Văn hóa giao thông người Việt: ngày càng vô cảm và sợ… thua thiệt

Có một câu nói quen thuộc rằng “Hà Nội không vội được đâu!”. Đường ách tắc nghiêm trọng, muốn vội cũng chẳng được. Tuy nhiên, đảo ngược lăng kính chúng ta sẽ ra một vấn đề khác: Người Hà Nội nóng vội, luôn sợ mất quyền lợi và rất hay bày tỏ chính kiến bằng tiếng… Còi.

Chuyện tắc đường đã là chuyện muôn thuở. Với người dân thủ đô, tắc đường giờ tan tầm là “tiệc khai vị” hàng ngày trước bữa cơm tối. Trong khoảng 5 – 7 giờ tối ai cũng ngao ngán “nuốt” sao cho trôi “bữa khai vị” mới được yên thân về tới nhà. Chúng ta chỉ mệt mỏi than phiền các cơ quan chức năng cần có chính sách triệt để nào đó, than thở về cơ sở hạ tầng còn yếu kém không đáp ứng nổi lượng xe máy lớn ngày một tăng,… Tuy nhiên có một vấn đề mà chẳng ai tự giác nhắc nhở chính mình: văn hóa tham gia giao thông tại Việt Nam – đây chính là một trong những nguyên nhân gốc rễ hình thành nên chuyện chuyện tắc đường.

1001 cách “tiết kiệm” thời gian

Có một nghịch lý đáng buồn rằng một bộ phận người Việt khá… “hào phóng” thời gian trong công việc, họ đi muộn về sớm, delay nhiệm vụ, sử dụng thời gian lao động cho chuyện cá nhân,… Trong khi tham gia giao thông, người Việt lại “keo kiệt” và sợ mất quyền lợi cá nhân cho vài phút đợi chờ.

Giờ cao điểm, đèn đỏ trở thành thiết bị đo lường sự kiên nhẫn của người Việt. 90 giây đèn đỏ tỷ lệ nghịch với sự kiên nhẫn, và tới 10 giây cuối cùng là lúc người tham gia giao thông bắt đầu… không chịu nổi. Những chiếc xe máy rỉn ga nhích dần lấn vạch đường, những chiếc còi xe kêu inh òi “đòi” lăn bánh,… tạo nên một khung cảnh hỗn loạn. Khi ấy, hiệu ứng domino thể hiện rõ nét nhất, một người thiếu kiên nhẫn vượt đèn đỏ có thể khiến hàng chục người phía sau làm theo tương tự.

Thương nhất là những người cảnh sát giao thông! Nhiệm vụ phân luồng đã mệt nhọc, nhưng vất vả hơn cả là phải điều tiết cả một đám đông đang nóng vội. Có lần tôi chứng kiến một người cảnh sát giao thông đứng giữa ngã tư phân các luồng xe sao cho trật tự, thỉnh thoảng không quên ngoái đầu lại “canh” xem đám đông đang dừng đèn đỏ có cố chấp mà vượt lên hay không. Những người đang dừng đèn đỏ cũng… “canh” cảnh sát giao thông, đợi họ không để ý mà vượt. Họ cho rằng mọi người ở các làn khác có quyền đi thì họ cũng không muốn bị mất quyền lợi. Vâng, đó là quyền lợi … vài giây đèn đỏ.

“Tiết kiệm” thời gian…

Và kết quả rất dễ thấy, tắc đường càng thêm ách tắc. Ngã tư đường giống như một ma trận bát quái với đủ các phương tiện giao thông chĩa ngả nhiều hướng. Đã vậy họ vẫn áp dụng tư tưởng sợ thua thiệt, không chịu nhường bước, ai cũng tiến lên, “phấn đấu” cho quyền lợi của riêng mình.

“Ma trận bát quái” tắc đường có ở khắp nơi phố phường Hà Nội giờ cao điểm chứ không riêng gì ngã tư, ngã năm, còn người đi đường là những tay lái cừ khối và rất giỏi “tiết kiệm” thời gian.: Leo lên vỉa hè, đi ngược làn đường, đi “tắt” sang đường… có 1001 cách thức để tiết kiệm thời gian đầy sáng tạo. Chính xác là người tham gia giao thông đang giăng những “mạng nhện” đường đi khiến “ma trận bát quái” càng thêm ách tắc và rối rắm.

Tỉnh táo giữa đám đông

Những người thiếu kiên nhẫn sẵn sàng vi phạm luật lệ khiến các nút giao thông càng đã rối lại càng khó gỡ. Tuy nhiên, họ chính là những người “tiên phong” tạo domini đám đông cùng sai luật. Dễ dàng có thể thấy hiệu ứng đám đông khi một vài người dồ ga vượt đèn đỏ và hàng chục người theo sau với tư tưởng:… đâu chỉ mình mình sai. Có người ví đám đông là những đứa trẻ không phân biệt sai trái, họ chỉ làm theo số đông, và không tỉnh táo chúng ta dễ dàng trở thành một phần của đám đông hỗn loạn ấy.

