Vẫn câu chuyện ứng xử với di sản

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ảnh: MẠNH TRƯỜNG

TỪ NHỮNG CẢNH BÁO...

Trong thực tế, những tiêu chuẩn khắt khe về giá trị văn hóa -

lịch sử hay sự tham gia tự nguyện, tự giác của cộng đồng là yếu tố cơ bản để UNESCO công nhận danh hiệu cấp thế giới cho một di sản. Ngược lại, sau một thời gian nhất định, nếu những tiêu chí này không còn được giữ vững, hoặc chương trình hành động để bảo tồn di sản không được tiến hành theo đúng cam kết (trong hồ sơ xin danh hiệu ban đầu), UNESCO hoàn toàn có thể rút lại danh hiệu của di sản.

Với những di sản Việt Nam, vấn đề ứng xử “hậu danh hiệu” chưa bao giờ khiến các chuyên gia văn hóa yên lòng. Đơn cử, vịnh Hạ Long từng nhận lời cảnh cáo từ UNESCO về nạn ô nhiễm chung quanh việc khai thác than. Dân ca quan họ Bắc Ninh, chỉ vài tháng sau khi được UNESCO công nhận đã bị các chuyên gia “đánh” tơi tả vì màn “đồng ca quan họ” huy động gần 3.000 người hát tập thể. Hát xoan Phú Thọ ngay trong đêm tổ chức đón nhận danh hiệu bị than phiền về việc biểu diễn những làn điệu hát xoan đã cải biến và xa rời truyền thống...

TS Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) gọi đó là căn bệnh “hoành tráng hóa” di sản sau khi được tôn vinh. Dưới góc nhìn của bà: “Xuất phát từ thiện ý muốn làm một điều gì đó xứng tầm với danh hiệu, chúng ta hay nghĩ tới chuyện rót kinh phí đầu tư cho di sản để bảo tồn hay tổ chức vận hành lễ hội cho thật hoành tráng. Kết quả, cơ quan quản lý trực tiếp đứng ra áp đặt, kế hoạch hóa mọi chương trình vận hành hoặc bảo tồn di sản, còn cộng đồng tại địa phương - chủ thể sáng tạo ra di sản - thì trở thành người đứng xem ở vòng ngoài. Sự thực, UNESCO luôn nhất mực đề cao vai trò của người dân như một yếu tố quyết định trong mọi loại hình di sản phi vật thể. Bởi họ vừa là người sáng tạo, vừa là người tổ chức và vận hành di sản xuyên suốt thời gian. Ngược lại, khi di sản được chính quyền đứng ra tổ chức vận hành, cộng đồng sẽ mất đi cơ hội để hiểu biết và tự quyết định những vấn đề liên quan di sản do mình tạo dựng”.

“Cần phân biệt rõ hai khái niệm: Nhà nước trực tiếp tổ chức toàn bộ Quốc lễ và Nhà nước tham gia Quốc lễ chỉ với vai trò chủ lễ, trong khi đó nhân dân vẫn song song thực hiện vai trò của mình” - GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, cho biết. Cũng theo ông: “Thực tế, chúng ta đã có lúc thiên về xu hướng thứ nhất, tức là vận hành Quốc lễ theo kiểu nhà nước hóa và đi ngược hẳn với tính nhất của một di sản văn hóa phi vật thể”.

Để dẫn chứng về ranh giới vận hành giữa chính quyền và cộng đồng, các chuyên gia nghiên cứu đưa ra một số tài liệu cho thấy: trong lịch sử, cộng đồng dân cư khu vực Phong Châu có vai trò chính yếu trong việc việc vận hành lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, vai trò của các triều đại phong kiến thường là thứ yếu. Cụ thể, tuy được hình thành khá lâu nhưng tục thờ cúng Hùng Vương chỉ mới chính thức được vinh danh vào thời Hậu Lê và bắt đầu tổ chức thành Quốc lễ (theo chu kỳ năm năm một lần) từ thời Nguyễn. Tuy nhiên, trong quá trình hành lễ, ít khi nhà vua có mặt và thường để Bộ Lễ tiến hành. Đặc biệt, các tài liệu còn lưu giữ cho thấy: trong giai đoạn này, việc tổ chức giỗ, trông coi mộ Tổ hằng năm do các chức sắc quanh khu vực sở tại đảm nhiệm. Trong những năm không tổ chức hội chính, triều đình gửi ba đấu gạo thơm về để nhân dân vùng Phong Châu nấu xôi cúng Tổ. Đồng thời, một số chế độ miễn thuế và thậm chí cấp ruộng đất tại khu vực quanh đền Hùng để người dân tại đây canh tác, thu hoa lợi và coi sóc đền thờ cũng đã được ban hành.

