Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018

Ngày 28/8, tại Hà Nội, đã diễn ra phiên họp kín lần hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Tại cuộc họp lần này, vì các bên vẫn đưa ra các mức tăng lương tối thiểu vùng 2018 khá chênh lệch nhau, nên chưa chốt được mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018.

Chỉ 51,3% người lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống. Ảnh: Bùi Nụ.

Nâng lên hay hạ xuống?

Phiên họp do ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia chủ trì. Đại diện bên phía người lao động là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam do ông Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đại diện, về phía chủ sử dụng lao động do ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) làm đại diện.

Trao đổi với báo chí trước phiên họp, ông Lê Đình Quảng, Phó Ban quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho biết, trong quá trình thương lượng, bên Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng 10% (giảm 3,3% so với mức đề xuất ở phiên họp trước) để các bên thảo luận, bởi tình hình kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm kinh tế phát triển ổn định.

Tại cuộc họp các bên đã đưa ra các mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng theo hướng trao đổi, thảo luận để hướng tới sự cân bằng, theo đó phía Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam bên cạnh mức đề xuất trước đó là 13,3% đã công bố thêm một mức đã giảm hơn so với phương án trước đó. Cụ thể, nếu lộ trình kết thúc vào năm 2019 thì mức tăng phải là 10%. Nếu lộ trình lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu vào năm 2018, thì mức tăng phải là 13,3%.

Về phía đại diện cho doanh nghiệp, VCCI đã chấp nhận đưa mức tăng lên trên 5% (phiên trước là 5% - PV). Còn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 5%.

Trong khi đó, Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia cũng đề xuất 4 phương án mới để các bên tham khảo. Theo đó, mức điều chỉnh năm 2018 thấp nhất là 5% và cao nhất là 8%. Cụ thể, phương án 1, sẽ có mức tăng lương tối thiểu từ 130.000 - 180.000 đồng, tương đương 4,8 - 5,2% (bình quân 5%). Phương án 2, tăng mức lương tối thiểu từ 160.000 – 220.000 đồng, tương đương 5,9 - 6,2% (bình quân 6%).

Phương án 3, tăng mức lương tối thiểu tăng từ 180.000 – 250.000 đồng, tương đương 6,6 - 7,0% (bình quân 6,8%, bằng mức điều chỉnh phương án 1 và cải thiện thêm 1,8% theo mức đóng góp tối đa của lao động vào GDP). Và phương án 4, tăng mức lương tối thiểu từ 220.000 – 280.000 đồng, tương đương 7,5 - 8,5% (bình quân 8%).

Vì mức tăng còn có sự chênh lệch khá lớn nên vẫn chưa đạt được sự đồng thuận và sẽ tiếp tục trao đổi, thỏa thuận.

Chưa thể chốt

Tại hành lang phiên họp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc điều chỉnh lương tối thiểu năm 2018 là cần thiết nhưng các bên cũng cần chia sẻ với doanh nghiệp bởi nhiều khó khăn hiện tại. Đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, giày da, thủy sản, điện tử… Bởi nếu tăng cao, nguy cơ doanh nghiệp phải điều chỉnh cơ cấu, cắt giảm lực lượng lao động, tăng số lượng thất nghiệp...

“Tôi cho rằng trong bối cảnh hiện tại, việc tăng lương tối thiểu sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp, sẽ đội giá thành sản xuất cao lên. Nên chúng tôi đề nghị Hội đồng cân nhắc làm sao cho mức phù hợp để đảm bảo cho mức cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực chi trả của doanh nghiệp, qua đó tạo nguồn việc làm bền vững", ông Hoàng Quang Phòng bày tỏ quan điểm của mình.

Nêu quan điểm về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội da giầy và túi sách Việt Nam cho biết, ủng hộ tăng lương tối thiểu vùng, tuy nhiên nên tăng ở mức hợp lý, cân bằng với tình hình sản xuất. Trên thực tế, với tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 ở mức 7%, sau khi cộng các chi phí khác, trong đó có tăng mức đóng Bảo hiểm xã hội, phí công đoàn khiến tổng chi phí của các doanh nghiệp trong hiệp hội tăng khoảng 10%. Do đó, nếu tiếp tục tăng lương tối vùng quá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, việc các bên đề xuất mức tăng chênh lệch nhau là việc bình thường. Nhà nước mong muốn người lao động có việc làm, được san sẻ. Phía người lao động mong muốn cải thiện thu nhập, tiền lương, phúc lợi của mình ở mức cao nhất. Mức cao nhất này có thỏa mãn được hay không thì phù hợp năng lực chi trả trong khả năng của doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp thì mong muốn giảm thiểu chi phí, tăng lợi nhuận để có điều kiện tích lũy, mở rộng sản xuất, cải thiện máy móc thiết bị để tạo ra giá trị tăng thêm tốt hơn. Chính vì có sự chênh lệch nên mới quá trình thương lượng. Các bên sẽ tiếp tục thương lượng để đạt được sự đồng thuận.

Theo ông Diệp, nếu không đồng thuận, các bên sẽ tiếp tục thương lượng tại phiên cuối cùng và bỏ phiếu mức tăng lương tối thiểu vùng trên cơ sở đề xuất của Chủ tịch Hội đồng tiền lương trước khi trình Thủ tướng ra quyết định tăng lương tối thiểu vùng 2018. Tất nhiên, Luật Lao động khẳng định lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu. Mức tăng sẽ tùy thuộc vào kết quả thương lượng của các bên. Việc áp dụng cơ chế quản lý hành chính vào việc thương lượng là không hợp lý, tất cả phải dựa vào nguyên tắc đồng thuận của các bên.

Đặc biệt, trong quy chế của hội đồng, các thành viên không thể không bỏ phiếu. Các thành viên có thể bỏ phiếu trống chứ không được không bỏ phiếu. Bởi mỗi thành viên của Hội đồng Tiền lương quốc gia phải chịu trách nhiệm với tập thể mà mình đại diện.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/van-con-nhieu-xung-dot-trong-phien-hop-lan-thu-hai-ve-muc-tang-luong-toi-thieu-vung-nam-2018.aspx