa, lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức phù hợp với nếp sống văn minh. Truyền thống tốt đẹp được duy trì bảo tồn. Các địa phương khi tổ chức lễ hội đều gắn với các sự kiện khác như: Đón nhận danh hiệu làng văn hóa, làng nghề, bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa…

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: “15 năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và 10 năm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội thực sự trở thành “cái gốc” vững chắc cho việc xây dựng, bồi đắp văn hóa người Hà Nội. Trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, vận động Phong trào trong cán bộ và Nhân dân bằng nhiều phương thức đồng bộ và hiệu quả hơn”.

Nhân dịp này, TP đã trao tặng Bằng khen cho 93 tập thể có thành tích trong 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (2000 - 2015) và 10 năm thực hiện Quyết định 308/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Hiện nay, Hà Nội đã triển khai nhiều công trình vệ sinh công cộng nên không thể để người dân thiếu ý thức làm mất mỹ quan đô thị, làm bẩn không gian xanh - sạch - đẹp TP, thiếu ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường. Người dân cũng cần chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, tham gia vào các hoạt động chung của như: Trồng cây xanh, tham gia dọn dẹp vệ sinh khu phố, đường làng ngõ xóm, đổ rác đúng nơi quy định.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung

“Mục tiêu từ nay đến năm 2020 TP Hà Nội có 88% số hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 62% số làng, thôn được công nhận và giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa”; 72% số Tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”; trên 70% cơ quan, đơn vị, DN được công nhận và giữ vững danh hiệu “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”; “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”; “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/van-hoa-ha-noi-ngay-cang-phong-phu-va-van-minh-273829.html