Vấn đề chống khủng bố 'đốt nóng' Hội nghị G7

Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 diễn ra tại thành phố Ta-ô-mi-na, trên đảo Xi-xin, I-ta-li-a, trong bối cảnh thế giới và đặc biệt là châu Âu đang phải chứng kiến sự đe dọa chưa từng có từ chủ nghĩa khủng bố. Vụ tấn công tự sát làm 22 người chết ở Anh hôm 22-5 ngay trước thềm Hội nghị đã khiến việc đối phó với chủ nghĩa khủng bố trở thành một chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự...

Các nhà lãnh đạo G7 tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tại I-ta-li-a. Ảnh: BBC

Ra tuyên bố chung về chống khủng bố

Ngày 26-5, kết thúc ngày làm việc đầu tiên trong khuôn khổ hội nghị, những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ nhóm G7 đã thông qua một Tuyên bố chung gồm 15 điều về đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan trên toàn cầu. Theo đó, tuyên bố nhấn mạnh rằng các nước thuộc nhóm G7 coi chống khủng bố là ưu tiên chủ chốt và sẽ cùng nhau có những hành động cứng rắn nhất để "tìm kiếm, nhận dạng, xóa bỏ và trừng phạt mọi kẻ khủng bố cũng như những thế lực ủng hộ", không phân biệt đó là hành động khủng bố chống lại các thành viên G7 hay các quốc gia, khu vực khác. Các nước tham gia cũng cam kết rằng những nỗ lực chống khủng bố sẽ được nâng lên ở một mức độ cao hơn để điều tra, ngăn chặn và truy lùng những nhân tố khủng bố.

Tuyên bố cũng kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ nternet cùng các mạng xã hội nỗ lực hơn nữa trong việc ngăn chặn các nội dung kích động và truyền bá tư tưởng cực đoan của các đối tượng khủng bố.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo G7 cũng khẳng định sẽ tiếp tục gia tăng sức ép lên Triều Tiên sau các động thái gây gia tăng căng thẳng vừa qua của Bình Nhưỡng, đồng thời kêu gọi Nga và I-ran sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để đẩy mạnh việc thực thi lệnh ngừng bắn tại Xy-ri.

Vẫn còn nhiều bất đồng

Kết thúc hai ngày họp, hội nghị đã đưa ra thông cáo chung, trong đó đề cập đến một loạt vấn đề quan trọng như tình hình bán đảo Triều Tiên, thương mại, biến đổi khí hậu và tình hình Biển Đông. Tuy nhiên, theo Reuters, Hội nghị Thượng đỉnh lần này vẫn xuất hiện nhiều bất đồng giữa các thành viên G7, đặc biệt về vấn đề biến đổi khí hậu và di cư.

Các lãnh đạo G7 đã nhất trí cho phép chính quyền Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm (Donald Trump) thêm thời gian để quyết định liệu Mỹ có tiếp tục ủng hộ Hiệp định Pa-ri về chống biến đổi khí hậu hay không. Sáu thành viên G7 sẽ tiếp tục thực thi thỏa thuận này và đợi quyết định từ phía Mỹ, có thể sẽ được đưa ra vào tuần tới.

Trước đó, Thủ tướng I-ta-li-a Pao-lô Ghen-ti-lô-ni (Paolo Gentiloni) đã cho biết, ngoại trừ Mỹ, tất cả các quốc gia khác là Nhật Bản, Pháp, Ca-na-đa, Anh, Đức, I-ta-li-a đều xác nhận sẽ tham gia hiệp định cắt giảm khí thải nhà kính nhằm ngăn chặn Trái đất nóng lên quá 20C. Đây là lần đầu tiên ông Đ.Trăm tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 trên cương vị Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, theo Thủ tướng I-ta-li-a, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm chưa đưa ra lập trường rõ ràng liên quan đến Hiệp định Pa-ri về chống biến đổi khí hậu. Ông Ghen-ti-lô-ni bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ thông qua văn kiện này sau khi xem xét và cân nhắc kỹ về tầm quan trọng của hiệp định.

Về phần mình, Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel) cho rằng, sẽ không phù hợp nếu chính quyền Oa-sinh-tơn tìm cách đối đầu với hàng trăm quốc gia tham gia ký kết Hiệp định Pa-ri về chống biến đổi khí hậu. “Tất cả những người tham gia Hội nghị đã trình bày những lập luận của mình song đều nhất trí ủng hộ hiệp định về chống biến đổi khí hậu. Còn mỗi Mỹ, thành viên của hiệp định chống biến đổi khí hậu đang chần chừ”, bà nói.

Trong khi đó, ngày 27-5, lãnh đạo G7 đã có buổi họp với nguyên thủ một số quốc gia châu Phi gồm Ê-thi-ô-pi-a, Kê-ni-a, Ni-giê, Ni-giê-ri-a và Tuy-ni-di. Đây là 5 nước châu Phi có vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng người di cư trên Địa Trung Hải khi những nước này là nơi xuất phát hoặc là điểm trung chuyển của hàng trăm nghìn người di cư muốn đến châu Âu. Tuy nhiên bất chấp những nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngăn chặn dòng người nhập cư, bất đồng vẫn xảy ra giữa lãnh đạo các nước tham dự hội nghị. Điều này đã cản trở mong muốn ra tuyên bố chung của nước chủ nhà I-ta-li-a về lợi ích và khó khăn của việc nhập cư. Các nhà lãnh đạo G7 cũng chưa thể đưa ra được giải pháp giúp các nước châu Phi phát triển kinh tế, từ đó thuyết phục thế hệ trẻ châu Phi ở lại quê hương. Thêm vào đó, nhiều chỉ trích đã nổ ra xung quanh việc Mỹ muốn áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với người dân đến từ 6 nước có đông người Hồi giáo.

Những mâu thuẫn về thương mại toàn cầu cũng xuất hiện trong hội nghị, khi ông Trăm tuyên bố ủng hộ các biện pháp bảo hộ, cho rằng Mỹ đang phải chịu đựng hậu quả do các quy định thương mại không công bằng từ một số đồng minh phương Tây quan trọng, trong đó có Đức, cũng như từ Trung Quốc và một số nước đang phát triển. Tuy rằng sau đó, nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã đồng ý với thông cáo chung của G7 về việc tái cam kết mở rộng thị trường và "chống chủ nghĩa bảo hộ".

HÀ LAN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/van-de-chong-khung-bo-dot-nong-hoi-nghi-g7-508470