Vấn đề hiến-ghép tạng: Làm thế nào để tăng tỷ lệ người hiến tặng mô tạng?

Nhiều nước trên thế giới quy định, nếu đến tuổi thành niên (18 tuổi) đủ điều kiện hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não, nếu không đăng ký từ chối hiến thì mặc nhiên được chấp nhận là tình nguyện hiến tặng sau khi chết, chết não.

Một số đề xuất thay đổi hình thức đăng ký hiến tặng mô tạng

Điều 18, 19 của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, người muốn hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não hoặc hiến xác phải bày tỏ nguyện vọng dưới dạng đơn đăng ký hiến tặng, khác với các nước phát triển, việc đăng ký hiến tạng được thực hiện dưới hình thức đăng ký từ chối hiến tặng (nếu không muốn hiến tặng mô, tạng sau khi chết thì phải đăng ký). Đây là quy định hết sức chặt chẽ, thể hiện mạnh mẽ tâm nguyện của người hiến tặng, không làm khác biệt với thói quen của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, đối với việc đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não thực tế rất khó khăn ở nước ta hiện nay vì Việt Nam chưa có thói quen hiến tặng và đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não, do đó sẽ vô cùng khó khăn và mất rất nhiều thời gian, thậm chí mất đến nhiều thế hệ nếu để tổ chức tuyên truyền, vận động mọi người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa nhân đạo của việc hiến tặng mô, tạng để từ đó làm thay đổi nhận thức, tình cảm tiến tới tình nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết, chết não.

Bệnh nhân được ghép tim tại BV Việt Đức. Ảnh: TM

Nên quy định thay thế hình thức đăng ký hiến tặng bằng cách ký đơn tình nguyện hiến tặng bằng hình thức đăng ký từ chối hiến tặng. Nghĩa là, nếu đến tuổi thành niên (18 tuổi) đủ điều kiện hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não, nếu không đăng ký từ chối hiến thì mặc nhiên được chấp nhận là tình nguyện hiến tặng sau khi chết, chết não. Đây là quy định hiện đang được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng.

Đề nghị sửa đổi, bổ sung vào hệ thống pháp luật về cấp bằng lái xe, cấp chứng minh thư, cấp thẻ định danh công dân, hộ chiếu và cấp thẻ BHYT, theo đó bất kỳ ai khi đề nghị cấp bằng lái xe hoặc cấp CMND, cấp thẻ định danh công dân, hộ chiếu hoặc cấp thẻ BHYT sẽ có mục trả lời câu hỏi có tình nguyện hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não không? nếu có sẽ được đưa vào một nội dung thể hiện cấu thành trên bằng lái xe, CMND, thẻ định danh, hộ chiếu hoặc thẻ BHYT đó. Với quy định này sẽ góp phần truyền thông mạnh mẽ, thiết thực và làm tăng số lượng người đăng ký hiến tặng mô, tạng lên rất nhiều lần. Đây cũng là quy định ở hầu hết tất cả các nước trên thế giới đang áp dụng có hiệu quả.

Số người đăng ký hiến tặng mô, tạng còn thấp

Theo quy định tại Điều 18, 19 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, sau khi người đăng ký vào đơn hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não và hiến xác thì sẽ được khám sức khỏe, tư vấn rồi mới cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng và thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng đó là cơ sở pháp lý cho việc lấy mô, tạng sau khi chết, chết não và lấy xác. Tuy nhiên, trên thực tế sau gần 10 năm triển khai thực hiện Luật, mới chỉ tiếp nhận được đơn hiến và cấp được gần 6.000 thẻ đăng ký hiến tặng và ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng (thực chết, số lượng thẻ đăng ký được cấp mới chỉ bắt đầu từ năm 2013 - kể từ ngày Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người được thành lập). Đây là con số bước đầu vô cùng bé nhỏ, trong khi đó, mỗi năm số người chết già, đặc biệt là chết do tai nạn giao thông lên đến chục ngàn người, nếu chỉ cần 10% trong số người chết do tai nạn giao thông, chết già hoặc chết não tình nguyện hiến tặng mô, tạng thì đã có hàng chục ngàn người được cứu sống mỗi năm.

Mặt khác, việc quy định ngay sau khi ký đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não sẽ được cơ sở y tế tổ chức kiểm tra sức khỏe cho người hiến với những quy trình chuyên môn chặt chẽ, nhưng kinh phí dành cho việc tổ chức khám, kiểm tra sức khỏe này không được quy định trên thực tiễn nên dẫn tới không khả thi trong việc tổ chức khám, kiểm tra các thông số sức khỏe trước khi cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não. Mặc dù quy định này là hết sức quan trọng và ý nghĩa, bảo đảm cho việc tiếp nhận, lấy, ghép mô, tạng kịp thời, nhanh chóng từ người hiến tặng chết não.

Về vấn đề điều kiện đối với cơ sở y tế lấy, ghép mô, tạng, theo quy định tại Điều 16, cơ sở y tế lấy, ghép tạng phải có đủ các điều kiện đặc biệt, trong đó có “đơn vị ghép thực nghiệm”. Tuy nhiên, trên thực tế đây là một quy định không còn phù hợp vì để xây dựng một đơn vị ghép thực nghiệm rất tốn kém, trong khi đó các cơ sở y tế có thể cử cán bộ y tế tới học tập, thực hành ở các cơ sở y tế đã và đang tiến hành lấy, ghép mô, tạng vừa bảo đảm tính khả thi, vừa giảm thiểu chi phí không cần thiết.

Nguyễn Hoàng Phúc (Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - Bộ Y tế)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/van-de-hien-ghep-tang-lam-the-nao-de-tang-ty-le-nguoi-hien-tang-mo-tang-n124706.html