Vận động viên đổ bệnh vì không có chế độ phục hồi sau thi đấu

xA0;Yếu tố phục hồi sau thi đấu có ý nghĩa rất quan trọng với vận động viên, bởi nếu không được phục hồi tốt thì rất khó tiếp tục tập luyện, thậm chí có người còn 'đổ' bệnh.

Bà Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng ban Văn hóa và Xã hội, HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc với các Trung tâm đào tạo - huấn luyện thể dục, thể thao; Trung tâm thi đấu - dịch vụ thể thao và Công ty Cổ phần Sông Lam - Nghệ An.

Đoàn công tác của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh do bà Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng ban làm trưởng đoàn có chuyến giám sát tại các đơn vị sự nghiệp thể dục - thể thao tỉnh sáng 19/4.

Ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện thể dục, thể thao tỉnh, cho rằng: Đặc thù của hoạt động thể dục, thể thao, bao gồm 3 giai đoạn là tập luyện, thi đấu và phục hồi sau thi đấu, trong đó yếu tố phục vụ sau thi đấu có ý nghĩa rất quan trọng, bởi nếu không được phục hồi tốt thì rất khó để tiếp tục tập luyện ở chặng tiếp theo, thậm chí có người còn “đổ” bệnh.

Tuy nhiên, về chế độ dinh dưỡng với vận động viên trong những ngày thi đấu mới chỉ tính từ ngày di chuyển đến hết thi đấu, còn những ngày kế sau lại quay lại chế độ những ngày bình thường. Trong khi đó, có những chuyến sau thi đấu các vận động viên phải di chuyển 2 - 3 ngày trên đường rất vất vả.

Cũng phản ánh bất cập chế độ, chính sách, ông Vũ Lê Hợi - Giám đốc Trung tâm Thi đấu và Dịch vụ thể thao tỉnh nêu: Theo quy định, chế độ cho các lực lượng, an ninh, y tế làm nhiệm vụ tại các giải thể thao được bồi dưỡng 45.000 đồng/người/buổi, không có tiền ăn. Với mức này dẫn đến việc hợp đồng các lực lượng tham gia phục vụ giải của đơn vị rất khó khăn.

Trang thiết bị phục vụ tập luyện tại Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện thể dục, thể thao tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu. Ảnh: Mai Hoa

Ông Hồ Văn Chiêm - Giám đốc Công ty CP Sông Lam - Nghệ An cũng cho rằng: Với tiền ăn chỉ từ 90.000 đến 150.000 đồng/ngày/người đối với vận động viên bóng đá đi thi đấu các giải vô địch toàn quốc từ U11 đến U21, U23 như hiện nay không đảm bảo dinh dưỡng và thể lực khi vào thi đấu ở các vòng chung kết, ảnh hưởng đến thành tích.

Ngoài các vấn đề nêu trên, thông qua giám sát, đoàn công tác của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng đã ghi nhận nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị huấn luyện, thi đấu. Đơn cử, tại Công ty CP Sông Lam - Nghệ An, điều kiện phòng ở của các vận động viên còn rất khó khăn, chật chội. Hiện tại, tổng vận động viên tập trung đào tạo tại CLB bóng đá Sông Lam là 200 người, nhưng phòng ở mới chỉ đáp ứng cho 100 vận động viên.

Hay tại Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện thể dục, thể thao tỉnh, kinh phí được cấp hàng năm mới chỉ trang bị được 1/2 trang thiết bị theo yêu cầu đối với các môn; thậm chí môn lặn, nếu giành kinh phí mua chân vịt thì không có nguồn để mua các thiết bị khác để tập luyện.

Bộ môn lặn chưa được trang bị chân vịt. Ảnh: Mai Hoa

Trên cơ sở ghi nhận thực tiễn, thay mặt đoàn giám sát, bà Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng ban Văn hóa -Xã hội, HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát đề nghị các đơn vị, trên cơ sở chế độ, chính sách hiện hành cần quan tâm đảm bảo tốt nhất; có giải pháp bố trí người phục vụ nấu ăn, đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho các vận động viên; chú trọng công tác vệ sinh môi trường trong môi trường tập luyện và sinh hoạt, góp phần nâng cao sức khỏe cho các vận động viên.

Chia sẻ với những khó khăn của các đơn vị, đoàn ghi nhận về những bất cập về định mức cấp phát trang thiết bị và chế độ, chính sách để nghiên cứu, đề xuất với HĐND tỉnh xem xét, bổ sung trong thời gian tới.

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/thoi-su-chinh-tri/201704/van-dong-vien-do-benh-vi-khong-co-che-do-phuc-hoi-sau-thi-dau-2801179/