Con người luôn đòi hỏi sự cải tiến, phát triển xã hội nhằm cải thiện nhu cầu sống, tuy nhiên họ thản nhiên không chịu cấp tiến văn hóa giao thông của mình. Cốt lõi của sự phát triển xã hội nằm ở nhân tố con người. Nếu cứ giữ nguyên văn hóa cổ hủ, ích kỷ cho quyền lợi cá nhân thì liệu chúng ta có quyền đòi hỏi một xã hội văn minh tiến bộ?Sẽ thật khó để tìm ra một cánh cửa lối thoát cho “ma trận bát quái” tắc đường nếu ai cũng đòi tiến, chẳng ai chịu thiệt. Nâng cấp văn minh văn hóa giao thông chỉ đơn giản là tỉnh táo giữa đám đông để chấp hành luật lệ và đôi khi là biết nhường bước.

Hãy chắc chắn rằng những người đang lao lên vỉa hè không “lôi kéo” được bạn cùng hòa nhập đám đông vi phạm luật giao thông ấy. Hãy đảm bảo rằng bạn không “ăn bớt” 10 giây cuối cùng để rồi nóng vội lăn bánh cùng vài chục người vượt đèn đỏ. Những việc đơn giản ấy trở nên vô cùng khó khăn với một kẻ nóng vội và sợ “thua thiệt” thời gian, tuy nhiên đó lại là những việc mà bất cứ một người văn minh nào cần phải đảm bảo hoàn thiện tốt.

Lối giao giữa Quan Nhân và Nguyễn Ngọc Vũ luôn là điểm thắt nút “đen” của tắc đường. Không có đèn đỏ, cũng như lực lượng chức năng điều phối luồng xe chỉ xuất hiện lúc tan tầm, đây chính xác là bài toán thử thách văn hóa của người tham gia giao thông. Một lần tôi chán nản đứng đợi không nhúc nhích tới mười lăm phút tại nút thắt trên, cho tới khi một người đàn ông bước xuống ô tô tình nguyện trở thành người phân làn xe. Nút thắt giao thông được gỡ mở, các luồng xe dịch chuyển dễ dàng hơn chính nhờ người đàn ông tỉnh táo sẵn sàng hi sinh thêm thời gian so với những kẻ sợ mất quyền lợi, vẫn đang luồn lách bấm còi inh ỏi giành quyền đi trước kia. Tuy chậm vài phút nhưng điều đó thể hiện sự phân cấp trình độ văn hóa giao thông của mỗi người: người văn minh cấp tiến và một số những kẻ ôm giữ tư tưởng ích kỷ, kém cỏi.

Chuyện tắc đường không thể giải quyết ngày một ngày hai, mà đó là bài toán thách thức cần sự tổng hợp của nhiều nguồn lực, từ các cơ quan chức năng cho tới mỗi cá nhân tham gia giao thông. Tuy nhiên, văn hóa giao thông là gì khi ở đâu ta cũng thấy biển “làng văn hóa”, “tổ văn hóa”, “gia đình văn hóa”. Nỗi sợ thiệt thòi từ đâu, và đặc biệt lại cực kỳ phổ biến tại thủ đô văn hóa Hà Nội, điều ít thấy hơn ở các thành phố khác trên khắp Việt Nam? Dường như có một cái gì đó thiếu vắng ở vùng đất 7 triệu người và đang tiếp tục được mở rộng. Rất khó để trả lời trong mớ bòng bong đô thị chật hẹp rất nhiều nhà cao tầng, công trình hành chính, mua sắm hào nhoáng nhưng hạ tầng manh mún. Đối với mỗi cá nhân, bài học giáo dục công dân thuộc lòng khi xuống đường đã bị trôi sạch. Tuy nhiên, mọi thứ có thể đổi thay đôi chút khi những đứa bé được học về sự đồng cảm. Khi hiểu được nỗi khổ của một người phải nghe tiếng còi, ta có thể bớt bấm còi, khi hiểu được nỗi bực bội của người bị lấn làn, ta có thể kiễn nhẫn chờ đợi để nhường nhịn bạn đường. Tất cả các giá trị cốt lõi này thực ra đâu khó hiểu, nhưng lại ngày càng hiếm vắng ở Thủ đô.

Hà Ngân

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/van-hoa-giao-thong-nguoi-viet-ngay-cang-vo-cam-va-so%e2%80%a6-thua-thiet