Văn chương thị trường: cần một cái nhìn đa chiều

Khoảng chục năm trở lại đây trên một số diễn đàn, báo, tạp chí, báo điện tử… mọi người bàn luận khá nhiều về 'văn chương thị trường' (*). Nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra khi nhận định, đánh giá thực trạng cũng như đề xuất các giải pháp quản lý dòng văn chương này, và không ít người cho rằng nó đang có nguy cơ khuynh loát các dòng văn chương khác và làm xáo trộn, lệch lạc thị hiểu thẩm mỹ của giới trẻ hôm nay.

Những dòng sách thị trường có đông độc giả

Đôi điều cần làm sáng tỏ

Đáng chú ý là gần đây, trong bài viết của mình một số người đã đưa ra những cái nhìn tương đối sát thực tế cùng một số ý kiến, nhận định khá táo bạo, rất đáng quan tâm và chia sẻ. Tuy nhiên vẫn có những vấn đề cần được làm sáng tỏ nhằm mang đến cho công chúng văn chương có một cái nhìn đa chiều.

Có ý kiến cho rằng, những năm gần đây diễn ra sự thay đổi trong quan niệm giá trị của cộng đồng đọc sách văn học. Ý kiến này nghe qua có vẻ ổn vì đấy là một hiện tượng có thực trong đời sống văn chương nước nhà những năm gần đây. Nhưng ngẫm kỹ lại thấy có vấn đề bởi theo tôi, cụm từ “cộng đồng đọc sách văn học” là mơ hồ, chung chung và chưa chính xác và bạn đọc hôm nay không phải tất cả đều yêu thích văn chương thị trường, mà chỉ có một bộ phận, chủ yếu là giới trẻ thôi. Cũng vì thế, không thể nói tất cả bạn đọc đều thay đổi trong quan niệm giá trị được.

Cũng tác giả bài viết này cho rằng “Trong thời kì trước đây, công chúng văn học của chúng ta “thuần” hơn. Ngày ấy người ta không đòi hỏi gì nhiều và thật ra cũng không có điều kiện để đòi hỏi vì chiến tranh, vì khó khăn về giấy má in, vì giao lưu quốc tế chưa mở rộng… Đấy là chưa kể tình trạng “bao cấp” trong phát hành sách làm cho người đọc không có đầy đủ quyền lựa chọn những tác phẩm mà mình yêu thích. Đã có một thời do thói quen phân phối, bao cấp, với giá bán sách rẻ như cho nên in ra bao nhiêu cũng hết dù chất lượng thế nào. Vì vậy đã dẫn đến tình trạng người viết không quan tâm đầy đủ đến người đọc và người đọc không có đủ quyền đặt hàng cho người viết.

Ở đây có hai điểm cần quan tâm là “trong thời kì trước đâyý tác giả muốn nói là thời kỳ chiến tranh. Thế còn thời kỳ hòa bình từ 1954-1964 ở miền Bắc và thời kỳ 1975-2005, tức là quãng thời gian chưa có sự phát triển ồ ạt của văn chương thị trường, trong cả nước thì sao? Như vậy, quãng thời gian mà tác giả đoạn văn trên đưa ra là không bao hàm hết những vấn đề của đời sống văn chương thời kỳ trước năm 2005.

Sau khi đưa ra một số đặc điểm của văn chương “thời kỳ trước đây”, do các điều kiện khách quan của thời chiến như in ấn khó khăn, sách bán rẻ, chưa có giao lưu quốc tế... rồi tác giả đoạn văn trên đi đến kết luận: “Vì vậy đã dẫn đến tình trạng người viết không quan tâm đầy đủ đến người đọc và người đọc không có đủ quyền đặt hàng cho người viếtlà vội vã và thiếu tính thuyết phục. Không thể nói do điều kiện khách quan như trên mà dẫn đến việc người viết không quan tâm đến người đọc. Người viết dù có muốn quan tâm, nhưng tài năng, sức lực anh ta chỉ có vậy thì biết làm sao. Ý muốn cá nhân nhà văn là một chuyện, còn việc có thực hiện được ý muốn ấy hay không lại là việc khác.

