Văn hóa bắt đầu từ chính 'tế bào' gia đình

Liên tiếp những câu chuyện đau lòng về cách ứng xử giữa bố mẹ với con cái, hoặc ngược lại, được dư luận phản ánh.

Không ít vụ việc xảy ra ngay tại Hà Nội, như một thứ “ung nhọt” khiến nhiều người đặt câu hỏi rằng, có phải quá khó để giữ cốt cách văn hóa ứng xử trong mỗi gia đình?

Cuộc sống làm chìm lấp

Văn hóa ứng xử trong gia đình có ảnh hưởng lớn đến cách hành xử của các thành viên trong gia đình ấy ngoài xã hội. Một nhà nghiên cứu văn hóa gắn bó cả đời với Hà Nội đã nói rằng, Hà Nội không thiếu những gia đình vẫn giữ được cốt cách văn hóa thực sự, nhưng cũng không ít gia đình, văn hóa chỉ trên giấy tờ mà thôi. Bởi thực tế, Hà Nội càng phát triển, những ảnh hưởng từ yếu tố tiêu cực của văn hóa ngoại lai đang tác động xấu đến tư tưởng, tình cảm và nhận thức của một bộ phận không nhỏ các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, mặt trái của cơ chế thị trường và việc coi trọng, đề cao quá mức, thậm chí tôn sùng các giá trị vật chất đang bào mòn dần những quan niệm thuộc về giá trị truyền thống của văn hóa ứng xử gia đình.

Ảnh minh họa.

Những phong trào, những cuộc vận động xây dựng các “gia đình văn hóa” dù được thực hiện đồng bộ, sáng tạo, nhưng không ít nơi cũng chưa tránh khỏi sự hình thức, chiếu lệ. Để góp sức xây dựng gia đình văn hóa, Hội LHPN Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc, giúp phụ nữ thực hiện tiêu chí phụ nữ đảm đang, thanh lịch; tuyên truyền, giúp các hội viên thực hiện tốt văn hóa ứng xử trong gia đình. Nhưng dường như vẫn chưa đủ. Văn hóa ứng xử ngay từ trong gia đình vẫn xuất hiện những hiện tượng kém thanh lịch như cãi nhau, nói tục, chửi bậy, ích kỷ…, buồn hơn nữa là chém giết cả người thân của mình chỉ vì chút tài sản cỏn con.

Nhiều vụ việc từng xảy ra giữa Thủ đô Hà Nội khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng về cái gọi là “xuống cấp” của văn hóa ứng xử chính trong gia đình. Rồi chuyện bố mẹ mải làm ăn bỏ bê con cái, khiến số trẻ vị thành niên phạm tội ở Hà Nội cũng ngày càng gia tăng không còn là điều gì lạ lẫm. Sự xuống cấp xảy ra ở khắp các thành phần gia đình khác nhau, từ trí thức, công nhân đến người lao động.

Những người làm văn hóa cho rằng, văn hóa ứng xử trong gia đình cũng mang tính thời đại, không nên áp đặt những gì là phong kiến của cha ông mà phải biết chọn lựa. Nhưng những gì hay, những gì đẹp đã trở thành truyền thống cũng cần giữ vững. Và việc xây dựng, hun đúc văn hóa ứng xử trong gia đình đã trở nên cấp bách. Bởi để ứng xử với nhau sao cho có văn hóa, trước hết mình phải là người có văn hóa, mà văn hóa ấy không phải “từ trên trời rơi xuống”, mà có ngay ở xung quanh cuộc sống đời thường, từ sự tiếp cận học hỏi lẫn nhau.

Thắp ngọn lửa sáng

Khi nói về cách ứng xử trong gia đình hiện nay tại Hà Nội, GS Lê Văn Lan đã tâm niệm: Những yếu tố văn hóa không mất đi, nhưng trong cái xô bồ của xã hội mới, nó chìm, lẩn khuất, đến một lúc nào đó khi người ta tái cấu trúc lại diện mạo văn hóa, hệ thống tinh hoa mà người Hà Nội cần có, nó sẽ tham gia và trở thành yếu tố bền vững do truyền thống mới. Vì thế, nếu mọi sự giáo dục từ gia đình, nhà trường đến những cuộc vận động trong xã hội, chỉ mang tính chất giáo điều, lý thuyết, thì khó mang lại hiệu quả. Xây dựng nếp ứng xử có văn hóa của người Hà Nội từ chính trong gia đình phải có biện pháp giáo dục kiên trì và có tính thuyết phục về ý thức, cách hành xử trong từng sự việc, tình huống cụ thể.

Từ thực tế những gia đình vẫn giữ được cái cốt cách văn hóa ứng cử thanh lịch cho thấy, ứng xử trong gia đình chính là phương châm trong giáo dục, dạy dỗ con cái từ nhỏ. Đó là biết yêu thương, quan tâm tới nhau và sống có trách nhiệm: trách nhiệm với gia đình, với người thân, bạn bè... Đặc biệt, những người bà, người mẹ, ngay từ khi con còn nhỏ đã giúp con hình thành khung văn hóa thể hiện ở cách đi đứng, ăn nói và điều này giúp hình thành nhân cách.

Trong một cuộc thảo luận về nâng cao văn hóa giao tiếp trong giới trẻ tại Hà Nội, nhiều người cũng cho rằng, giáo dục văn hóa giao tiếp trong gia đình ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách của trẻ. Từ nhỏ, nếu trẻ được giáo dục trong một gia đình hạnh phúc, nền nếp thì lớn lên trẻ dễ dàng trở thành một công dân có văn hóa, phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Do vậy, những cử chỉ, lời nói, hành vi của ông bà, cha mẹ, người thân phải là những tấm gương sáng để trẻ noi theo một cách tự nhiên, không khiên cưỡng.

Dường như rất sốt ruột về sự xuống cấp của văn hóa ứng xử trong gia đình Hà Nội, không ít chuyên gia còn đưa ra chiến lược lâu dài cần hướng tới như cần có chương trình giáo dục văn hóa gia đình cho học sinh, hạt nhân của các gia đình trong tương lai. Thực tế, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã đưa vào học đường chương trình “Giáo dục nếp sống văn minh thanh lịch” cho học sinh Hà Nội. Nhưng những bài học về sự ứng xử trong gia đình từ sách vở ấy khó có thể đi vào cuộc sống nếu chính bố mẹ cũng chưa ý thức rõ ràng về vấn đề này. Thời gian qua, hàng năm Hà Nội đều tuyên dương rất nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu. Nhưng để tạo ra sức lan tỏa, những mô hình về gia đình văn hóa, những tấm gương bố mẹ nuôi dạy con cái ngoan ngoãn, giỏi giang hay con cháu lễ nghĩa hiếu thuận với ông bà, bố mẹ cần được nhân rộng và phổ biến hơn nữa.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/van-hoa-bat-dau-tu-chinh-te-bao-gia-dinh-273325.html