Vẫn còn bất bình đẳng về giới trong lĩnh vực lao động

(VH)- Trong hai ngày 2-3.2, tại TP.HCM, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức hội thảo “Vấn đề giới và pháp luật lao động” nhằm phân tích, đánh giá những bất cập về giới trong pháp luật lao động hiện nay. Qua đó đề xuất các giải pháp để hiện thực hóa vấn đề giới và pháp luật lao động trong cuộc sống.

Khoản 1 Điều 13, Luật Bình đẳng giới quy định: Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng lao động, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc, tiền công, tiền thưởng, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác. Bên cạnh đó, bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động – việc làm được quy định: Bình đẳng về cơ hội việc làm và quyền tự do lựa chọn việc làm; bảo đảm việc làm, chống phân biệt đối xử. Đặc biệt, đối với lao động nữ (LĐN) là quyền được bảo vệ sức khỏe, an toàn lao động, trong đó có chức năng sinh sản và nuôi con,... Tuy nhiên, bà Trịnh Thu Nga (Viện Khoa học Lao động và Xã hội) cho biết, qua các cuộc điều tra về lao động – việc làm hiện nay, tỷ lệ và số lượng tham gia lực lượng lao động của phụ nữ thấp hơn so với nam giới. Điều đáng nói là khoảng cách này có xu hướng ngày càng tăng; chất lượng của lực lượng LĐN dù được cải thiện song vẫn còn thấp hơn so với chất lượng của lực lượng lao động nam giới. Phần lớn LĐN ít được tiếp cận với việc làm an toàn và bảo trợ xã hội; tiền lương và thu nhập bình quân của LĐN luôn thấp hơn so với lao động nam. Về vấn đề này, ông Lương Phan Cừ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, qua hoạt động tham vấn nhằm đánh giá tình hình thực hiện và kiến nghị sửa đổi bổ sung pháp luật lao động đối với LĐN cho thấy có khá nhiều doanh nghiệp (DN) vi phạm pháp luật lao động đối với LĐN; thậm chí còn trốn tránh thực hiện vì cho rằng những quy định riêng đối với LĐN làm tăng gánh nặng tài chính cho DN. Ông Cừ cho biết thêm, nhiều thông báo tuyển dụng khi tuyển dụng lao động đối với LĐN có quy định, như yêu cầu có độ tuổi trẻ hơn nam, yêu cầu cam kết thời gian lấy chồng và sinh con cùng với các yêu cầu khác về chiều cao, hình dáng,... Những quy định thiếu bình đẳng như thế sẽ liên quan đến hôn nhân và việc sinh con của LĐN. Có nhiều trường hợp LĐN đã mang thai đến tháng thứ 7 nhưng vẫn phải làm việc trên 10 giờ/ngày. Mặt khác việc quy định tuổi về hưu của nữ thấp hơn nam là bất bình đẳng đối với nữ. Do nếu tiếp tục được làm việc, phụ nữ sẽ có cơ hội thăng tiến, cải thiện được các mức lương trung bình nhằm làm căn cứ để tính mức lương hưu. Vì thế, ông Cừ cho rằng cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động (BLLĐ) các chính sách dành cho trẻ em được thực hiện thông qua người mẹ (LĐN), cần ưu đãi hơn đối với DN, tổ chức sử dụng nhiều LĐN; tăng thời gian nghỉ thai sản cho LĐN, bổ sung những quy định mang tính chế tài đủ mạnh để thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật lao động đối với LĐN. Thứ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Phạm Minh Huân cho biết Dự thảo BLLĐ sửa đổi lần 2 (đang được đăng trên trang web của Chính phủ và trang web của Bộ LĐ, TB&XH để lấy ý kiến trong toàn xã hội) có những quy định và các chế định cụ thể về việc làm; hợp đồng lao động; đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề; thỏa ước lao động tập thể; về tiền lương, thời gian làm việc, nghỉ ngơi,... Đặc biệt có những quy định riêng đối với LĐN nhằm bình đẳng về cơ hội việc làm và bảo đảm các điều kiện cần thiết riêng cho LĐN tại nơi làm việc. Đồng thời cũng quy định cụ thể về chính sách cho vay đối với DN sử dụng nhiều LĐN. Bên cạnh đó, các quyền của LĐN và quyền của người sử dụng LĐN cũng được quy định khá chi tiết. Theo bà Phạm Thị Thanh Hồng, Phó trưởng ban Nữ công (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), các tổ chức Công đoàn cần nhận thức đầy đủ các đặc điểm của LĐN trong nền kinh tế thị trường và thời kỳ hội nhập với việc tham gia xây dựng chính sách pháp luật lao động đối với LĐN. Ngoài ra, Công đoàn phải tuyên truyền tích cực đến LĐN những chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi của mình để tự bảo vệ bản thân. Đồng thời lắng nghe tiếng nói của phụ nữ trong thực tiễn lao động. PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cũng cho biết, bất bình đẳng giới trong dạy nghề vừa là một trong những căn nguyên gây ra nghèo đói, vừa là yếu tố cản trở lớn đối với sự phát triển kinh tế. Do đó, giải quyết bất bình đẳng trong lĩnh vực dạy nghề là tạo quyền cho LĐN tránh được thiệt thòi. Hoàng Hải

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/doisong/23825.vho