Thử hỏi, ngay cả những nhà văn có tên tuổi hẳn hoi đã mấy ai đã “đi vào đời sống của cái tôi bản thể… phô bày quyền sống, lẽ sống, nhu cầu sống của con người trong từng giây phút hiện sinh được chưa? Có chăng cả đời họ cũng chỉ có được một vài cuốn đạt được tiêu chí này, còn lại vẫn là viết để kiếm bát cơm, manh áo hoặc viết như một thói quen khó bỏ. Thế thì làm sao đòi hỏi văn chương thị trường có thể làm được điều ấy. Không phải tất cả các cây bút của văn học thị trường và bạn đọc trẻ đều: “Đã bị thủ tiêu do chỗ người đọc và tác giả không còn có ý nghĩa chủ thể nữa mà đã bị biến thành phương tiện cho những mục đích ngoài văn học”. Minh chứng là các trường hợp như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Nhật Ánh, Vi Thùy Linh, Di Li, Thuận và nhiều người khác đâu có mất “ý nghĩa chủ thể”, mà hơn thế họ còn là những cây bút văn chương thị trường khá nổi tiếng đấy thôi. Cũng cần nói thẳng văn chương thị trường cũng có năm bảy loại. Vàng có, mà rác cũng có. “Người ta tìm đến văn học thị trường không phải vì nghệ thuật... Nếu cứ như thế, hệ quả nhãn tiền là chúng ta sẽ chứng kiến một nền văn học mà thực chất không phải là văn học, nhợt nhạt trong những sắc thái hời hợt. Từ đó, những lo ngại về sự xuống cấp của thị hiếu, đời sống tinh thần”. Nhận xét này không có gì mới, chỉ phản ánh sự âu lo của một số người. Tuy nhiên sự âu lo ấy lại không có cơ sở và có vẻ như thái quá. Sẽ không bao giờ có chuyện phải “chứng kiến một nền văn học mà thực chất không phải là văn học như nhiều người nhầm tưởng. Bởi lẽ, ngoài dòng văn chương thị trường, vẫn còn đấy các dòng văn chương truyền thống và cách mạng, văn chương tinh hoa và hàn lâm vẫn song song tồn tại ngay thời điểm này.

Thiết nghĩ cần phải có một cái nhìn thật sự thấu đáo, đa chiều để thấy đối với văn chương nghệ thuật thì quý hồ tinh bất quý hồ đa, không nên lấy số lượng sách bán ra để định giá trị tư tưởng và thẩm mỹ cho một tác phẩm, một trào lưu hay một dòng văn chương.

Ảnh minh họa (nguồn Kim Đồng)

Đi tìm giải pháp

Văn chương thị trường ra đời là một tất yếu khách quan do sự đòi hỏi của đời sống văn chương, thị hiếu thẩm mĩ của một bộ phận công chúng cũng như sự chế định của nền kinh tế thị trường.

Nền kinh tế thị trường thường gắn liền với sản xuất và lưu thông hàng hóa theo quy luật cung - cầu. Văn chương thị trường là một loại hàng hóa bình đẳng với các loại hàng hóa khác, chứ không phải là hàng hóa đặc biệt như một số người nhầm tưởng, cùng nằm trong nền kinh tế ấy, ắt không thể đứng ngoài sự chi phối, thậm chí là quyết định của quy luật cung - cầu nói trên. Có lẽ vì thế mà người ta gọi nó là “văn chương thị trường”. Nhưng vì nó đáp ứng được nhu cầu của số đông giới trẻ thiên về tìm kiếm sự giải trí đơn thuần, ít quan tâm đến các giá trị tư tưởng và thầm mỹ nên dòng văn chương này còn có tên gọi là “văn chương đại chúng”.

Nhưng có một vấn đề cần đặt ra là, trong nền kinh tế thị trường liệu có tồn tại các dòng văn chương nào khác như văn chương chính thống, văn chương cách mạng, văn chương dân gian, văn chương tinh hoa, văn chương hàn lâm... hay duy nhất chỉ có dòng văn chương thị trường? Và ngoài tính chất giải trí là chủ yếu của dòng văn chương này có tồn tại các tính chất khác như: giáo dục, thẩm mỹ, nhận thức... không? Nếu có sự tồn tại đồng thời các dòng văn chương khác nhau như vừa nói trên thì chúng ta không nhất thiết phải nhìn dòng văn chương thị trường một cách quá khắt khe, coi nó như kẻ thù của những dòng văn chương khác và là hiểm họa tiêu diệt những người anh em sinh ba, sinh bốn đồng tồn với nó...

