Vẫn chưa xử lý trách nhiệm trong sai phạm tại Đại học Điện lực

Sau khi có kết luận thanh tra những vi phạm của trường Đại học Điện lực, Bộ Công Thương đã có thông tin mới nhất về việc thực hiện kết luận thanh tra. Tuy nhiên, ngoài thống kê những đầu việc đã làm, chưa có hình thức xử lý trách nhiệm cụ thể nào được Bộ này đưa ra.

Thông tin của Bộ Công Thương cho biết: Sau khi có kết luận thanh tra, ngày 12/10/2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 4088/QĐ-BCT về việc thành lập Tổ công tác đôn đốc, giám sát việc thực hiện Kết luận thanh tra về một số sai phạm, hạn chế của Trường Đại học Điện lực trong công tác tuyển sinh, liên kết đào tạo, quản lý chất lượng đào tạo...

Tổ công tác sau đó đã yêu cầu Trường Đại học Điện lực (EPU), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện các kiến nghị. Sau đó, EPU đã 3 lần có văn bản (từ tháng 10 đến tháng 12/2016) báo cáo thực hiện Kết luận thanh tra. Được biết, đến 29/12/2016, EPU đã thu được hơn 31 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trường này cũng đã kiểm tra, rà soát các khoản thu, chi tài chính của một số lớp liên kết đào tạo... Rà soát số sinh viên của các lớp liên thông liên kết về điều kiện đầu vào, tuyển sinh, kết quả đào tạo, điều kiện tốt nghiệp...

Việc kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Trường khi để xảy ra các sai phạm, thiếu sót và tiến hành xử lý kỷ luật cũng được nhắc đến trong thông báo của Bộ Công Thương, tuy nhiên không cụ thể đã kiểm điểm trách nhiệm với những cá nhân, tập thể nào và mức độ xử lý ra sao.

Đại học Điện lực

Được biết, việc thực hiện Kết luận thanh tra liên quan đến nhiều nội dung về công tác tuyển sinh, đào tạo, tài chính, xử lý kỷ luật... nên Trường Đại học Điện lực đang tiếp tục thực hiện các kiến nghị của Bộ Công Thương.

Đối với EVN, căn cứ các kiến nghị của Bộ Công Thương, Tập đoàn này đã làm một số việc: Ban hành văn bản gửi Trường Cao đẳng nghề Điện, Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung, Trường Cao đẳng điện lực thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu thực hiện đúng quy định về tuyển sinh, thu phí và lệ phí...

Trước đó, theo kết luận của Thanh tra Bộ Công Thương, EPU đã tuyển sinh vượt 34.270 sinh viên so với chỉ tiêu được Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD & ĐT) giao... Trường này cũng đã báo cáo không trung thực với Bộ GD & ĐT về các điều kiện thực tế của trường nhằm tăng chỉ tiêu đăng ký tuyển sinh một cách vô tội vạ.

Trong các năm từ năm 2011 đến năm 2013, EPU đã tuyển sinh 1.699 đối tượng có điểm trúng tuyển thấp hơn điểm trúng tuyển do trường công bố. Năm 2011 - 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, nhà trường đã tuyển sinh các đối tượng tốt nghiệp cao đẳng nghề liên thông lên trình độ đại học khi chưa được phép của Bộ GD & ĐT.

Về liên kết đào tạo, trường đã vi phạm quy định về điều kiện thực hiện liên kết đào tạo tuyển sinh và đào tạo liên thông ngoài cơ sở đào tạo của trường để cấp bằng đại học chính quy, cao đẳng mà chưa thực hiện đăng ký với Bộ GD & ĐT. Trường đã thực hiện đào tạo liên kết không đúng quy định về đối tượng tham gia liên kết đào tạo. Việc ký kết và tổ chức thực hiện hợp đồng liên kết đào tạo thiếu chặt chẽ dẫn tới bị đối tác chiếm dụng một số tiền lớn, trong thời gian dài.

Về công tác quản lý chất lượng đào tạo, trường đã buông lỏng quản lý, giao cho đơn vị bên ngoài chủ trì quản lý đào tạo hệ liên thông, liên kết không đúng quy định; tuyển sinh vượt chỉ tiêu lớn dẫn đến quy mô vượt quá năng lực, không đảm bảo tiêu chí về tỷ lệ sinh viên và giảm biên theo quy định. Công tác quản lý kết quả học tập của sinh viên hệ liên thông, liên kết lỏng lẻo, thiếu kiểm soát, trường chỉ tiếp nhận kết quả điểm cuối cùng của các lớp để tổng hợp, xét điều kiện dự thi tốt nghiệp.

Về công tác quản lý thu – chi học phí, ĐH Điện lực chấp hành chưa đúng các quy định của pháp luật về phí và lệ phí trong thu học phí. Trong đó, công tác giám sát thu tài chính chưa chặt chẽ (chưa quản lý đầy đủ các nguồn thu của trường như: học phí và kinh phí đào tạo, học phí học bổ sung kiến thức, lệ phí tuyển sinh, lệ phí thi tốt nghiệp…).

Do trường đã đào tạo vượt chỉ tiêu với số lượng lớn dẫn đến không đủ phôi bằng để cấp cho sinh viên tốt nghiệp. Thời điểm cuối năm 2015, trường còn nợ 18.585 bằng tốt nghiệp; tại thời điểm tiến hành thanh tra còn nợ 3.634 bằng tốt nghiệp hệ liên thông đại học chính quy đã có chứng nhận tốt nghiệp năm 2015.

Kết luận Thanh tra cũng nêu rõ, để xảy ra những sai phạm nêu trên trách nhiệm thuộc về Ban Giám hiệu, trong đó chịu trách nhiệm trực tiếp là hiệu trưởng, tiếp đó là các phó hiệu trưởng. Tiếp đến là một số đơn vị phòng, khoa, trung tâm như Phòng Đào tạo, Phòng Kế hoạch – tài chính, Phòng Công tác Chính trị và quản lý người học, Trung tâm Đào tạo thường xuyên, Khoa Đào tạo sau đại học…

Vũ Hân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/chua-ro-ca-nhan-tap-the-nao-bi-xu-ly-sau-ket-luan-vi-pham-tai-dai-hoc-dien-luc-425598/