... TỚI VIỆC VẼ LẠI BẢN ĐỒ TÍN NGƯỠNG HÙNG VƯƠNG

Để tập trung và cô đọng, hồ sơ gửi lên UNESCO do Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam thực hiện chủ yếu tiến hành khảo sát các cụm di tích quanh khu vực đền Hùng (Phú Thọ), với 122 làng thuộc các huyện: Cẩm Khê, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Ba, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Yên Lập, thị xã Phú Thọ và thành phố Việt Trì. Trong khi đó, các nghiên cứu về tín ngưỡng Hùng Vương được tiến hành từ hàng chục năm qua cho thấy: trên toàn quốc có tới hơn 1.500 điểm thờ Hùng Vương trải dài suốt từ bắc tới nam. Bởi, trong quá trình phát triển, việc xây dựng một ngôi đền thờ Quốc Tổ là điều đầu tiên mà người dân Việt Nam nghĩ tới, mỗi khi đặt chân tới một vùng đất lạ.

“Hệ thống các đền thờ Hùng Vương này khá đa dạng và độc đáo. Ở nhiều địa phương, người dân tổ chức phối thờ Quốc Tổ với các con gái vua Hùng, các bộ tướng Cao Sơn - Quý Minh, Đức Thánh Tản (Sơn Tinh), Hai Bà Trưng hay nhiều danh nhân văn hóa khác. Nghĩa là, các vua Hùng được nhân dân tri ân như người khai sinh quốc gia đầu tiên cho dân tộc, nhưng cũng không hề chiếm thế độc tôn, duy nhất tại bất kỳ sinh hoạt tín ngưỡng nào” - ông Bùi Quang Thanh, Phó Viện trưởng Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cho biết. “Thậm chí, cư dân Việt Nam còn “bình dân hóa” hình tượng Hùng Vương, đón bài vị Ngài về phối thờ cùng bàn thờ tổ tiên của dòng họ mình và tạo nên sự gần gũi thường nhật. Như vậy, tùy vào sự sáng tạo của từng địa phương, tín ngưỡng Hùng Vương vừa bảo đảm tính thiêng lại vừa hòa hợp rất chặt với sinh hoạt của từng cộng đồng”.

Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu, ngay từ trước khi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được đệ trình lên UNESCO, thực tế đã đặt ra yêu cầu khảo sát cụ thể để xây dựng một bản đồ về hiện trạng phân bổ, phát triển tín ngưỡng Hùng Vương trên toàn quốc. Theo đó, một số không gian văn hóa liên quan thực hành tín ngưỡng thờ Hùng Vương sẽ được tôn tạo, một số thực hành đã từng có mà nay bị mai một sẽ được nghiên cứu để từng bước phục hồi. Từ đó, các tập quán, nghi lễ và lễ hội trong tín ngưỡng di sản này sẽ được thực hành thường xuyên, với sự hiểu biết đầy đủ và thấu đáo.

TS Lê Thị Minh Lý cho rằng việc Bộ VHTT&DL ban hành Thông tư kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể vào năm qua là cơ sở pháp lý phù hợp để có thể lập hồ sơ khoa học tổng thể về di sản vô giá của cả nhân loại này. “Điều quan trọng nhất là chúng ta phải tiến hành kiểm kê với sự tham gia của cộng đồng. Và từ kết quả này, những kế hoạch, biện pháp bảo vệ di sản sẽ do chính cộng đồng xây dựng” - bà Lý nói.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandanhangthang/nhan-dan-h-ng-thang/v-n-hoa/v-n-cau-chuy-n-ng-x-v-i-di-s-n-1.386564