Văn hóa bấm còi

5 giờ chiều tan tầm, đường Phạm Hùng - đoạn gần bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) - chật cứng người, các phương tiện giao thông nhích từng bước.

Sau một ngày làm việc căng thẳng, thời tiết lại oi nồng, bức bối, ai nấy đều mệt mỏi, nhưng vẫn cố gắng nhường nhịn nhau để mau chóng về nhà.

Ấy vậy mà, chiếc xe khách từ phía sau đột nhiên bấm còi hơi inh ỏi, khiến mọi người được phen hốt hoảng, giật bắn người. Biết là đường tắc, không vượt lên được, nhưng chiếc xe khách này vẫn rú lên những hồi “đinh tai nhức óc”. Chị Hồng Mai (Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) bức xúc: “Đường đã đông nghịt và không thể nhúc nhích được, vậy mà lái xe vẫn bấm còi inh ỏi. Người ta có phải điếc đâu mà bấm liên tục”.

Hiện nay, trên khắp các con phố Hà Nội, người tham gia giao thông cũng có thể bị giật mình bởi những âm thanh kinh hoàng từ những chiếc còi xe này. Không lạ gì cảnh những phương tiện giao thông như xe buýt, xe khách, xe tải bấm còi ầm ĩ, gây khó chịu cho người tham gia giao thông. Theo y học, âm thanh “đinh tai nhức óc” này ảnh hưởng tới sức khỏe con người, không chỉ gây khó chịu cho người đi đường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thính giác của họ nếu mức âm thanh vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Không những thế, tiếng còi lớn còn gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. Thực tế đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xuất phát từ chính “văn hóa bấm còi” này, bởi do quá giật mình và bất ngờ vì tiếng còi to, nhiều người loạng choạng ngã xuống đường và bị xe tải cán tử vong.

Anh Thành Nam (Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy - Hà Nội) chia sẻ: “Từng có dịp đi công tác ở TP.Huế, tôi thấy ở đó, người ta đã cấm sử dụng còi hơi trong thành phố. Ý thức chấp hành của lái xe rất tốt, khiến người dân và khách du lịch thấy thành phố rất yên bình”.

Thiết nghĩ, Hà Nội cũng nên có những biện pháp mạnh để hình thành nên văn hóa bấm còi, trả lại sự yên bình cho những người tham gia giao thông. Hãy cùng chung tay xây dựng văn minh cho Thủ đô từ những điều nhỏ nhất.

Minh Ngọc

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/van-hoa-bam-coi-42960.html