Còn chuyện văn chương thị trường chiếm lĩnh thị trường của giới trẻ những năm gần đây bởi vì nó đáp ứng được nhu cầu thị trường của giới trẻ. Có cầu, ắt sẽ có cung. Cũng như văn chương truyền thống cách mạng trước đây từng một thời làm mưa, làm gió trong đời sống xã hội nước ta, rồi trải qua một thời kỳ thoái trào như hiện nay cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên đâu đấy vẫn có những cây bút trung thành với dòng văn chương này, nhưng đã có lối viết mới. Minh chứng là tiểu thuyết Hồ Quý Ly của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, xuất bản năm 2000, đến nay đã tái bản tới trên 15 lần, lượng bản in lên tới hơn 500 ngàn bản. Đấy là chưa kể đến các tiểu thuyết sau của ông như Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa hay gần đây nhất là Chuyện ngõ nghèo, tuy số lượng in một lần không nhiều như một số tác phẩm văn chương thị trường, nhưng sức sống của chúng lại bền lâu hơn rất nhiều trong lòng độc giả yêu thích văn chương đích thực.

Có lẽ nên nhìn nhận văn chương thị trường như một hiện tượng lịch sử văn hóa tất yếu. Nó được sinh ra để đáp ứng như cầu thị trường hơn là nhu cầu thẩm mĩ của văn chương đích thực. Dòng văn chương thị trường là một đối trọng cần thiết, kích thích sự phát triển của các dòng chương khác già nua, cũ kỹ. Muốn chiếm lĩnh được công chúng bạn đọc, nhất là giới trẻ hôm nay buộc các nhà văn bất luận thuộc dòng văn chương nào cũng phải biết tự làm mới mình, đáp ứng nhu cầu thị hiếu công chúng hiện đại mà vẫn không tự đánh mất mình. Còn văn chương thị trường, nhiều lúc, nhiều nơi và nhiều người đã không còn là mình nữa, có thể bị chi phối từng phần hoặc toàn phần của quy luật giá cả thị trường, nên cùng lắm chỉ là hàng bán được, thậm chí là best - seller, cũng chẳng bao giờ là dòng văn chương đích thực cả. Cũng giống như các trào lưu, dòng văn chương trước đây: Thơ Mới, Tiểu thuyết Thứ Bảy, Xuân Thu Nhã tập, và gần đây như thơ của nhóm Ngựa Trời, Mở Miệng ở phía Nam hay Hậu hiện đại, Thơ cách tân... ở phía Bắc, tự truyện Lê Vân yêu và sống của Lê Vân, Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, Dại tình của Bùi Bình Thi... từng rầm rộ một thời, rồi nhanh chóng rơi vào quên lãng. Công chúng và thị trường tự biết cách đào thải chúng qua thời gian.

Như Hegel đã từng nói: Cái tồn tại là cái hợp lý, vậy có thể suy ra cái hợp lý ắt sẽ tồn tại, nên chúng ta cần phải biết sống chung với nó. Còn ý kiến đào tạo công chúng như một vài người đưa ra là một ngụy lý, vì nó không bao giờ khả thi. Công chúng muôn đời vẫn là công chúng, không cần ai đào tạo, cũng không thể dùng các mệnh lệnh hành chính can thiệp thô bạo vào quyền giải trí cũng như thưởng thức tác phẩm văn chương của họ dù đấy là loại, dòng văn chương nào.

Đỗ Ngọc Yên

----------------

(*) “Văn chương thị trường” hay “Văn học thị trường”: chỉ các tác phẩm nặng tính giải trí - xuất hiện thường xuyên. Các tác phẩm theo dòng văn học này trở thành xu hướng và luôn nằm trong danh sách bán chạy.

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/doi-song-van-hoc/van-chuong-thi-truong-can-mot-cai-nhin-da-chieu-246872.html